Cà là loại cây trồng hoặc mọc hoang ở những vùng đất ẩm, mỗi loại cà cũng có hình dáng, màu và kích cỡ khác nhau. Chẳng hạn cà pháo quả tròn bé màu trắng hay vàng, rất nhiều quả và có khi cho thu hoạch quanh năm. Cà nghệ có cùi mỏng màu xanh hoặc trắng ăn giòn không kém cà pháo. Cà tứ thời quả bé, tròn có màu sắc thay đổi, cho quả quanh năm. Cà xoan quả hình quả xoan, màu xanh. Loại cà bát quả to như cái bát có màu trắng hay màu xanh. Cà dái dê có màu tím hoặc xanh hay trắng...
Đông y gọi chung các loại cà là giã tử, ái qua, nuy qua, tên khoa học là Solanum milogena L. thuộc họ cà (Solanaceae). Theo Đông y, cà có vị ngọt tính hàn (có tài liệu ghi là cực hàn và có độc). Sách Trung dược học bản thảo cho biết cà tác dụng hoạt lợi (nhuận trường), lợi tiểu, trị thũng, thấp độc, trừ hòn cục trong bụng (chưng hà), chứng lao truyền, ôn bệnh trong 4 mùa (phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa). Tán huyết tiêm viêm, chỉ thống... Còn trong Thực liệu bản thảo có nói cà có tác dụng chữa ngũ tạng lao tổn. Trong sách Thực kinh viết: Cà có tác dụng làm đầy da thịt, ích khí lực, chữa cước khí... cùng nhiều chứng bệnh.
Y học hiện đại cũng xác nhận rằng cà cũng giàu dinh dưỡng. Người ta đã phân tích thành phần dinh dưỡng có trong 100g cà: nước chiếm 92%, đạm 1,3%, chất béo 0,2%, đường 0,5% cùng các chất khoáng như lân 15mg, magnesi 12mg, calcium 10mg, kalium 22mg, natri 15, 16mg, lưu huỳnh 15, 16mg, sắt 0,5mg, mangan 0,2mg, kẽm 0,2mg, đồng 0,1mg, iod 0,002mg, các vitamin như caroten (tiền vitamin A) 0,04mg, vitamin B1 0,04mg, vitamin B2 0,35mg, vitamin C 6mg, vitamin PP 0,6mg, và chất nhày hay cellulose...
Riêng với giống cà tím (cà dái dê) ở phương Tây người ta cũng đã nghiên cứu nhiều và được xếp vào nhóm rau quả đứng hàng đầu với hàm lượng vitamin PP cao nhất. Có tài liệu nói vitamin PP chứa trong cà tím là 72g. Người ta còn phát hiện vitamin E trong cà và hàm lượng các chất khoáng thường cao hơn hẳn các loại rau quả khác. Đặc biệt hơn ở cà còn chứa chất nightshade soda có tác dụng chống ung thư, ức chế sự tăng sinh của khối u trong bộ máy tiêu hóa. Ngay ở Nhật Bản các chuyên gia cũng đã phát hiện thấy trong cà tím có chứa nhiều thành phần hoạt chất có khả năng ngăn ngừa ung thư, nhất là ung thư dạ dày. Vì vậy có ý kiến đã khuyên nên sử dụng nước ép cà tím khi người bệnh đang dùng xạ trị và cả ngay sau khi phẫu thuật ung thư.
Tại Áo, nhóm chuyên gia Trường đại học Graz đã chứng minh tác dụng khử chất béo của loại cà tím, được thể hiện rõ khi sử dụng cà tím với các thức ăn động vật. Cà tím còn tác dụng chống ứ đọng cholesterol và urê huyết nên rất có lợi trong điều trị các bệnh tim mạch, chứng huyết áp cao, béo phì vì cho năng lượng thấp (ví dụ như cà pháo trong 1kg chỉ cho 24,4 kcalo hay cà bát là 441 kcalo, cà dái dê 454 kcalo), đái tháo đường, thống phong (gout).
Tại Hoa Kỳ, một tạp chí có đăng tải bài “12 cách giảm cholesterol trong máu” đã xếp ăn cà là biện pháp hàng đầu. Người ta đều xác nhận rằng cà tím có tác dụng kích thích tiết mật và tụy khiến khả năng tiêu hóa được tăng cường, lại giúp nhuận tràng, giải độc, có lợi cho bệnh gan mật. Ngoài ra còn có công hiệu lợi tiểu, chống phù nề, đàm thấp, hỗ trợ trong việc điều trị bệnh thận. Trong thực nghiệm cũng cho thấy khi động vật được uống nước ép cà tím thì gây động kinh nhân tạo đã không phát bệnh. Bởi thế người ta khuyên những người dễ bị kích động tâm thần mỗi khi thấy thần kinh căng thẳng nên uống 1 ly nhỏ nước ép cà tím.
Trong Hội nghị các nhà gây mê của Hoa Kỳ tại Orlando vào tháng 10/1998 cũng đã thông báo rằng: Nếu người bệnh ăn nhiều cà tím, cà chua, khoai tây, sẽ làm chậm chuyển hóa một số thuốc mê và thuốc giãn cơ trong phẫu thuật, do các glycoalcaloid của họ cà (Solanaceae) đã gây ức chế các men acetylcholinesteraza và butylcholinesterase là những men làm giảm hóa thuốc mê.
Như vậy thật sự cà còn là một vị thuốc hay được sử dụng chữa trị nhiều bệnh từ lâu đời ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới.
Dưới đây xin giới thiệu những phương thuốc trị bệnh từ cà để cùng tham khảo và có thể áp dụng khi cần.
Chữa phụ nữ huyết hư, da vàng: Lấy quả cà pháo già bổ ra phơi khô trong bóng râm cho đến khô, rồi tán bột mịn, ngày uống 2 lần, mỗi lần 8g chiêu với rượu hâm nóng. Cần uống liền dài ngày.
Chữa đại, tiểu tiện, đường tiêu hóa ra máu: Lấy quả cà pháo già sao vàng, tán bột mịn, ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 8g hòa với giấm pha loãng.
Chữa đàm nhiệt, viêm phế quản cấp, táo bón: Lấy cà tím 500g đem thái dọc, gừng tươi 4 lát, tỏi 3 củ nghiền nhuyễn. Sau trộn với nước tương, dầu, muối, đường chưng cách thủy. Ăn hết trong ngày. Mỗi ngày ăn một lần, cần ăn 5-7 ngày liền.
Chữa ho lâu năm không khỏi: Cà pháo tươi 30-60g, nấu chín cho mật ong vào vừa đủ rồi nấu lại là được. Ngày ăn 2 lần (theo Ẩm thực phương Đông trị bệnh của Hồng Minh Viễn năm 1998 của Trung Quốc).
Chữa hoàng đản (chứng viêm gan vàng da): Lấy cà tím thái miếng, trộn lẫn gạo nấu thành cơm ăn trong 5 ngày đến 1 tuần.
Chữa bệnh ngoài da và niêm mạc, bầm máu, lở loét, chảy máu ở lợi, chín mé ở tay, nứt đầu vú, lấy quả cà pháo đốt thành than rồi tán nhỏ lấy bôi vào chỗ đau.
Chữa chứng đau bụng ở nữ (theo tạp chí Tropical doctor tháng 4/1982): Lấy quả cà khô và quả me chín, cả hai thứ lượng bằng nhau. Cho vào 1.000ml nước (1 lít) rồi đun sau 30 phút lọc lấy nước chia ra vài lần uống nóng.
BS. Hoàng Xuân Đại