Hà Nội

Các bác sĩ gieo chữ ở trại phong

01-05-2010 15:04 | Xã hội
google news

Tổ giáo viên đầu tiên và cũng là duy nhất trong cộng đồng những người mắc bệnh phong ở Thái Bình do một số y, bác sĩ nơi đây thành lập nên đã gặt hái được những kết quả tốt đẹp.

Tổ giáo viên đầu tiên và cũng là duy nhất trong cộng đồng những người mắc bệnh phong ở Thái Bình do một số y, bác sĩ nơi đây thành lập nên đã gặt hái được những kết quả tốt đẹp. Họ là những người đã gắn bó cả đời với sự nghiệp "gieo chữ" ở cái mảnh đất "cò không muốn đậu" này và nhiều con em làng phong thành đạt như ngày hôm nay là nhờ vào những thầy giáo "làng cùi" ấy...

Ký ức chưa xa

Trại phong Văn Môn được thành lập vào năm 1900 dưới thời Pháp thuộc, nằm trên vùng đất ven sông Hồng hoang sơ và hiu quạnh với diện tích chưa đầy một kilômet vuông, nay thuộc thôn Cộng Đồng (xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Đây là nơi cứ trú của hơn 100 người mắc bệnh phong trên khắp các vùng miền của đất nước điều trị và sinh sống. Theo những cư dân lâu đời của "làng cùi", trước đây, khu điều trị phong Văn Môn chỉ là một mảnh đất bãi bồi ven sông, với vài dãy nhà tranh tre nứa lá, là nơi để thực dân Pháp dồn những mảnh đời bất hạnh mà xã hội thời ấy quay lưng lại để cách ly với cuộc sống bên ngoài. Khi ấy, đời sống bệnh nhân với biết bao điều khổ cực, đói ăn thiếu mặc, bác sĩ chuyên khoa không có, thuốc men thì chủ yếu chỉ trông cậy vào những bài thuốc nam đơn giản nên bệnh ngày càng trầm trọng thêm. Chưa hết, vì bị xã hội xa lánh, người bệnh không những đau đớn về thể xác mà còn đau những nỗi đau về mặt tinh thần. Văn Môn lúc đó như là một ốc đảo cô độc giữa bãi sông Hồng, người dân sống nơi đây quanh năm suốt tháng không bước ra khỏi làng. Những người mắc bệnh phong mặc dù đã được chữa khỏi bệnh nhưng với mặc cảm bệnh tật mang trên người họ đã không dám trở về quê cũ, một phần vì bị người đời xa lánh, nhưng quan trọng hơn nữa là họ đã gắn bó với nơi đây và coi Văn Môn như quê hương thứ hai của mình, vì thế họ đã quyết định ở lại nơi đây, tạo dựng cuộc sống và chung tay xây dựng "làng cùi" thành một vùng quê trù phú như ngày hôm nay.

Trò chuyện với chúng tôi, những cư dân "làng cùi" cho biết, sau khi bệnh đã khỏi, tật cũng đã lành, những bệnh nhân phong lại thấy đời thật đẹp và họ thấy mình cần phải sống và sống sao cho thật ý nghĩa. Vậy là trên cái mảnh đất "cò không dám đậu" này, những con người với những bàn tay không đủ ngón, những sức lực không vẹn toàn... mà lá vẫn xanh, mà cây vẫn tốt, lúa vẫn hai mùa đơm bông trĩu hạt, đời sống bệnh nhân cũng ngày một khấm khá hơn lên. Một làng quê mới đã hình thành với những cảnh ngộ bất hạnh nương tựa vào nhau cùng dựng xây cuộc sống. Và cũng từ đây, một thế hệ cư dân mới của làng phong đã ra đời trong vòng tay của những người đồng cảnh ngộ, trong niềm vui xen lẫn nỗi lo của những bậc sinh thành. Tương lai con em mình rồi sẽ về đâu, xã hội liệu có dang tay đón nhận những thế hệ tương lai lớn lên từ "làng cùi" hay không?... một câu hỏi khi ấy không dễ giải đáp.

Một lớp học ở trại phong.

Những người đi tiên phong

Từ những trăn trở đó, một tổ giáo viên do chính những y bác sĩ nơi đây đi tiên phong đã được thành lập, năm 1955. 40 giáo viên với tuổi đời còn rất trẻ. Ban đầu, tổ giáo viên "cây nhà lá vườn" này chủ yếu tập trung vào lập các lớp xóa mù chữ cho người lớn tuổi trong làng, để rồi gần 10 năm sau, chính những con người đó lại xung phong bước lên bục giảng dạy những chữ cái đầu tiên cho chính con cháu của mình.

Với những người khỏe mạnh bình thường, nghề dạy học cũng đã muôn vàn vất vả, khó nhọc. Đối với những người mắc bệnh phong, việc "đứng lớp" còn gian khổ bội phần. Những giáo viên là bệnh nhân cơ thể đều bị bệnh tật ăn mòn, người thì bị cụt đốt ngón tay, ngón chân; nặng hơn có người bị liệt, cụt cả chân phải chống nạng lên lớp... Khó khăn là vậy, nhưng cũng không thể ngăn được các thầy cô giáo nơi đây ngày ngày lên lớp uốn nắn từng con chữ cho các học trò.

Một trong những người khởi xướng phong trào dạy học ở "làng cùi", ông Phạm Như Trù nhớ lại những ngày còn đứng trên bục giảng. Sau khi biết mình mắc bệnh, ông đã lặng lẽ rời bỏ quê hương (tỉnh Hưng Yên) đến Văn Môn với mong muốn chữa lành được tật bệnh nhưng cảm cái tình của người "làng cùi", ông đã tình nguyện ở lại nơi đây làm người "gieo" chữ. Thời gian đầu đôi tay còn nguyên vẹn, ông cầm phấn, cầm bút bình thường nhưng vài năm sau, căn bệnh quái ác đã "gặm" cụt dần khiến bàn tay phải của ông chỉ còn trơ lại vài đốt ngón tay. Không bỏ cuộc, ông Trù tập viết tay trái và tiếp tục công việc đứng lớp. Vài năm sau, chân phải cũng bị cụt, thì ông chống nạng lên lớp. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Canh, chia sẻ: "Nhiều lúc thấy chồng mình vất vả, người cứ gầy rạc đi... thương ông, tôi có ý ngăn cản nhưng ống ấy cứ gạt đi. Hiểu được những suy nghĩ của chồng mình, tôi đành lặng lẽ đi sau ông ấy để ông ấy hoàn thành tâm nguyện...".

Ông Trần Văn Định, 78 tuổi, người có thâm niên hơn 30 năm dạy học ở "làng cùi" bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm trong đời dạy học của mình: "Ban đầu lớp học không nhiều, mỗi năm tổ chỉ mở 8 - 9 lớp với đủ mọi trình độ, từ mẫu giáo đến... lớp 4, mỗi lớp có khoảng hơn chục học sinh. Được đi học, các em rất vui. Mỗi buổi lên lớp là một kỷ niệm không bao giờ quên trong sự nghiệp "làm thầy" của chúng tôi. Nhưng có một kỷ niệm khiến tôi không bao giờ quên được, đó là một hôm, khi tôi viết bài tiếng Việt lên bảng, bỗng nhiên có một em đứng bật dậy thắc mắc: Sao thầy lại viết tên bố em ra?". Học sinh "làng cùi", vì những mặc cảm xã hội, vốn ít nói, giờ nói ra, tôi thấy vui vì học trò của mình đã biết chữ. Thực sự, hồi đó chúng tôi chỉ cố gắng làm sao để cho các con, các cháu làng phong thoát khỏi mù chữ thôi chứ không dám ước vọng cao xa...".

Chủ tịch công đoàn Bệnh viện phong Văn Môn, chị Nguyễn Thị Mùi là một trong những học trò đầu tiên trong làng được các thầy cô dạy cho những nét chữ đầu tiên. Chị tự hào kể: "Hồi đó chúng tôi chẳng biết làm gì ngoài công việc mò cua, bắt ốc... để phụ giúp gia đình. Cả tuổi thơ chúng tôi gắn bó với làng phong, nhiều lúc muốn ra khỏi con đê làng để đi chơi với chúng bạn cùng trang lứa còn không dám vì mặc cảm, vì thế nên bỗng nhiên được đi học nên đứa nào cũng thích. Không có các thầy cô dạy bảo thì chúng tôi không thể có được ngày hôm nay...".

Giám đốc Bệnh viên phong Văn Môn, BS. Bùi Huy Thiện tự hào chia sẻ: "Chống chọi với bệnh tật giằng xé cơ thể, lấy đi từng đốt ngón tay ngón chân, nhưng những thầy cô giáo ấy vẫn ngày ngày đến lớp, mặc dù họ không được hưởng bất cứ một chế độ trợ cấp nào mà hoàn toàn tự nguyện, quả là một nghị lực phi thường. Tất cả xuất phát từ tình thương, sự thông cảm, sẻ chia của những con người nơi đây.

Trải qua 40 năm gây dựng, lập làng, giờ đây "làng cùi" ngày xưa đã trở thành một làng quê trù phú không kém gì những ngôi làng khác, và còn hơn những làng quê khác bởi ở đây không có bóng dáng của các tệ nạn xã hội, hàng trăm con em của làng chăm ngoan, học giỏi, có người trở thành kỹ sư, bác sĩ, nhà báo, nhà giáo, sĩ quan quân đội... Và điều quan trọng nhất là tất cả trẻ em làng phong, giờ đây đến tuổi đi học đều được cắp sách đến trường.

Linh Sơn


Ý kiến của bạn