Hà Nội

CAB – giúp cải thiện chất lượng dịch vụ liên quan đến HIV

10-09-2022 10:57 | Xã hội

SKĐS – CAB là nhóm Hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ, bao gồm các thành viên của những người sống chung, có nguy cơ cao hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV, hoặc thành viên của cộng đồng nhóm đích, tình nguyện tham gia…

Mục tiêu hỗ trợ đưa các quan điểm, ý kiến của cộng đồng đích và khách hàng tới hệ thống cung cấp dịch vụ y tế, từ đó cải thiện chất lượng dịch vụ và giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS đối với nhóm nguy cơ cao và những người sống chung với HIV.

Hiện ở nước ta có 81 thành viên nhóm CAB hỗ trợ hơn 41 cơ sở y tế tại 6 tỉnh (Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội).

Trong năm 2021-2022, có trên 15.000 lượt khách hàng được nhóm CAB hỗ trợ tiếp cận dịch vụ, tư vấn bảo hiểm y tế, tư vấn điều trị; thu thập hơn 18.000 phiếu phản hồi khách hàng, phân tích và báo cáo trong các cuộc họp giao ban nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ.

photo-1662778014282

Nhóm CAB Bình Dương tư vấn cho khách hàng.

CAB tạo ra các dịch vụ HIV có chất lượng tốt hơn

Kể từ khi hoạt động tại Bình Dương vào tháng 4 năm 2019, sáu nhóm CAB tại 6 tỉnh đã góp phần tạo ra các dịch vụ HIV có chất lượng tốt hơn và thay đổi trong thực hành, như:

  • Sự gia tăng tỷ lệ hiểu biết về sức khỏe, đặc biệt là tỷ lệ hiểu biết về tải lượng virus và kiến thức về K = K. Tại Thái Nguyên, mức tăng từ 21% lên 82% và ở Bình Dương từ 16% lên 76%.
  • Việc áp dụng quy mô rộng rãi các phương pháp lấy con người làm trung tâm nhấn mạnh sự riêng tư và bí mật, không gian an toàn và giờ phục vụ thân thiện.
  • Tăng mức độ tiếp nhận dịch vụ đối với thuốc ARV phác đồ TLD, phân phối thuốc nhiều tháng, điều trị viêm gan C và PrEP.

Thông tin tại hội nghị mạng lưới CAB Việt Nam mới đây tại TP Vũng Tàu cho thấy, tại Hải Phòng CAB đã giúp rút ngắn thời gian chờ khám dịch vụ từ 120 phút xuống còn 45 phút. Tại Bình Dương, thời gian chờ giảm xuống còn 15 phút; tăng tỉ lệ nhận thuốc nhiều tháng từ 67% (tháng 10/2019) lên 91% (tháng 1/2020) tại Thuận An, Bình Dương. Khách hàng tiếp cận được các vật phẩm dự phòng, bao gồm bao cao su, chất bôi trơn, kim tiêm mà trước đây không có hoặc để ở nơi khó lấy…

Thu hẹp khoảng cách về bình đẳng y tế, nhất là trong đại dịch COVID-19

Thực tế, trong thời gian cao điểm xảy ra dịch COVID-19 tại Việt Nam, CAB đóng một vai trò quan trọng trong quá trình làm giảm bớt sự gián đoạn hệ thống y tế khi các thành viên của nhóm đã kết nối đảm bảo việc điều trị liên tục đối với điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) thông qua điều hướng, chuyển tuyến và phân phối thuốc tại nhà trong thời gian phong tỏa do COVID-19.

Nhóm tiếp tục thúc đẩy mức độ bao phủ và tính liên tục của việc sử dụng bảo hiểm y tế trong thời gian thiếu hụt nguồn cung cấp thuốc ARV và các vấn đề liên quan đến chuyển tiếp bảo hiểm y tế.

photo-1662778016649

Nhóm CAB tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tư vấn cho khách hàng tại cơ sở y tế.

BS Nguyễn Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, nhóm nâng cao chất lượng dịch vụ (CAB) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được thành lập từ tháng 3/2021 tại 2 cơ sở là Trung tâm y tế TP Vũng Tàu và Trung tâm y tế thị xã Phú Mỹ. Mặc dù mới hoạt động được gần 2 năm nhưng các nhóm CAB tại tỉnh đã triển khai được nhiều hoạt động thiết thực như: Thu thập các chỉ số đánh giá ban đầu về kỳ thị và phân biệt đối xử với HIV; thực hiện bảng điểm cộng đồng, đối thoại cộng đồng; thực hiện các can thiệp chuyên sâu ở cơ sở y tế… Đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, các thành viên nhóm CAB tích cực tham gia vào các hoạt động hỗ trợ bệnh nhân và khách hàng đưa thuốc ARV trong khi đang dãn cách xã hội để chống dịch COVID-19.

BS Eric Dziuban, Giám đốc quốc gia Trung tâm Dự phòng và Kiểm Soát Bệnh Tật (CDC) Hoa Kỳ Việt Nam cho biết, là một bác sĩ HIV làm việc tại Hoa Kỳ và Châu Phi, điều trị cho bà mẹ, trẻ sơ sinh, thanh thiếu niên, những người đồng tính nam (MSM) trẻ tuổi, phụ nữ chuyển giới và nhiều nhóm người khác, ông hiểu rõ tầm quan trọng của việc hiểu bệnh nhân cần những gì để tiếp cận và tiếp tục cuộc sống, để điều trị tiết kiệm. Bên ngoài phòng khám, các bệnh nhân phải đối mặt với những thách thức, đặc biệt là về khả năng tiếp cận các dịch vụ, cho dù đó là những thách thức do hệ thống hay vì lý do cá nhân. Vì vậy, mô hình này đã tạo ra sự khác biệt khi cộng đồng có tiếng nói về cách thức cung cấp dịch vụ và khi tiếng nói đó được đưa vào bàn cùng các nhà cung cấp dịch vụ y tế và cơ quan y tế,

TS. Nguyễn Thị Minh Tâm - Trưởng phòng dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, Cục Phòng chống HIV (Bộ Y tế) cho biết, CAB tạo cơ hội cho người có HIV và các nhóm đích trao đổi về các nhu cầu cũng như các sáng kiến của họ về chất lượng chăm sóc ở tỉnh để hỗ trợ chương trình đạt mục tiêu 95-95-95 (95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 95% người điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện) vào năm 2030.

Cục Phòng chống HIV ủng hộ mô hình CAB, bởi sau 2 năm triển khai thí điểm đã cho thấy tính hiệu quả cao. Mô hình đã góp phần làm giảm, loại bỏ kỳ thị liên quan đến HIV - một cấu phần trọng tâm của mô hình CAB và giám sát cộng đồng sẽ giúp Việt Nam đạt được chặng đường cuối cùng trong việc kiểm soát dịch.

Từ những thành công của CAB có thể hướng tới xây dựng một mô hình hợp tác lâu dài và bền vững giữa chính phủ và cộng đồng mà có thể được tiếp nối sang các bệnh khác và các môi trường khác.

Mời độc giả xem thêm video:

Loại bỏ stress ngay nếu không muốn làn da hư hại


Xuân Thủy
Ý kiến của bạn