Cá trê
Cá trê là loài cá nước ngọt, sống ở ao hồ, ruộng bùn, những chỗ tối tăm. Trong 100g thịt cá trê có 16,5g protid; 11,9g lipid; 20mg Ca; 21mg P; 1mg sắt; 0,1mg vitamin B1; 0,04mg vitamin B2; 1,4mg vitamin PP và cung cấp 178 calo.
Theo y học cổ truyền, cá trê vị cam, tính ôn, có tác dụng ích âm, khai vị, thúc đẩy việc tạo sữa, lợi tiểu tiêu thũng, bổ huyết.
Một số tác dụng của cá trê:
Dưỡng huyết điều kinh: cá trê 250g, đậu đen 150g, bột canh, nước đủ dùng. Cá trê làm sạch, bỏ mang, ruột, chặt khúc. Đậu đen rửa sạch, đậu đen hầm chín rồi cho cá trê vào hầm cùng với đậu đen tới khi cá chín nhừ, nêm bột canh là dùng được. Món ăn có tác dụng kiện tì, dưỡng huyết, điều kinh.
Bổ thận: cá trê 1 - 2 con, đậu đen 150g. Cá trê khử mùi tanh, nhờn, làm sạch, giữ nguyên đầu, lọc bỏ xương đẻ riêng. Ninh xương cá với 300ml nước để làm nước dùng. Đậu đen xay thành bột, cho vào nước xương quấy đều rồi đun sôi, để nhỏ lửa, cho cá vào nấu chín, nêm gia vị là dùng được. Ăn trong 15 ngày, bệnh sẽ cải thiện rõ ràng.
Chữa loạn kinh: cá trê 300g, ngải cứu 100g, hồng hoa 12g, bột đậu đen 120g, trần bì 6g. Cá trê làm sạch, cho vào nồi cùng bột đậu đen. Ngải cứu, hoa hồng, trần bì cho vào túi vải, buộc kín, cho nước vào đun nhỏ lửa, khi các thứ trong túi vải nhừ bỏ ra, nêm gia vị là dùng được.
Chú ý: Không nên ăn cá trê với rau kinh giới.
BS. Đào Minh Sơn