Các bác sĩ Bệnh viện 115 không có liên quan

15-05-2008 10:59 | Thời sự
google news

Mặc dù Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có hiệu lực từ tháng 7/2007 nhưng việc sinh viên Tô Công Luân sang Trung Quốc bán thận gặp rủi ro vừa qua đã gây nhiều tâm lý băn khoăn cho mọi người.

Sở Y tế TP.HCM vừa có báo cáo gửi Bộ Y tế về vụ nghi vấn một đường dây đưa người sang Trung Quốc bán thận có liên quan đến các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115.

Trong báo cáo gửi Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM cho biết, đã yêu cầu lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân 115 báo cáo về sự việc nghi vấn có liên quan đến đường dây đưa người sang Trung Quốc bán thận mà báo chí nêu.

Theo báo cáo của Bệnh viện Nhân dân 115, bệnh nhân Nguyễn Tấn Tài - Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM trước khi ghép thận tại Trung Quốc được điều trị lọc thận nhân tạo tại bệnh viện nhưng do không có người cho thận tại Việt Nam nên giới thiệu cho ông Tài biết việc ghép thận tại Trung Quốc vì giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 và một số người khác của Việt Nam đã từng được ghép thận đây.

Ngoài ra, do yêu cầu cần được chăm sóc trong quá trình ghép thận tại Trung Quốc nên bệnh nhân có yêu cầu và bệnh viện đã cử BS. Tạ Phương Dung- Trưởng khoa Thận - Nội tiết đi cùng và chăm sóc bệnh nhân Tài trong thời gian ghép thận tại Trung Quốc, hoàn toàn không mang tính chất môi giới và không có lợi nhuận gì từ việc này.

Riêng đường dây bán thận tại Trung Quốc có liên quan đến bệnh nhân Tô Công Luân, Bệnh viện Nhân dân 115 hoàn toàn không biết và không có liên quan.

 
 Ông Lý Ngọc Kính
Mặc dù Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có hiệu lực từ tháng 7/2007 nhưng việc sinh viên Tô Công Luân sang Trung Quốc bán thận gặp rủi ro vừa qua đã gây nhiều tâm lý băn khoăn cho mọi người. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn TS. Lý Ngọc Kính - Cục trưởng Cục Quản lý Khám Chữa bệnh - giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các vấn đề liên quan đến ghép thận tại Việt Nam nhằm hạn chế những điều đáng tiếc như vừa qua.

PV: Thưa ông, vụ việc sinh viên Tô Công Luân sang Trung Quốc bán thận vừa qua đã gióng lên tình trạng bán thận chui vẫn đang diễn ra. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?

TS. Lý Ngọc Kính: Luật pháp Việt Nam không cho phép buôn bán phủ tạng, nếu người nào vi phạm thì phải xử nghiêm theo pháp luật, đặc biệt đối với những trường hợp môi giới.

PV: Hiện nay đã có những cơ sở y tế nào đủ điều kiện tiến hành ghép thận, thưa ông?

TS. Lý Ngọc Kính: Hiện nay ngành y tế nước ta đã có 10 cơ sở có đủ điều kiện tiến hành ghép thận, đó là: tại TP.HCM có 4 cơ sở (BV Chợ Rẫy, BV Nhân dân 115, BV Nhân dân Gia Định và BV Nhi Đồng II); tại Hà Nội có 3 cơ sở (BV Quân y 103, BV Việt Đức và BV Nhi Trung ương); miền Trung có 2 cơ sở (BV ĐK Trung ương Huế, BV Đa khoa Đà Nẵng); miền Nam có 1 cơ sở là BV Đa khoa Kiên Giang.

PV: Vậy các cơ sở đó phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì, thưa ông?

TS. Lý Ngọc Kính: Bộ Y tế đã có quy định số 08/2008/QĐ-BYT quy định về điều kiện đối với cơ sở y tế lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và trình tự, thủ tục cho phép cơ sở y tế hoạt động. Trong đó, đối với cơ sở lấy, ghép mô nói chung phải có đủ đội ngũ cán bộ y tế có năng lực, trình độ chuyên môn, đã được đào tạo tại các cơ sở ghép mô và được các cơ sở này cấp giấy chứng nhận hoặc văn bằng chuyên khoa. Quy định của Bộ Y tế cũng yêu cầu, cơ sở hiến, ghép mô, tạng phải có phòng mổ với đầy đủ các trang thiết bị cần thiết cho ca ghép mô trên người và có bộ phận điều trị sau ghép, theo dõi lâu dài sau ghép mô; Có các phòng xét nghiệm (hoặc liên kết với các cơ sở khác) để đảm bảo việc chẩn đoán và theo dõi người hiến, người được ghép trước, trong và sau khi ghép mô; Có đủ trang thiết bị, dụng cụ y tế phục vụ cho từng loại ghép mô... cũng như các chủng loại và số lượng thuốc cần thiết để điều trị lâu dài sau ghép cho người bệnh. Nơi lấy mô ở người sau khi chết phải tuân thủ theo nguyên tắc vô khuẩn...

Đối với cơ sở y tế lấy, ghép bộ phận cơ thể ở người sống, ngoài những quy định chung ở trên, trưởng kíp ghép bộ phận cơ thể người phải là những người đã từng trực tiếp thực hiện hoặc đã từng tham gia vào ca ghép trên người. Đồng thời phải có ít nhất ba phòng liên hoàn khép kín, bố trí một chiều, có áp lực dương, bảo đảm vô trùng, bao gồm phòng lấy, xử lý và bảo quản bộ phận cơ thể người; phòng ghép và phòng hồi sức sau ghép. Có đơn vị lọc máu, chạy thận nhân tạo đối với trường hợp ghép thận...

Đối với các cơ sở thực hiện hiến, ghép mô, tạng và bộ phận cơ thể người, trước khi tổ chức triển khai ghép mô, tạng phải được sự thẩm định của hội đồng chuyên môn Bộ Y tế do các giáo sư, các nhà khoa học đầu ngành thẩm định. Nếu đảm bảo những điều kiện đã quy định của Bộ Y tế mới được tiến hành ghép mô, tạng.

Quy định về tiêu chuẩn của cơ sở hiến, ghép thận cũng nằm chung trong quy định của Bộ Y tế về điều kiện đối với cơ sở y tế lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người. Vì vậy các cơ sở hiến, ghép thận phải đảm bảo đáp ứng được các yếu tố chung của các cơ sở hiến, ghép mô tạng.

PV: Có những yêu cầu gì đối với người cho cũng như người nhận thận, thưa ông?

TS. Lý Ngọc Kính: Có 2 yêu cầu bắt buộc. Thứ nhất cả người cho và người nhận thận đều phải tuân thủ các quy định của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác đã có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2007. Thứ hai, cả người cho và người nhận thận trước khi tiến hành hiến, ghép thận, các cơ sở ghép thận cần phải làm các thủ tục xét nghiệm cả người cho và người nhận đảm bảo theo đúng quy trình của Bộ Y tế.

PV: Xin cảm ơn ông!

Liên Bình (thực hiện)


Ý kiến của bạn