Hà Nội

Cá voi - “chìa khóa” chống lại bệnh ung thư

22-05-2019 13:45 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Mặc dù các nhà khoa học cho biết nguy cơ ung thư tăng lên khi con người già đi và trọng lượng cơ thể tăng lên, nhưng cá voi - loài động vật có vú lớn nhất thế giới lại không bị mắc phải căn bệnh này.

Trên thực tế, chúng là một trong số ít các loài động vật trên trái đất không có nguy cơ phát triển bệnh ung thư. Do đó, các nhà khoa học muốn đi sâu tìm hiểu về nguyên lý này để giúp tìm ra phương pháp ngăn ngừa, điều trị ung thư hữu hiệu ở con người.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai ở cấp độ toàn cầu. Căn bệnh này ảnh hưởng đến hàng triệu người ở mọi lứa tuổi trên toàn thế giới. Các nhà khoa học đã phát hiện thấy ung thư ngày càng trở nên phổ biến trong thời đại ngày nay, phần lớn là do các yếu tố như ô nhiễm môi trường, chế độ dinh dưỡng không lành mạnh... là các yếu tố do chính con người ngày nay tạo ra. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy bệnh ung thư đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử loài người.

Trường hợp mắc bệnh ung thư sớm nhất được các nhà nghiên cứu ghi nhận xảy ra ở một hominin (tổ tiên của loài người) có niên đại 1,7 triệu năm trước. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện những hài cốt nằm trong một hang động ở Nam Phi, sau khi tiến hành các xét nghiệm, họ thu được bằng chứng rằng những bộ xương cốt này đã mắc một chứng bệnh về xương khớp - ung thư xương. Tuy nhiên, loài người và tổ tiên loài người không phải là loài duy nhất bị ảnh hưởng bởi căn bệnh ung thư trong lịch sử. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ung thư xảy ra ở chó, mèo, một số loài chim, bò sát, cá - trong điều kiện nuôi nhốt và cả trong tự nhiên. Hơn nữa, theo những khám phá  gần đây, ngay cả khủng long cũng mắc căn bệnh này.

Cá voi lưng gù thuộc loài động vật có vú dưới nước có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cực thấp

Cá voi lưng gù thuộc loài động vật có vú dưới nước có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cực thấp

Tuổi, cân nặng và nguy cơ ung thư

Các chuyên gia giải thích rằng tuổi của một người và cân nặng của họ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Điều đó có ý nghĩa người nào sống càng lâu, càng có cơ hội để các tế bào đột biến và phát triển thành bệnh ung thư bởi vì khi cơ thể già đi, các tế bào của nó dễ bị đột biến hơn. Ngoài ra, những người có trọng lượng cơ thể cao thì càng nhiều tế bào có thể xảy ra đột biến. Tuy nhiên, những tương quan này lại không áp dụng đồng đều giữa các loài trong thế giới động vật.

Trên thực tế, một số loài động vật cực kỳ khó phát triển ung thư mặc dù chúng có kích thước và trọng lượng rất lớn, sống rất lâu. Chẳng hạn như voi, cá heo và cá voi có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cực kỳ thấp. Các nhà nghiên cứu đã rất ngạc nhiên và đặt câu hỏi tại sao về hiện tượng này nhằm giúp con người hiểu rõ hơn về cơ chế phát triển bệnh đồng thời có thể tìm được phương pháp ngăn ngừa, điều trị hữu hiệu đối với bệnh nhân mắc bệnh ung thư.

Trong một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Medical News Today vào năm 2018 đã đưa ra câu trả lời cho trường hợp voi. Những con voi này có một gene ức chế khối u cho phép cơ thể chúng ngăn chặn ung thư hình thành. Con người cũng có gene này. Tuy nhiên, trong khi con người chỉ có một bản sao của gene thì voi có tới 20 bản sao của gene mã hóa P53 - một loại protein có tác dụng ức chế ung thư. Trong cơ thể loài động vật khổng lồ này, khi các tế bào hư hại được phát hiện, những tế bào này sẽ bị phá hủy hoặc tái tạo. Nghiên cứu chứng tỏ “voi có thể có cơ chế mạnh mẽ để tiêu diệt các tế bào bị tổn thương có nguy cơ phát triển thành căn bệnh ung thư”.

Tại sao ung thư không ảnh hưởng đến cá voi?

Một nhóm các nhà khoa học từ Đại học Bắc Arizona ở Flagstaff và Đại học bang Arizona ở Tempe, Mỹ sau khi tiến hành nghiên cứu đã một lần nữa khẳng định việc cá voi nằm trong nhóm những loài động vật có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cực kỳ thấp là do gene của chúng.

Nhóm nghiên cứu, đứng đầu là TS. Marc Tollis đã tiến hành thực hiện giải trình tự DNA và RNA trên mẫu da thu thập từ Salt - một con cá voi lưng gù sống ở vùng biển ngoài khơi Massachusetts. Kết quả thu được đã tiếp tục được so sánh với thông tin về cấu tạo di truyền của các loài động vật có vú khác như cá voi xanh (balaenoptera musculus), cá voi đầu mũi (balaena mysticetus), cá nhà táng (physeter macrocephalus)... So sánh thấy rằng gene p53 ở cá voi đã tiến hóa với tốc độ nhanh hơn nhiều lần so với các loài động vật có vú khác. Các gene p53 này chịu trách nhiệm cho quá trình bảo trì tế bào đột biến gây bệnh ung thư ở người. Một đặc điểm khác khiến cá voi khác biệt với những loài động vật có vú khác là chúng có nhiều bản sao của các gene ức chế khối u, các gene ngăn ngừa khối u phát triển. Số lượng gene này ở cá voi lên đến 40. “Điều này cho thấy cá voi là loài động vật có vú duy nhất dù có kích thước khổng lồ nhưng do có chứa nhiều gene quan trọng này mà bảo vệ được cơ thể chúng khỏi sự tấn công của các tế bào ung thư” - TS. Tollis cho biết.

Vậy thông tin về cá voi là loài có nguy cơ mắc ung thư vú cực thấp sẽ có tác động gì đến việc ngăn ngừa và điều trị ung thư cho loài người? Các tác giả của nghiên cứu này cho rằng bằng cách hiểu rõ cơ chế ngăn ngừa ung thư của cá voi, các nhà nghiên cứu sẽ đưa ra các chiến lược phòng ngừa và liệu pháp điều trị ung thư hiệu quả ở người. Trong tương lai, nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ tiếp tục có những nghiên cứu chuyên sâu hơn và thử nghiệm các gene của cá voi vào liệu pháp điều trị ung thư dựa trên cơ chế tự bảo vệ sinh học của loài động vật có vú khổng lồ dưới nước này.


Huệ Minh
Ý kiến của bạn