Trong hai ngày 7-8/9/2023, tại Đà Nẵng, Dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng chống HIV/AIDS (Dự án EPIC) do CDC Hoa Kỳ tài trợ phối hợp với Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam và tổ chức BIDMC, đã tổ chức hội nghị thường niên nhóm tư vấn và hỗ trợ khách hàng (CAB), nhằm chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận khó khăn/thách thức, xác định những ưu tiên trong thời gian tới của hoạt động này tại các tỉnh, thành phố do dự án EPIC hỗ trợ.
Ông Võ Hải Sơn – Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, Phó giám đốc Dự án EPIC Trung ương cho biết, hoạt động CAB chủ yếu dựa vào các tổ chức cộng đồng. Đây là lực lượng rất quan trọng, đóp góp vào việc cải thiện dịch vụ liên quan đến công tác phòng chống HIV/AIDS và giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.
Thành viên của CAB có thể là người sử dụng dịch vụ, người có HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV, các nhóm cộng đồng đích… nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, điều trị PrEP; đại diện khách hàng phản hồi ý kiến cho người cung cấp dịch vụ, góp phần nâng cao, cải thiện chất lượng dịch vụ tại các phòng khám.
Hiện mô hình CAB được triển khai tại 6 tỉnh, thành phố trên cả nước: Hà Nội, Hải Phòng Thái Nguyên, Long An, Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu. Có 41 phòng khám ngoại trú (OPC)/487 OPC trên toàn quốc đang được CAB hỗ trợ. Trong năm 2022-2023, có trên 10.000 lượt khách hàng đã được CAB hỗ trợ tư vấn và chuyển gửi.
Theo BS Vương Thế Linh (CDC Bình Dương), tại Bình Dương nhóm CAB được thành lập từ tháng 4/2019, thực sự là cánh tay nối dài của nhân viên y tế. Họ là người đứng giữa nhân viên y tế và khách hàng, tương tác hai chiều, tìm kiếm và lấp đầy khoảng trống dịch vụ y tế còn thiếu cho khách hàng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Minesh Shah, Cố vấn trưởng y tế, Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới đã chính thức triển khai mô hình CAB, thông qua việc Ban hành Quyết định 237/QĐ-AIDS ngày 13/10/2021, hướng dẫn triển khai mô hình nhóm cộng đồng hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ phòng chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế, dưới sự hỗ trợ của Cục Phòng chống HIV/AIDS.
Một trong những mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo sự công bằng trong y tế. Thông qua mô hình CAB đã giúp cho chúng tôi đạt được mục tiêu này, mang đến sự công bằng đến tất cả mọi người. CAB là minh chứng cho sự phối hợp giữa Chính phủ, cơ quan y tế và các tổ chức cộng đồng để cải thiện các dịch vụ dự phòng, chăm sóc người có HIV/AIDS và đưa ra tiếng nói của cộng đồng. Thông qua sự hỗ trợ của các đối tác kỹ thuật có liên quan, đảm bảo mô hình hoạt động tích cực, hiệu quả bền vững, đồng thời cũng là mô hình chuyển đổi trong tương lai sang các bệnh khác, ông Minesh Shah cho biết thêm.
Tại hội thảo các nhóm CAB cùng chia sẻ, rút kinh nghiệm, phát huy những việc làm tốt, đưa ra những giải pháp khắc phục những tồn tại, khó khăn… để triển khai các hoạt động ngày càng tốt hơn, vì mục đích chung nâng cao dịch vụ phòng chống HIV/AIDS.
Các đại biểu cũng đã trình bày các tham luật về mô hình CAB trong hệ thống y tế; triển lãm Standee nhóm CAB; chia sẻ thông tin về các sáng kiến từ mạng lưới học tập Đông Nam Á về giảm kỳ thị và phân biệt đối xử; định hướng chiến lược của PEPFAR về tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác cộng đồng - cơ sở y tế để đạt được công bằng y tế và những chia sẻ câu chuyện cá nhân khi tham gia nhóm CAB…
Mời đọc giả xem thêm video:
Bạn hỏi - Chuyên gia trả lời: Tất tần tật về HIV/AIDS.