Hà Nội

Ca vi phẫu ghép đoạn xương hàm tái tạo khuôn mặt thứ 500

13-08-2018 16:49 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Đã gần 10 năm qua, cháu Nguyễn Giang Ly (SN 2002) ở Phú Lương - Thái Nguyên phải sống chung với khối u lớn, chiếm gần hết khuôn mặt, điều này đã làm cháu buồn rầu, chán nản, thiếu tự tin trong cuộc sống.

Gia đình đã đưa Ly đi khám nhiều nơi, sau khi khám và chẩn đoán, các BS kết luận đây là bệnh u lành tính nhưng phá hủy xương hàm, có tiến triển nhưng không nhanh. Chính vì vậy, các BS không có chỉ định mổ cấp cứu. Nếu điều trị ngay cũng chỉ là phương pháp mài, đẽo gọt để trở về xương hàm bình thường, nhưng vô tình làm u phát triển nhanh hơn do vậy bệnh nhân được chỉ định theo dõi và chờ đợi là cần thiết.

BS CKII Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Hàm mặt, Bệnh viện Răng Hàm Mặt T.Ư Hà Nội cho biết: phẫu thuật triệt để nhất là phẫu thuật cắt đoạn vùng u, trong khi khối u quá lớn, nếu phải cắt đoạn khi bệnh nhân còn nhỏ thì sẽ gây biến dạng khuôn mặt rất lớn. Biến dạng sẽ làm thiểu sản, khiến các vùng xung quanh không phát triển, sự lệch lạc sẽ rất lớn, cần điều trị duy trì đến khi bệnh nhi khoảng 15- 16 tuổi, bắt đầu hình thành khuôn mặt người lớn mới có thể tiến hành phẫu thuật…

GS.TS Trịnh Đình Hải- Trao quà tặng cho gia đình bệnh nhân, nhân kỷ niệm ca vi phẫu thứ 500

Sau thời gian theo dõi, cháu Ly đã được nhập viện để kiểm tra sức khỏe, làm các xét nghiệm cần thiết, chụp X-Quang... để chuẩn bị cho ca phẫu thuật. Sau khi cắt bỏ khối u, bệnh nhân sẽ mất đi gần một nửa khuôn mặt. Các BS phải dùng kỹ thuật vi phẫu ghép đoạn xương hàm, tái tạo lại khuôn mặt cho bệnh nhân.

Sau phẫu thuật, bệnh lý lành tính này sẽ khỏi hoàn toàn, thông thường sẽ không tái phát, bệnh nhân hết đau, hồi phục dần các chức năng bình thường của hàm mặt.

BSCKII Nguyễn Mạnh Hà cho biết: Trường hợp của cháu Nguyễn Giang Ly khá đặc biệt, vì bị tổn thương toàn bộ xương hàm dưới, do vậy phải cắt toàn bộ xương hàm dưới và phải làm vi phẫu hai thì, bệnh nhân bị tổn thương từ cành cao xương hàm trên bên trái. Do đó, chúng tôi sẽ cắt toàn bộ xương hàm từ phải qua trái và sử dụng kỹ thuật tái tạo xương hàm dưới bằng vạt xương mác nhờ kỹ thuật vi phẫu.

Dự kiến phẫu thuật cắt toàn bộ xương hàm, chỉ giữ chỏm nội cầu, chúng tồi sẽ giữ cung hàm cũ của bệnh nhân, sử dụng nẹp giữ chỗ cung hàm và lấy xương mác cảng chân tái tạo xương này. Bệnh nhân Nguyễn Giang Ly có tổn thương xương hàm lớn, do vậy kíp phẫu thuật sẽ sử dụng kỹ thuật căt xương mác ở chân phải để tái tạo lại ½ khuôn mặt bên phải và sẽ lấy xương mác ở chân trái để tái tạo lại ½  khuôn mặt bên trái. Sau sáu tháng, bệnh nhân được đánh giá kiểm tra để cấy ghép và tái tạo răng cho bệnh nhân ăn nhai.

Toàn cảnh buổi họp kỷ niệm ca vi phẫu thứ 500

GS TS Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội cho biết: Ca vi phẫu thứ 500 khẳng định tiến bộ của y học Viết Nam. Kỹ thuật này được áp dụng cho các bệnh nhân bị ung thư xương hàm, u men xương hàm, u liên đòn gây phá hủy xương hàm và hầu hết các bệnh nhân sau khi mổ đều có cuộc sống tốt hơn và khuôn mặt thẩm mỹ hơn.

Trong một năm trở lại đây trung bình cứ một tuần bệnh viện thực hiên ba ca vi phẫu. GS Hải cũng nhấn mạnh: Việt Nam hiện là một trong những nước đi tiên phong kỹ thuật này, thậm chí đi trước cả 10 năm so với nhiều nước trong khu vực. Chi phí cho  kỹ thuật này ở Việt Nam thấp khoảng 10 lần so với một ca vi phẫu được tiến hành ở các nước Châu Âu, Mỹ hay Hàn Quốc…


Song Anh
Ý kiến của bạn