Cà rốt - vị thuốc chữa tiêu chảy ở trẻ em

SKĐS - Cà rốt có nguồn gốc di thực từ châu Âu. Tên khoa học: Daucus carota subsp. Sativus. Là một loại cây có củ, thường có màu vàng cam, đỏ, vàng, trắng hay tía. Cà rốt chứa nhiều tiền tố vitamin tốt cho cơ thể.

Mô tả cây: Cà rốt có rễ trụ nhẵn hay có lông. Lá mọc so le, không có lá kèm, bẹ khá phát triến, phiến lá xẻ lông chim, càng gần phía đầu càng hẹp. Hoa hợp thành tán kép, tán nhỏ mang hoa trắng hồng hay tía, lá bắc của tổng bao cũng xẻ lông chim, lá bắc của tiểu bao đơn hay xẻ ba. Đế hoa khum lõm. Lá đài nhỏ ba cạnh, cánh tràng, mọc so le. Trong tán thì ở giữa bất thụ, màu tía, còn hoa khác thì màu trắng hay hồng. Quả bế, mỗi đôi gồm hai nửa, mỗi nửa dài 2-3mm, hình trứng, hai phân liệt quả dính với nhau ở mặt giáp nhau, sống phụ có phủ đầy sợi tương ứng với các ống bài tiết giả. Hạt có phôi nhũ sừng. Rễ trụ, hình dáng thay đổi tùy theo loại.

Theo nghiên cứu của Beille thì cây cà rốt mọc hoang không có củ. Loại hiện nay chúng ta trồng là một loại lai của hai loài Daucus carota L. và Daucus maximus L.

Phân bố, thu hái và chế biến: Người ta cho rằng cây cà rốt vốn nguồn gốc từ Pháp, hiện nay được trồng phổ biến khắp thế giới. Đầu tiên là một cây thực phẩm, nhưng có thêm vai trò làm thuốc và nguồn nguyên liệu provitamin A.

Cà rốt

Người ta phân biệt các loại cà rốt: Cà rốt dài và đỏ có thể trồng ở bất kỳ đất nào, loại củ cà rốt đỏ và dài vừa phải trồng ở những nơi đất ẩm. Loại cà rốt làm thức ăn cho gia súc có năng suất cao hơn có thể trồng ở những nơi đất khô, dùng củ hay quả tươi hay phơi hoặc sấy khô.

Thành phần hóa học: Trong củ cà rốt có 86%-89% nước; 0,046 độ axit tính bằng axit sunfuric; chất đạm 1-1,87%; chất béo 0,02-0,08%; glucid (tính theo tinh bột) 9,3%; xenluloza 1,4-1,6%; tro 0,9-1,03%; một chất sterol, các photphatit, các hợp chất pectin 1-3%, chất màu có tinh thể rất quan trọng bao gồm caroten a và b, các men pectaza, oxydaza, các enzym.

Mới đây nguời ta còn chiết từ cà rốt một chất insulin thực vật có khả năng làm giảm 1/3 đường của máu. Trong thành phần chất đạm, người ta xác định được asparagin, trong thành phần chất béo các axit panmitic và oleic; trong thành phần gluxít người ta xác định sacaroza (4,6%), glucoza (4-6%). Trong tro có muối canxi, kali, magiê, axit phôtphoric, axit sunfuric, vết mangan, đồng, nhôm, asen, nicken, clorua v.v... Trong củ và quả có chứa tinh dầu với hàm lượng 0,8-1,6%; trong tinh dầu thành phần chủ yếu là pinen, limonen, daucola và một glycol. Từ hoa cà rốt tươi, Igolen cất được một loại tinh dầu mùi thơm nồng và mạnh.

Chiết caroten từ củ cả rốt theo phương pháp Amaud (1887): Nghiền củ cà rốt, sấy khô trong chân - không, chiết bằng ête dầu hỏa cho tới khi ête dầu hỏa không màu. Lọc và cất trong chân không. Cặn cho vào tủ lạnh, caroten sẽ kết tinh. Hiện nay người ta đã cải tiến phương pháp này như sau: nghiền củ cà rốt, ép lấy nước, cho tác dụng axeton, kết tinh caroten trong ancol metylic. Từ 10kg cà rốt người ta thu được 0,50g caroten (0,05% như vậy chỉ được 1/10 hiệu suất so với hiệu suất lý thuyết).

Cà rốt

Công dụng và liều dùng: Ngoài công dụng làm thức ăn, cà rốt được dùng chữa ỉa chảy trẻ em do tính chất làm giảm nhu động ruột, hút chất nhầy, độc tố vi trùng.

Cách dùng: Lấy 50g bột cà rốt khô hay 500g cà rốt tươi, đun sôi với 1 lít nước được súp cà rốt. Trong những ngày đầu trẻ em bị ỉa chảy, mỗi ngày cho ăn 100-150ml/kg thể trọng. Súp cà rốt chia làm 6 bữa ăn, nếu truyền hoặc uống nước thì bớt lượng tương đương súp cà rốt. Những ngày sau cho ăn kèm với sữa mẹ hay sữa bò với lượng súp cà rốt giảm dần, thời gian điều trị 4 ngày được chia như sau: Ngày đầu cho ăn súp cà rốt 100%, ngày thứ hai ăn súp cà rốt 80%, sữa mẹ hay sữa bò 20%, ngày thứ ba ăn súp cà rốt 60%, sữa mẹ hay sữa bò 40%, ngày thứ tư ăn súp cà rốt 40%, sữa mẹ hay sữa bò 60%.

Các tinh dầu cà rốt được dùng từ lâu trong công nghiệp rượu mùi. Ngoài mùi thơm ngon, tinh dầu cà rốt cho vị dịu ngọt. Tinh dầu cà rốt còn được dùng trong kỹ nghệ nước hoa. Quả cà rốt được dùng làm thuốc thông tiểu, điều kinh. Củ cà rốt được dùng làm nguyên liệu chế caroten.

Những năm gần đây, Viện Hóa dược Kharkov (Nga) nghiên cứu tìm thuốc trong nước để thay thế cho vị khellin chiết từ quả cây Ammi visnaga (L.) Lam. để chữa bệnh đau thắt ngực. Sau khi điều tra trên 600 loài cây thuộc họ Hoa tán, các nhà khoa học đã đi tới kết luận là có thể dùng cao khô của quả cà rốt và quả Daucarinum và Anethinum dưới dạng viên để chữa bệnh đau thắt ngực cấp tính và mãn tính.


BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ
Ý kiến của bạn