Ca tử vong do bạch hầu ở Gia Lai: Mỗi người dân phải nâng cao ý thức phòng dịch

05-10-2020 11:20 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Gia Lai vừa chính thức thông báo thêm 1 ca nhiễm bệnh bạch hầu ở tỉnh này tử vong. Đó là em T.H (ở làng Chơ Rơng I, xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang). Số ca nhiễm bạch hầu ở Gia Lai tính đến nay vẫn ở mức cao. Cùng với sự quyết liệt của ngành y tế trong việc khống chế và dập dịch thì từng người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa cần nhanh chóng thay đổi nhận thức, xem phòng, chống dịch bệnh là việc làm cần thiết để bảo vệ chính mình, người thân và cộng đồng.

Nhiều ca nhập viện, 2 ca tử vong

Theo kết quả xét nghiệm và diễn biến dịch tễ, em T.H tử vong vì viêm phổi và bạch hầu nặng. H hiện là học sinh lớp 9 Trường THCS Ta Ley. Vào sáng ngày 21/9, H có biểu hiện ho, sốt, khó thở, mệt mỏi không muốn đến trường học nhưng gia đình nghĩ cảm ho thông thường, tự mua thuốc về uống. Đến 24/9, bệnh trở nặng mới đưa đến Trung tâm Y tế huyện Mang Yang. Tại đây, nghi ngờ mắc bạch hầu nên được chuyển tiếp lên Bệnh viện Nhi Gia Lai điều trị và lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, bệnh đã biến chứng nặng nên H. tử vong tối ngày 25/9.

Ngay khi có kết quả em H. dương tính với bạch hầu, ngành y tế địa phương cùng các cấp chính quyền huyện Mang Yang đã tổ chức khoanh vùng, cách ly nơi bệnh nhân cư trú, tiến hành các biện pháp dập dịch. Huy động tổng lực để vệ sinh, khử khuẩn, tiêu trùng trên diện rộng. Rà soát các khu dân cư và vùng lân cận, từng người dân để tiêm phòng vắc-xin phòng bạch hầu.

Sau khi dịch được khoanh vùng, khống chế, ngành y tế địa phương xác định chuyển sang giai đoạn mới là đến từng buôn, gõ cửa từng nhà để điều tra dịch tễ, tiến hành các biện pháp phòng dịch, nhất là trong thời điểm thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay.

Như vậy, đến ngày 3/10, toàn tỉnh Gia Lai đã có 2 ca tử vong do bạch hầu.

Nhân viên y tế ở Gia Lai đến tận từng nhà dân ở các buôn sâu để khám, tuyên truyền chống bạch hầu.

Nhân viên y tế ở Gia Lai đến tận từng nhà dân ở các buôn sâu để khám, tuyên truyền chống bạch hầu.

Từng người, từng nhà chung tay chống dịch

Một trong những huyện của tỉnh Gia Lai có nhiều ca nhiễm bạch hầu nhất là Đăk Đoa. Đại diện Trạm Y tế xã Glar (huyện Đăk Đoa) cho biết: Hầu hết người dân có biểu hiện nặng mới đi khám. Lúc ấy thì bệnh đã bắt đầu có biến chứng nguy hiểm rồi. Bởi thế nên mỗi nhân viên y tế bán buôn, bám làng càng phải tích cực hơn trong việc điều tra dịch tễ, nắm bắt tình hình dịch bệnh. Đặc biệt, nắm rõ luôn lịch trình của từng hộ dân xem khi nào người dân tập trung ở nhà thì nhân viên y tế liền đến vừa tuyên truyền vừa khám bệnh. Chỉ như vậy, hiệu quả mới được nâng cao.

Ông Mai Xuân Hải - Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết: Công tác chống dịch bạch hầu được triển khai trên tinh thần quyết liệt ngăn chặn, không để lây lan, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không lo lắng, hoang mang. Đến nay, hầu hết các ổ dịch từng xuất hiện ở Gia Lai đều được kiểm soát tốt. Phương pháp chống dịch bạch hầu hiệu quả nhất cũng đã được triển khai đến tất cả các địa phương trong toàn tỉnh Gia Lai. Việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, cách ly kịp thời được làm rất khẩn trương.

Bên cạnh các biện pháp phòng, chống dịch của ngành y tế, huyện Mang Yang, huyện Đăk Đoa cũng đã khuyến cáo từng buôn làng, từng gia đình phải ăn chín uống sôi, ở sạch, vệ sinh môi trường. Khi có triệu chứng sốt, ho, đau họng thì phải đến cơ sở y tế khám và điều trị ngay. Khai báo trung thực, không tùy tiện uống thuốc hoặc để bệnh quá nặng mới đến bệnh viện. Trong trường học các cấp (nhất là mầm non, tiểu học, cấp 2) cũng phải tăng cường nắm bắt tình hình học sinh của mình, khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh gì, cần phối hợp với phụ huynh đưa đến cơ sở y tế.

Liên quan đến bệnh bạch hầu, nhiều tỉnh khác ở Tây Nguyên có số ca mắc bệnh cao như: Đăk Lăk, Đăk Nông... cũng đã tiêm phòng, khám sàng lọc trên diện rộng. Cùng với đó, từng xã, từng làng thực hiện mạnh mẽ việc vận động đến tận từng hộ gia đình việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bạch hầu để người dân biết, tự giác đi kiểm tra bệnh. Mỗi nhân viên y tế, người có uy tín trong cộng đồng hướng dẫn chi tiết người dân cách phát hiện sớm ca bệnh và đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được khám và điều trị, tránh những biến chứng nguy hiểm và gây tử vong.


Bài, ảnh: Hà Văn Đạo
Ý kiến của bạn