Cà tím trị tăng huyết áp

29-03-2010 08:05 | Y học cổ truyền
google news

Cà tím còn có tên cà dái dê, cà tím dài, cà dê. Không lẫn cà pháo cà dừa, cà bát vỏ tím. Tên Hán gọi cà với tên chung là Nuy qua. Tên khoa học: Solanum melongema, họ cà.

 Cà tím.
Cà tím còn có tên cà dái dê, cà tím dài, cà dê. Không lẫn cà pháo cà dừa, cà bát vỏ tím. Tên Hán gọi cà với tên chung là Nuy qua. Tên khoa học: Solanum melongema, họ cà.

Trong các loại cà đặc biệt là cà tím dài là thực phẩm có từ 2000 năm trước Công nguyên ở nhiều vùng nhiệt đới Á Phi, nó được ưa chuộng vì chứa nhiều vitamin và ít calo. Cà có thể bung, luộc, nướng, xào, nấu, trộn... chung với các thứ khác mà không hề bị giảm chất lượng thực phẩm của nó.

Cà tím được dùng làm thức ăn phòng chữa bệnh nếu là quả chín tới.

Theo Đông y cà tím đã được ghi trong bản thảo cương mục và các y văn cổ có tính năng cực hàn, thanh can, giáng hoả, lợi tiểu, nhuận tràng, chỉ huyết, hoá đàm, thanh nhiệt, giải độc.

Một số bài thuốc chữa bệnh có dùng cà tím:

Cà tím xào mã đề: Cà tím 200g, mã đề 15g, hành 10g, gừng 5g, tỏi 10, dầu mè, nước tương (xì dầu) một lượng thích hợp. Cà rửa sạch, cắt miếng, mã đề làm sạch; hành cắt khúc, gừng cắt lát; tỏi bỏ vỏ, cắt khô. Để chảo nóng đổ dầu vào, chờ dầu nóng bỏ gừng, hành vào phi thơm; rồi bỏ cà, mã đề vào trộn đều, bỏ muối và một ít nước vào xào chín là được. Mỗi ngày ăn một lần. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, hạ áp huyết.

Canh gà, cà tím: Gà giò 1 con, cà tím 200g, sơn tra 15g, gừng 5g, hành 10g, dầu, muối một lượng thích hợp. Gà làm sạch, bỏ nội tạng; cà tím rửa sạch, cắt miếng, gừng cắt lát; hành cắt khúc. Để nồi nóng đổ dầu vào, cho gừng, hành vào phi thơm bỏ gà vào xào sơ. Tiếp đó, đổ nước vào, bỏ cà, sơn tra, muối vào, nấu sôi bằng lửa lớn, sau đó vặn lửa nhỏ nấu thêm chừng 30 phút là được. Mỗi ngày ăn một lần, dùng thay thức ăn. Có tác dụng tiêu thực tan ứ, giảm mỡ, hạ huyết áp.

Giảm huyết áp bằng các món chay: Nhiều món chay dùng cà tím. Ví dụ: Cà tím nhồi om - cà tím dài 3 quả nhỏ. Nhân thịt chay 300g, sốt cà chua 15ml, dầu vừng 2 thìa, gia vị. Cà thái dọc làm 2 nửa bỏ ruột, ngâm nước muối, vớt ra vắt nhẹ cho ráo. Nhồi nhân thịt chay đã trộn gia vị, rán vàng phía nhồi nhân, xếp vào xoong. Tiếp đó xào hành, bột mì và sốt cà chua để om.

Giúp bỏ thuốc lá: Các nhà khoa học thuộc Trường đại học Michigan (Mỹ) đã phát hiện trong cà tím cũng có nicotin và thấy trong thí nghiệm ăn 10g cà tím có hiệu quả tương tự như hút thuốc suốt 3 giờ. Vậy có lời khuyên khi thèm thuốc lá hãy ăn các món cà tím ngon lành mát bổ lại tránh được độc hại.

Phòng chữa xuất huyết đường tiêu hoá, hô hấp, tiết niệu: Ăn cà tím có nhiều vitamin P, C giúp làm vững chắc thành mạch chống chảy máu nói chung. Nếu được phối hợp với chanh, ngó sen, rau cần thì hiệu quả tăng cao, mạnh và nhanh hơn.

Chữa đái ra máu: Sắc quả cà tím cả cuống để uống.

Phòng chống ban tía ở người già: Ở tuổi 60 - 70 người già thường bị trên mặt, tay có tình trạng ứ huyết nổi ban tía hay từng chấm, có khi phải nhìn kỹ mới thấy. Để khắc phục bệnh lý này nên ăn cà tím. Cà tím lại mềm nên người già dễ ăn, dễ tiêu.

Viêm phế quản cấp: Cà tím 500g, gừng tươi 4 lát, tỏi 3 củ. Cà cắt dọc dài. Gừng thái lát, tỏi nghiền trộn nước tương, dầu, muối, đường. Chưng cách thuỷ. Có tác dụng thanh nhiệt hoá đàm nhiệt.

Viêm gan vàng da: Dùng mấy quả cà tím thái nhỏ trộn với gạo nấu thành món cơm - cà, ăn liên tục nhiều ngày.

Bảo vệ răng chắc, sạch, chống hôi miệng. Chế kem cà tím: Muối trộn cà tím với tỷ lệ 5 cà - 1 muối ngâm trong ít nhất 3 ngày với nước nóng xấp mặt, ép vỉ tre, để chỗ tối. Lấy cà ra để ráo nước phơi trong mát cho khô, bỏ vào chảo rang cháy, tán thành bột. Cất để dùng dần. Mỗi lần dùng lấy bàn chải nhúng ướt, dùng thìa sạch múc bột cà đổ lên bàn chải để đánh răng (kinh nghiệm của dân gian Nhật).

Người Mỹ dùng hỗn hợp cà muối chữa có hiệu quả các bệnh sâu răng, lợi viêm có mủ, bằng cách lấy tay sạch hoặc que bông tẩm bột chấm xát vào chỗ tổn thương. Để chữa bệnh này còn có thể chỉ dùng cuống của quả cà đốt tồn tính để chấm vào răng.

Bí đái: Dùng hạt sắc uống để lợi tiểu.

Táo bón: Dùng quả cà tím, hàng ngày lấy khoảng 100 - 200g nấu các món ăn đơn giản để ăn cùng cơm.

Kiêng kỵ: Theo sách cổ cà tím tính rất lạnh, không nên phối hợp với thức ăn lạnh khác mà còn nên thêm vài ba lát gừng để giảm tính lạnh. Người tạng hàn, hay đi ngoài lỏng khi cần dùng nên thận trọng hơn. Không nên dùng khi quả cà dập nát! Ăn càng tươi càng tốt.

BS. Phó Thuần Hương


Ý kiến của bạn