“Dinh dưỡng hợp lý có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết, điều trị bệnh và hạn chế biến chứng. Đặc biệt, chế độ ăn cho người mắc đái tháo đường (ĐTĐ) phải được cá thể hóa, vì không thể có một thực đơn chung cho tất cả”, PGS.TS. Nguyễn Thy Khuê - Chủ tịch Hội Đái Tháo Đường và Nội Tiết TP.HCM cho biết.
Vai trò của dinh dưỡng trong điều trị đái tháo đường
Nói về vai trò của dinh dưỡng trong điều trị ĐTĐ, tại sự kiện “Ăn vui - Sống khỏe”, PGS.TS. Nguyễn Thy Khuê - Chủ tịch Hội ĐTĐ & NT TP.HCM cho biết: “Dinh dưỡng hợp lý có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết, điều trị bệnh và hạn chế biến chứng”.
PGS. Thy Khuê đã giải thích tại sao việc ăn uống lại quan trọng như vậy đối với người ĐTĐ, vì ăn uống ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số đường huyết. Ăn uống giúp ổn định đường huyết, về lâu dài sẽ có lợi cho việc giảm biến chứng ở tất cả các cơ quan. Đồng thời, ăn uống giúp tăng cường chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và góp phần tăng cường tuổi thọ.
Ngoài ra, ĐTĐ còn liên quan mật thiết đến một số bệnh khác, thuộc về nhóm bệnh mãn tính không lây tức là những rối loạn chuyển hóa như: tăng huyết áp, béo phì, trầm cảm, và có thể rối loạn về nhận thức (các bệnh về sa sút trí tuệ chẳng hạn). Do đó, ăn uống đúng cách đồng thời cũng ổn định và làm chậm sự diễn tiến của các bệnh này.
Sai lầm trong ăn uống của người bệnh đái tháo đường
Tham gia tư vấn cho bệnh nhân ĐTĐ tại sự kiện “Ăn vui - Sống khỏe”, BS. Nguyễn Thị Ánh Vân - Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM (ảnh lớn)cho biết người bệnh ĐTĐ thường mắc phải 3 sai lầm, đôi khi thành ra cực đoan.
Trước hết, khi biết bản thân bị ĐTĐ, người bệnh thường bỏ hẳn lượng bột đường trong bữa ăn. Điều đó hoàn toàn không đúng bởi vì bột đường là năng lượng chính trong cơ thể. Do đó, bột đường rất cần thiết, không thể bỏ hẳn trong dinh dưỡng.
Thứ 2 là khi biết mình bị ĐTĐ, người bệnh nghĩ rằng bệnh này không thể chữa khỏi được cho nên “ta cứ ăn uống thoải mái”. Một số người thì chỉ dựa vào thuốc vì nghĩ thuốc sẽ điều trị được bệnh và không để ý gì đến việc ăn uống.
Trái ngược với quan niệm trên, lại có tâm lý kiêng khem quá mức. Trong khi đó, dinh dưỡng đúng cách cần được linh hoạt dựa theo thói quen ăn uống, truyền thống văn hóa và sở thích ẩm thực.
Làm sao cá thể hóa chế độ dinh dưỡng cho người bệnh?
Cá thể hóa chế độ dinh dưỡng cho người bệnh tức là chế độ hoặc thực đơn của người bệnh ĐTĐ sẽ khác nhau. Nó thay đổi tùy thuộc vào giới tính, tuổi tác, mức độ lao động, thậm chí cả cân nặng của từng người bệnh nữa. Tất cả những yếu tố trên của mỗi người đều khác nhau.
Không những thế, thói quen ăn uống của mỗi người sẽ khác nhau. Thực phẩm, sở thích ăn uống truyền thống, văn hóa, khả năng kinh tế, thực phẩm sẵn có của từng vùng miền, từng thời tiết cũng khác nhau. Chính chế độ ăn cụ thể của từng bệnh nhân ĐTĐ vừa là điều trị, vừa phù hợp với từng cá thể người bệnh thì sẽ giúp họ dễ tuân thủ hơn, không làm thay đổi quá lớn trong vấn đề thói quen ăn uống hàng ngày. Do đó, chỉ điều chỉnh thói quen ăn uống, điều chỉnh chế độ ăn theo một chuẩn mực căn bản để giúp cho ổn định đường huyết.
Theo BS. Nguyễn Thị Ánh Vân, để chế độ ăn trên từng cá thể có thể khả thi cần phải có thời gian và thay đổi dần dần để giúp cho người bệnh cảm thấy thoải mái trong ăn uống, không bị tâm lý kiêng khem quá mức. Nếu không, người bệnh sẽ không thực hiện được, thậm chí sẽ buông luôn. Bởi vì đa số người mắc bệnh ĐTĐ týp 2 đã lớn tuổi, thói quen ăn uống của họ được hình thành từ trẻ nên không thể thay đổi một sớm một chiều được.
Đối với khẩu phần ăn, khi giảm lại khẩu phần cũng nên xem mức độ lao động ngày xưa và bây giờ như thế nào để giảm và biết thay thế các loại thực phẩm cho phù hợp. Chẳng hạn: người bệnh mỗi bữa ăn 2 chén cơm là thói quen, bây giờ tiêu chuẩn giảm xuống còn 1,5 chén thì đương nhiên sẽ cảm thấy khó chịu, thiếu thốn thì mình phải thay nửa chén đó bằng một loại thực phẩm nào đó không làm tăng đường huyết, không gây ảnh hưởng đến vấn đề năng lượng, như: rau củ. Một thời gian sau khi điều này dần dần trở thành thói quen thì phần tinh bột của người bệnh sẽ giảm. Họ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
Cũng theo phân tích của BS. Ánh Vân, thực ra, thực đơn, chế độ ăn của người bệnh ĐTĐ cũng là chế độ ăn khỏe mạnh cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, điều mà người bệnh thường thắc mắc nhất là loại đường sử dụng trong khẩu phần ăn của mình. Thực tế, rất nhiều người mắc ĐTĐ cho rằng không được ăn đường. Điều đó chỉ đúng một phần thôi, vì lượng đường tinh được phép sử dụng nằm trong giới hạn cho phép là không vượt quá 10% tiêu chuẩn tinh bột của một người. Do đó, người mắc bệnh ĐTĐ có thể sử dụng một ít đường trong khẩu phần ăn.
Tuy nhiên, có những cái không thể nói là không tuân thủ được, ví dụ như lượng muối và những gia vị có chứa muối, chẳng hạn như bột nêm, bột ngọt, nước tương, nước mắm đòi hỏi người bệnh hoặc người nấu ăn cho người mắc bệnh cần phải tiết chế lại. Bằng cách thay đổi món, thay đổi món mặn, món kho hay những món cần lượng muối nhiều bằng các món canh, món hấp hoặc món luộc.
Bên cạnh đó, cũng nên lưu ý một yếu tố vô cùng quan trọng là những người thân trong gia đình cần hỗ trợ người bệnh theo đuổi thực đơn dinh dưỡng đúng. Muốn vậy, gia đình cần tạo bầu không khí ấm cúng, vui vẻ trong các bữa ăn để người mắc ĐTĐ luôn được “Ăn vui - Sống khỏe”.
Theo báo cáo của Liên đoàn Đái Tháo Đường thế giới (IDF), mỗi năm có đến 7 triệu người được chẩn đoán bệnh ĐTĐ, nghĩa là cứ 10 giây lại có thêm 2 người mắc bệnh, và hơn 3 triệu người chết vì những nguyên nhân liên quan đến bệnh ĐTĐ, tương đương với 10 giây có một người tử vong vì căn bệnh này.
Tại Việt Nam, 5,4% dân số mắc bệnh ĐTĐ tuýp 2, trong đó tỉ lệ chưa được chẩn đoán chiếm đến 38,7%. Nếu không được chữa trị kịp thời, người bệnh ĐTĐ có thể đối mặt với những biến chứng nguy hiểm như: đột quỵ tổn thương thận và võng mạc, mất cảm giác tay chân...
MINH THƯ