Đây là nhấn mạnh của GS.TS Nguyễn Công Khẩn- Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) tại hội nghị thường niên Hội y tế Công cộng Việt Nam lần thứ 10 diễn ra tại Hà Nội
Nhiều mẫu rau muống, cá rô phi ở sông Nhuệ nhiễm chì
Báo cáo của nhóm các tác giả đến từ Trường Đại học Y tế công cộng, Cục An toàn thực phẩm và Viện Chăn nuôi quốc tế về đề tài Đánh giá về sự ô nhiễm chì và Cadimi trong cá và rau muống ở sông Nhuệ tại hội nghị cho thấy 100% mẫu rau muống khai thác từ sông Nhuệ bị ô nhiễm chì (Pb). Tỷ lệ nhiễm chì và Cadimi (Cd) của cá rô phi khai thác tại đây lần lượt là 100% và 96,3%. Tuy nhiên, hàm lượng Pb và Cd trong mẫu rau muống và cá rô phi đều nằm trong mức cho phép của Bộ Y tế.
Rau muống
Nhóm tác giả đã nghiên cứu áp dụng khung đánh giá nguy cơ sức khỏe đối với môi trường của hội đồng sức khỏe môi trường Australia năm 2004, với 27 mẫu nước, 27 mẫu rau và 27 mẫu cá được lấy từ sông Nhuệ từ tháng 11/2013 - 6/2014, tại Kim Bảng, Hà Nam.
Các tác giả cho biết, qua nghiên cứu, đánh giá mức tiêu thụ rau muống và cá rô phi của người dân sống tại lưu vực sông Nhuệ thì thấy, 98,6% người dân có ăn rau muống với khối lượng ăn trung bình là 108,9 g/người/bữa, với tần suất ăn trung bình là 75 lần/năm. 90,9% người dân được hỏi có ăn cá rô phi, khối lượng ăn trung bình là 132 g/người/ngày, tần suất ăn trung bình 65 lần/năm. Với mức ô nhiễm Pb và Cd (mặc dù vẫn ở trong giới hạn cho phép), thực trạng tiêu thụ rau muống và cá rô phi khai thác tại sông Nhuệ của người dân, các tác giả nhóm nghiên cứu khẳng định, người dân có thể có nguy cơ nhiễm Pb, Cd qua đường ăn uống từ những thực phẩm này.
7 vấn đề cần nghiên cứu của y tế công cộng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng
GS Nguyễn Công Khẩn cho rằng, Việt Nam được thế giới đánh giá có những bước đi dài trong thành tựu nghiên cứu cũng như ứng dụng những nghiên cứu trong lĩnh vực y tế công cộng Việt Nam. Đó là thành tựu trong lĩnh vực dược và dược liệu, lưu trữ và khai thác được các kiểu gen. Đối với lĩnh vực y tế dự phòng, Việt Nam đã ứng dụng được nhiều kỹ thuật hiện đại, sản xuất vắcxin, công nghệ sinh học được áp dụng rộng rãi. Trong lĩnh vực dược, dược liệu có những bước đi nhất định, tuy nhiên việc tự chủ nguồn nguyên liệu dược vẫn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, có trên 90% nguyên liệu dược được nhập khẩu từ nước ngoài, kể cả những dược liệu được coi là truyền thống.
Bệnh không lây nhiễm đang có xu hướng gia tăng
Tuy nhiên, ông Khẩn nhấn mạnh do lĩnh vực này quá rộng nên vấn đề y tế công cộng còn rất nhiều mảng chưa nghiên cứu được. Trong khi đó, ngành y tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như các bệnh truyền nhiễm xuyên biên giới trong khu vực và toàn cầu, sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây nhiễm, biến đổi khí hậu và sức khỏe…
Đồng thời, hiện nay việc sử dụng thực phẩm có tồn dư kháng sinh là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng có những chủng vi khuẩn kháng kháng sinh làm giảm hiệu quả điều trị. Ngoài ra, những rủi ro cho người tiêu dùng về an toàn thực phẩm (như tình trạng nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, dư lượng hóa chất trong nông nghiệp, hormon tăng trưởng, phụ gia cấm và các chất độc tự nhiên trong thực phẩm) là một trong những vấn đề trọng tâm thuộc lĩnh vực sức khỏe cộng đồng cần được tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng để có thêm các cơ sở cảnh báo và giải pháp khắc phục.
Vì vậy, thời gian tới ngành y tế công cộng Việt Nam cần xây dựng định hướng hoặc ưu tiên nghiên cứu rõ ràng, phù hợp cho từng lĩnh vực, gắn kết nghiên cứu với nhu cầu triển khai các giải pháp mới trong khám chữa bệnh và phòng bệnh và cần có cơ chế khuyến khích việc công bố và sử dụng các kết quả nghiên cứu.
Theo đó 7 ưu tiên thời gian tới ngành y tế công cộng Việt Nam cần đẩy mạnh tập trung nghiên cứu gồm:
Biến đổi khí hậu và sức khỏe con người;
Sự tái xuất hiện các bệnh truyền nhiễm;
Bệnh truyền nhiễm;
Các bệnh không lây nhiễm cộng đồng;
Rủi ro về an toàn thực phẩm;
Một sức khỏe và sức khỏe sinh thái;
Hệ thống y tế-kinh tế y tế.
Thái Bình