Hà Nội

Ca sốt rét gia tăng ở tỉnh Ðăk Lăk

09-11-2018 08:48 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo ThS.BS. Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm phòng chống Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng tỉnh Đăk Lăk, số bệnh nhân sốt rét trên địa bàn tỉnh liên tục gia tăng.

Từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh Đăk Lăk ghi nhận trên 300 trường hợp mắc sốt rét, tăng khoảng 36% so với cùng kỳ năm 2017. Bệnh xuất hiện nhiều tại các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo, Cư M’gar.

Cụ thể, tính từ đầu năm 2018 đến ngày 23/9, toàn tỉnh ghi nhận 302 trường hợp mắc sốt rét, trong đó có 294 trường hợp xét nghiệm có ký sinh trùng sốt rét. So với cùng kỳ năm 2017, số ca mắc tăng khoảng 26% và số ca bệnh có ký sinh trùng sốt rét tăng khoảng 36%.

Các ca bệnh xuất hiện tại tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, trong đó tập trung chủ yếu tại các địa bàn: Ea Kar, Krông Năng, Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo, Cư M’gar. Thời gian gần đây, số ca bệnh liên tục gia tăng, đặc biệt có tuần ghi nhận đến 10 ca bệnh.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh sốt rét ở xã biên giới Krông Na.

Theo BS. Phúc, nguyên nhân bệnh sốt rét tăng là do diễn biến thời tiết bất thường, mưa nhiều, tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh sốt rét sinh sôi, phát triển, người dân còn chủ quan, ý thức bảo vệ sức khỏe cá nhân chưa cao, đi rừng, ngủ rẫy không mang theo võng màn đã tẩm hóa chất.

Hiện Trung tâm phòng chống Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng tỉnh đã tham mưu Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra giám sát; đẩy mạnh truyền thông về các biện pháp phòng chống bệnh sốt rét; phát hiện và điều trị kịp thời, đúng phác đồ, đủ liều đủ thuốc để ngăn ngừa các trường hợp sốt rét ác tính xảy ra. Đồng thời phối hợp với Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn tổ chức các đoàn công tác đến các điểm nóng về sốt rét để giúp đỡ, giám sát tìm nguyên nhân mắc bệnh, điều tra côn trùng tìm véc-tơ truyền bệnh và lấy các lam máu trong cộng đồng để phát hiện chủ động các ca sốt rét, từ đó đề ra có biện pháp phòng chống trong thời gian tới.

Được biết, trong tháng 8 vừa qua, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn đã hỗ trợ cho Trung tâm phòng chống Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng tỉnh 120 lít fentona 10SC để phân bố cho các huyện Ea Kar, Krông Năng, Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo phun tạm thời khống chế tại các điểm nóng có số lượng bệnh nhân gia tăng.

Hiện nay khi chưa có vắc-xin phòng ngừa sốt rét, các chuyến gia khuyến cáo phương pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là phòng chống muỗi truyền bệnh bằng cách ngăn sự tiếp xúc giữa người và muỗi truyền bệnh; Diệt muỗi bằng phun tồn lưu và tẩm màn hóa chất diệt  muỗi; Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, đốt hương muỗi. Ở tất cả các cửa sổ cũng như cửa ra vào người dân có thể đóng lưới và sử dụng quạt máy để giảm tối đa sự xâm nhập của muỗi vào nhà; Phun hóa chất diệt muỗi hoặc tẩm hóa chất vào màn, mắc màn mỗi khi đi ngủ được xem là biện pháp phòng bệnh sốt rét hữu hiệu nhất hiện nay. Bôi thuốc xua muỗi lên những nơi da hở, mặc áo dài tay, quần dài khi đi làm rừng, làm nương...; Phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh quanh nhà, làm nhà xa rừng và xa nguồn nước; Hạn chế bọ gậy: khơi thông dòng chảy, vớt rong rêu làm thoáng mặt nước. Huy động sự tham gia của cộng đồng, các đoàn thể tham gia phòng chống sốt rét; tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân về phòng chống sốt rét.

Bệnh sốt rét là một bệnh lây nhiễm, do ký sinh trùng sốt rét gây nên và muỗi Anophen là thủ phạm truyền bệnh từ người bệnh sang người lành. Bệnh nặng (sốt rét ác tính) nếu không được cứu chữa kịp thời có thể sẽ dẫn tới tử vong.

Theo WHO, mỗi năm có khoảng từ 300 - 500 triệu người trên toàn thế giới bị mắc bệnh sốt rét và có khoảng 1 triệu người tử vong vì sốt rét. Đặc biệt, trẻ em dưới 5 tuổi chiếm tới 70% số ca sốt rét trên toàn cầu. Cứ mỗi 2 phút lại có một trẻ em tử vong vì căn bệnh này.


Nguyễn Trung Oanh
Ý kiến của bạn