Có thời điểm nhiều người lo ngại vì ca trù lộ rõ sự mai một. Nhưng gần đây, ca trù ở nhiều địa phương đang cho thấy “mầm sống” dù thực tế còn nhiều gian nan, thách thức.
Không giống như các loại hình dân ca truyền thống khác, ca trù là loại hình nghệ thuật không đại chúng và rất “kén” người nghe. Ca trù cũng đòi hỏi kỹ thuật nẩy hạt, nhả chữ điêu luyện của ca nương và sự hòa hợp của kép đàn. Tại Việt Nam, ca trù có ở 16 tỉnh, thành phố phía Bắc và miền Trung. Theo đánh giá của UNESCO, ca trù là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại đứng thứ hai sau ả đào pansori của Hàn Quốc.
Mặc dù ca trù có ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng âm nhạc Việt Nam nhưng sự phát triển của đời sống văn hóa - xã hội, loại hình nghệ thuật này có sự mai một rõ nét. Theo ông Vũ Hồng Bàng, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Bắc Giang, hình thức diễn xướng ca trù xưa không còn nữa. Ca trù hiện nay chỉ có thể tồn tại, phát huy trong phong trào ca hát quần chúng. Sau 10 năm ca trù được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, đến nay các nghệ nhân cao tuổi, những người có tên trong hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO đã không còn nhiều. Hiện nay, nghệ nhân lớn tuổi gắn bó lâu đời với ca trù chỉ đếm trên đầu ngón tay, sức yếu nên hầu như không thể đàn, hát được nữa. Thêm nữa, người trẻ đi theo ca trù không nhiều và chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân, đầu tư nuôi dưỡng những tài năng ca trù chưa được chú trọng khiến nhiều tài năng ca trù phải bỏ nghề.
Nghệ thuật ca trù vẫn có một số tài năng trẻ tìm đến và đem lòng đam mê.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa ca trù đang “tắt dần”. Minh chứng là gần đây, liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội năm 2019 có sự tham gia của các thí sinh từ 4 tuổi (nhóm múa) đến 30 tuổi là những tài năng trẻ đến từ 8 nhóm câu lạc bộ (CLB) ca trù trên địa bàn Hà Nội (CLB ca trù Chanh Thôn, Hoa Hựu, Lỗ Khê, Ngãi Cầu, Thái Hà, Thượng Mỗ, Xuân Đỉnh, nhóm ca trù Phú Thị) và 3 thí sinh tự do. Bên cạnh đó, các thí sinh là đào nương, kép đàn chỉ trong độ tuổi từ 6 - 30 tuổi, còn lại các nhóm múa có độ tuổi từ 4 - 15 tuổi. Đặc biệt, sự kiện vừa qua có rất nhiều gương mặt trẻ lần đầu tiên tham gia. Những năm qua và hiện tại, Hà Nội vẫn là địa phương có hoạt động ca trù sôi nổi nhất và nhiều CLB biểu diễn thường xuyên, có thể kể đến CLB ca trù Lỗ Khê, giáo phường ca trù Thăng Long, CLB ca trù thôn Chanh, CLB Ca trù Hà Nội, CLB ca trù Bích Câu Đạo quán...
Tại tỉnh Hà Tĩnh, CLB ca trù Cổ Đạm và CLB ca trù Nguyễn Công Trứ vẫn hoạt động trong nhiều năm qua và là những điển hình trong việc gìn giữ, bảo tồn di sản ca trù. Hiện nay, Hà Tĩnh đã khôi phục được khá nhiều thể cách ca trù. Các thế hệ ca nương cũng đều được truyền dạy các tuyệt kỹ của ca trù để có thể hát được nhiều thể cách khác nhau như: hát tứ quý, chúc hỗ, nhịp ba cung bắc, hát nói, hát mưỡu, hát gửi thư, hát múa vọng đại thạch... Nhiều tài năng được phát hiện và đào tạo tại hai CLB kể trên, có thể kể đến ca nương Thu Hà, Nguyễn Thị Quỳnh Như. Để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị ca trù, tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu mỗi năm đào tạo thêm từ 5-10 ca nương, kép đàn, thành lập mới thêm CLB ca trù ở các địa phương để ca trù có được đất diễn.
Là địa phương cũng có ca trù, từng có thời gian dài bị gián đoạn nhưng tại tỉnh Bắc Giang hiện nay đang có tất cả 9 CLB ca trù đang hoạt động. Trong đó, CLB Ca trù Bắc Giang (thuộc Nhà hát Chèo Bắc Giang) nhiều năm qua đã truyền dạy được hơn chục làn điệu, đào tạo được một số ca nương, trống chầu, kép đàn có chuyên môn vững như: Quỳnh Mai, Mai Hương, Tiến Mạnh, Đắc Huấn, Bích Thủy... Đại diện Sở VH-TT&DL Bắc Giang chia sẻ thêm, hằng năm ngành văn hóa tỉnh đã mời nghệ nhân ca trù có uy tín về truyền dạy cho các CLB, cùng đó là hỗ trợ các CLB về trang phục, nhạc cụ, một số địa phương đã đưa ca trù vào hội diễn, hội thi tạo sự phong phú cho phong trào văn nghệ, từ đó thu hút được một số bạn trẻ tham gia. Bên cạnh đó, các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Ninh Bình, Hưng Yên, Phú Thọ, Nghệ An, TP. Hải Phòng... hiện nay đều có những CLB ca trù. Tại các liên hoan ca trù toàn quốc gần đây, các CLB ca trù ở nhiều tỉnh thành đều tham gia và đem tới những tài năng trẻ mới.
Mặc dù vậy, không thể phủ nhận thực tế ca trù đứng trước nhiều khó khăn và thách thức để tồn tại, phát triển trong thời buổi văn hóa giải trí bùng nổ. Vì thế, để ca trù thoát khỏi tình trạng cần phải bảo vệ khẩn cấp, các chuyên gia cho rằng chúng ta cần đưa ca trù vào giảng dạy trong trường học, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các CLB ca trù. Ngoài ra, cần có chế độ đãi ngộ đối với các nghệ nhân, đẩy mạnh tuyên truyền về những tấm gương nghệ nhân ca trù, huy động xã hội hóa trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị ca trù... Nếu làm được những điều này, nhiều người tin tưởng nghệ thuật ca trù sẽ được là chính mình, từng bước đi vào đời sống xã hội đương đại, chất lượng và người tham gia thực hành ca trù cũng sẽ ngày một được nâng lên.