Mỗi trải nghiệm đều mang lại những giá trị, điều ấy đặc biệt sâu đậm và có ý nghĩa đối với những người trẻ. Đến với biển đảo quê hương bằng tình yêu và sự xúc động chân thành đến nghẹn ngào - đó là tâm sự của bất cứ ai một lần đến với Trường Sa, được tận mắt chứng kiến cuộc sống của người lính đảo. Một lần đến Trường Sa, vì thế có thể xem là món quà quý giá đối với trái tim của mỗi con người Việt Nam. Mai Hương, ca sĩ trẻ của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long may mắn có được hành trang đó.
Tình yêu của người lính rất đẹp, cũng có nhiều lúc giản đơn nhưng xúc động đến không ngờ, như một bức ảnh cũ, nhăn, với nước ảnh cũ và bạc đặt trong góc cá nhân chật chội của một chiến sĩ, ở ngay đầu giường, là hình ảnh vợ con người chiến sĩ ở đất liền... Những tình cảm góp nhặt được quá lớn, những điều cảm nhận được quá ý nghĩa, khiến Mai Hương như có cảm giác mình hát hay hơn, bởi mỗi khi lời hát cất lên là hình ảnh thân thương về người lính nơi đảo xa lại hiện lên rõ mồn một trong nỗi xúc động dạt dào.
Album “Khi chúng ta yêu nhau”, như lời Mai Hương, là cách cô bày tỏ sự ngưỡng mộ, cảm phục và tình cảm yêu thương để tri ân người chiến sĩ bảo vệ tổ quốc. 9 bài hát thấm đẫm tình yêu đất nước, tình yêu đôi lứa và những khắc khoải đợi chờ bởi xa cách, bởi hoàn cảnh. Các ca khúc được sắp xếp theo nội dung giống như một câu chuyện tình yêu người lính. Câu chuyện kể về người chiến sĩ lên đường bảo vệ tổ quốc, ở nhà là người vợ lo lắng, yêu thương, lúc nào cũng hướng về các anh. Có niềm vui và hạnh phúc khi anh được nghỉ phép, về thăm nhà, rồi lại lưu luyến chia tay khi anh lên đường tiếp tục làm nhiệm vụ... Nhưng quan trọng nhất là gửi đến những người lính đang bảo vệ tổ quốc một tình yêu, niềm tin và lời khẳng định: lúc nào cũng hướng về các anh, ở bên cạnh các anh, để các anh yên tâm chắc tay súng bảo vệ tổ quốc. Vượt lên trên tất cả lẽ thường tình, con người - trong âm hưởng nồng nàn của tình yêu - sẽ cảm nhận thêm những điều quý giá khi tình yêu đôi lứa, tình yêu chồng vợ, và những đứa con hòa cùng nhịp đập đầy kiêu hãnh với tình yêu tổ quốc.
Nhiều người sẽ hỏi: Vì sao người thiếu nữ phải chia mình cho nhiều cảm xúc đến thế? khi lời ca đầu tiên của CD được cất lên. Trong bài đầu tiên của CD, tâm tư của người con gái được bộc bạch khi “Ngày mai anh lên đường”, “ ngày mai anh ra chiến trường , để lại em yêu dấu với khoảng trời rừng núi lung linh ngàn vì sao …”. Giống như mọi niềm trông chờ, trái tim người thiếu nữ mong mỏi những giá trị chân thực của tình yêu, của sứ mệnh cao cả của người chiến sĩ… Âm hưởng đó mạch lạc hơn với niềm tin “em lại đón anh về …”
“Giữ tình yêu như giữ lửa” lời của bài ca “Từ phương em - từ phương anh” đưa bạn đi qua từng cung bậc xúc động với nỗi niềm chờ đợi đầy lạc quan, yêu thương. Nhịp đập ấy cũng là tâm tình của người hậu phương, cũng là những người sẵn sàng cống hiến và hy sinh những điều cao cả vì tổ quốc. Chia 2 đầu nỗi nhớ - khoảng không gian tưởng chừng như vô hình ấy có thật - hiện hữu rõ nét song lại gắn kết đến lạ thường trong “Từ phương anh - từ phương em’’. Cũng thế, da diết lắm với câu hỏi “Đêm nay anh ở đâu?”
Chờ đợi, yêu thương và để được yêu thương, những cảm xúc tưởng như phổ biến sẽ có những cung bậc khác - rộng mở và nhân ái hơn trong các ca khúc tiếp theo trong CD “Khi chúng ta yêu nhau”. Chuyển tải từng câu chuyện của quên hương đất nước, gắn với điệu hò lũy tre thân thuộc - sâu lắng đến hồn hậu và rộng mở cùng “Đất nước tình yêu”, “khi chúng ta xa nhau, gặt nhiều mùa vàng tiền phương anh vui thắng giặc”.
Và một câu hỏi nữa: Vì sao chúng ta yêu nhau?
Những lý giải chân tình cũng là thông điệp của Mai Hương với những bài ca vang lên tâm tình trong sáng, với “Khi xe tăng quan miền quan họ” hay “Gió chuyển mùa”. Không chủ quan thì đây sẽ phần thể hiện đầu tiên bạn phải lắng nghe bởi sự mới mẻ lạ thường. Trong sáng, hồn nhiên và có phần chưa từng trải - sóng cảm xúc ấy không ồn ào song là sự đưa đón những câu chuyện nhỏ có sức lay động , dần dần thấm sâu như ngách suối - lặng lẽ mà không quá âm thầm. Mai Hương đã giãi bày được tâm sự ấy, bằng cách đó trong sản phẩm đầu tay của mình. Cô có thể không là đại diện cho một câu chuyện tình lãng mạn, thấm đẫm hương vị nhớ nhung của ở người hậu phương. Hơn như thế, một câu chuyện tình đã chở họ song hành cùng trái tim cống hiến của đôi lứa để cả một thế hệ tự hào tự tin trải nghiệm: “Tình yêu đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp...” (Bài “Mùa xuân bên cửa sổ”)
Nỗi niềm da diết khi “… Em vẫn đợi anh về , như buồm căng đợi gió , như trời xanh đợi chim …” đã được ví cho những điều tự nhiên nhất trong cuộc sống này. Ở đó, hơn cả một câu chuyện tình yêu , đó còn là tấm lòng thiết tha của người ở lại - nơi có biết bao nỗi lòng được kìm nén bởi những người họ yêu thương có trọng trách với tổ quốc. Khát vọng yêu thương ở trọng họ và hòa trong khát vọng hòa bình của dân tộc.
Sinh năm 1984 tại Nam Định, cô gái trẻ Nguyễn Mai Hương nuôi ước mơ trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Tiếng hát của cô trưởng thành dần qua những tháng ngày cùng bố mẹ đi trên các nẻo đường công tác, từ quê hương Nam Định đến Ninh Bình, Bắc Giang... Tốt nghiệp phổ thông, Mai Hương quyết định về Hà Nội theo học thanh nhạc từ hệ trung cấp đến hết đại học ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Chất giọng soprano sáng, đẹp của Mai Hương luôn được các giảng viên thanh nhạc Ngọc Định và Thu Lan yêu mến, hết lòng dìu dắt. Cô gái xinh xắn, trẻ trung ấy biết nhạc nhẹ sẽ dễ đưa mình nổi tiếng và có nhiều khán giả hơn nhưng vẫn theo đuổi dòng nhạc thính phòng bởi "hợp với tính cách dịu dàng, sâu lắng của Hương hơn". |