Là một trong 5 y, bác sỹ xung phong ra đảo những ngày thành lập huyện đảo, bác sĩ Nguyễn Thanh Giang – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) đã dành trọn thanh xuân của mình vì sứ mệnh cứu chữa người bệnh nơi đảo xa.

Y tế đảo Cô Tô, vượt khó cứu người bệnh nơi trùng khơi.

Cả thanh xuân mặc blouse trắng nơi đảo xa- Ảnh 1.

Sinh ra và lớn lên ở huyện Vân Đồn, bác sĩ Nguyễn Thanh Giang, SN 1972 đã gần 30 năm gắn bó với y tế biển đảo. Anh hiện đang là Giám đốc Trung tâm Y tế huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh và là một trong 5 y, bác sĩ trẻ xung phong ra đảo từ những ngày đầu thành lập.

Năm 1994, theo lời phát động, kêu gọi của chính quyền tỉnh Quảng Ninh, ngay khi tốt nghiệp trường Trung cấp Y Quảng Ninh, y sĩ Nguyễn Thanh Giang đã hăng hái, xung phong tình nguyện ra đảo làm việc.

Thời điểm đó, ngoài y sĩ Nguyễn Thành Giang còn có thêm 4 đồng nghiệp khác, mỗi người một chuyên khoa khác nhau. Trong quá trình làm việc tại đảo, thấy điều kiện y tế biển đảo khó khăn về nhân lực nên y sĩ Giang đã đăng ký thi tiếp lên đại học. 

Năm 1997, y sĩ Giang đã thi đỗ và học lớp bác sĩ của trường Đại học Y Hải Phòng. Năm 2000, bác sĩ Giang tiếp tục học lớp chuyên khoa ngoại sản và đảm nhận công tác ngoại khoa tại huyện đảo. Tuy nhiên, do điều kiện nhân lực y tế còn thiếu thốn, để đảm bảo tốt công tác cấp cứu nơi trùng khơi, bác sĩ Giang cũng phải học thêm cả gây mê hồi sức cấp cứu …

Cả thanh xuân mặc blouse trắng nơi đảo xa- Ảnh 2.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Giang – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh).

Nhớ lại những ngày xung phong ra đảo Cô Tô công tác, bác sĩ Nguyễn Thanh Giang chia sẻ: 

"Khi tôi thông báo cho gia đình việc mình sẽ ra đảo Cô Tô công tác, cả nhà ai cũng sốc và tỏ ý can ngăn. Nhưng lúc đó, tinh thần tuổi trẻ ngùn ngụt, muốn chinh phục và thử thách vùng đất mới nên tôi vẫn quyết tâm đi. Những ngày mới ra đảo, đúng là có chút mông lung vì quá đỗi khó khăn, vất vả; ngay cả nước sinh hoạt cũng không dễ dàng có được. Trước thực tế đó, tôi không khỏi suy nghĩ, trăn trở về với điều kiện sống này, liệu công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, ngư dân có được đảm bảo, công tác ứng cứu với ca bệnh nặng ra sao v.v….

Cả trung tâm y tế chỉ có 3 dãy nhà cấp 4 lợp ngói, không điện lưới, thiếu nước ngọt, rau xanh. Đến giường ngủ cũng phải kê giường bệnh nhân để có chỗ ngả lưng sau mỗi ngày làm việc. Mỗi lúc tan làm, chúng tôi tự bảo nhau lên rừng lấy củi về nấu cơm, nấu từng nồi nước to rồi chia nhau từng xô để tắm mỗi khi đông về. Mỗi lúc nhớ nhà cũng chỉ biết động viên nhau cố gắng và cố gắng. 

Thời đó, phương tiện từ đất liền ra đảo Cô Tô không dễ như bây giờ, phương tiện chủ yếu là tàu gỗ, mỗi chuyến phải di chuyển 3-4 tiếng; lúc gặp sóng to, biển động thì không có tàu chạy. Vì vậy, chỉ khi nào có việc cần thiết, chúng tôi mới dám về đất liền; còn không phải 6 tháng đến 1 năm mới về thăm nhà một lần. Phương thức liên lạc duy nhất giữa đất liền với đảo chỉ duy nhất chiếc điện thoại bàn. Mọi công tác thông tin trong chuyên môn, công việc hay gia đình cũng qua đó mà kết nối, cập nhật và trao đổi.

Trải qua 6 năm, đến năm 2000, tôi tốt nghiệp đại học và lấy vợ, sinh con. Cuộc sống trên đảo vẫn chưa nhiều khởi sắc. Tôi được cơ quan phân cho một phòng nhỏ tại trung tâm, cả gia đình phải ghép 2 giường bệnh nhân thành giường ngủ rồi ra thuê nhà cấp 4 ở tạm cho tiện. Cuộc sống vất vả thiếu thốn với đồng lương ít ỏi chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng nên sau những giờ làm việc, tôi lại đạp xe, xách túi xuống tận nhà người bệnh để truyền chai dịch… kiếm thêm thu nhập".


Cả thanh xuân mặc blouse trắng nơi đảo xa- Ảnh 3.

Dù khó khăn, vất vả như thế nhưng bác sĩ Giang luôn vượt lên chính mình khắc phục mọi khó khăn. Trong suốt gần 30 năm công tác ở đảo, chưa lần nào bác sĩ Giang có ý định sẽ về đất liền dù gia đình, anh em, bè bạn vẫn thường khuyên bảo "về đất liền cơ hội phát triển tốt hơn".

Y tế biển đảo quả thực khó khăn, thiếu thốn. Không chỉ gặp khó trong tiếp cận mặt bệnh, thiết bị cứu chữa mà còn khó khăn cả về nhân lực. Trước tình thế đó, hầu hết nhân sự trong trung tâm đều phải kiêm nhiệm vài chuyên môn, công việc khác nhau.

"Ngay bản thân tôi cũng phải đảm nhận nhiều việc. Ngoài công việc quản lý, điều hành hoạt động Trung tâm, bác sĩ Giang còn phụ trách Khoa Khám bệnh cấp cứu nội-ngoại-sản-nhi của đơn vị. Thời đó, X quang, nội soi của Trung tâm chưa có nên các ca mổ đều thực hiện mổ phanh; thậm chí có những ca mổ phải thực hiện kéo mo. Được cái, khó khăn vậy nhưng bằng sự cố gắng của cả tập thể, ca kéo mo nào cũng thực hiện thành công", bác sĩ Giang nhớ lại những tháng ngày gian nan của y tế Cô Tô.

Cả thanh xuân mặc blouse trắng nơi đảo xa- Ảnh 4.

Trung tâm Y tế huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh.

Rồi trong những lần đi thực tế khám chữa bệnh cho các ngư dân, người dân tại các xã đảo của huyện đảo Cô Tô, nhận thấy y tế cơ sở còn muôn vàn khó khăn, chính bác sĩ Giang đã đứng ra đề xuất xin cấp cho các trạm y tế được trang thêm bình thở oxy; với trạm y tế vùng sâu, vùng xa thì cần có máy siêu âm để phát hiện sớm những ca bệnh nặng hay nhẹ.

Cũng trong mỗi dịp đó, bác sĩ Giang cũng tận dụng cơ hội, vừa khám, vừa trao đổi kinh nghiệm và vừa bắt tay chỉ việc cho đội ngũ nhân viên y tế trạm nâng cao chuyên môn, kỹ năng xử lý sơ cứu ban đầu; thậm chí những ca bệnh đơn giản thì cho xử lý trực tiếp ngay tại chỗ, không phải chuyển bệnh nhân đi xa v.v…


Cả thanh xuân mặc blouse trắng nơi đảo xa- Ảnh 5.

Gần 30 năm công tác ở trung tâm Y tế huyện đảo Cô Tô, không biết bao ca mổ, cấp cứu được bác sĩ Giang thực hiện thành công, cứu sống mạng người. 

Có những ca bệnh tưởng chừng không còn cơ hội sống như ngừng tuần hoàn, mạch không, huyết áp không; một số ca bệnh không thể thở, tiếp oxy cũng thể đáp ứng được, người tím tái, co giật … cũng đã được cứu sống trong căng thẳng và đầy cố gắng của bác sĩ Giang và kíp trực cấp cứu.

Cả thanh xuân mặc blouse trắng nơi đảo xa- Ảnh 6.

Thiếu nhân lực y tế, lãnh đạo TTYT Cô Tô cũng phải kiêm nhiệm.

"Ấn tượng nhất là ca đỡ đẻ ngôi ngược ngay ngoài bến tàu của đảo. Đánh giá tình trạng ca bệnh, nếu để sản phụ chạy xuồng về đất liền thì chỉ cần xuồng chạy 10 phút, chắc chắn sẽ nguy hiểm việc sinh nở nên tôi đề nghị gia đình đồng ý cho sản phụ sinh tại trung tâm. Đúng như dự đoán, khi gia đình nằng nặc đưa sản phụ ra xuồng để chuẩn bị chạy về đất liền thì bé sơ sinh đã thò một chân ra ngoài. Lúc đó, tôi chẳng còn kịp nghĩ ngợi nhiều, trực tiếp đi xuống đỡ ca ngôi ngược đó. Lúc đón được cháu bé ra khỏi bụng mẹ, toàn thân bé tím tái. Thấy lượng oxy cấp cứu mang theo không đủ cung cấp cho ca mổ, tôi đã nhanh chóng yêu cầu di chuyển xuồng về trung tâm, vừa tiến hành cấp cứu tích cực trong vòng 2 phút, cho bé bóp bóng thở ô xy. May mắn, cháu bé được cứu sống và ca sinh diễn ra an toàn".

Là người có thâm niên khám chữa bệnh lâu năm nhất trên huyện đảo nên khi nhắc tới bác sĩ Giang, một số người dân huyện đảo Cô Tô vẫn thường nhắc: "Không có bác sĩ Giang, chắc giờ tôi đã không còn nữa".

Ý kiến của bạn