Cà phê, tôi nghe nhạc Trịnh...

01-04-2016 19:25 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nhiều năm nay, mỗi lần rủ nhau uống cà phê là nhiều người ở thành phố nhỏ của tôi vẫn có thói quen chọn những quán có gu nhạc Trịnh Công Sơn hoặc khẩn khoản đòi mở nhạc Trịnh mỗi khi tới quán. Hôm nay, sau 15 năm nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn rời cõi tạm (1/4/2001 - 1/4/2016), tôi gặp một nhóm khách gồm những người khác lứa tuổi nhờ chủ quán cà phê “mở nhạc Trịnh”…

Trong quán cà phê nhỏ sáng nay vẫn là những ca từ vang lên là “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi” (Cát bụi ). Ấy là Trịnh Công Sơn tâm tình với người nghe về sự có mặt và sự từ biệt của con người với đời sống ở cõi nhân sinh. “Môi nào hãy còn thơm, cho ta phơi cuộc tình.

Tóc nào hãy còn xanh, cho ta chút hồn nhiên” (Ru ta ngậm ngùi), đây là một trong rất nhiều cách Trịnh Công Sơn tỏ tình với cuộc sống, nhớ thương những năm tháng ngào ngạt hương hoa và nồng nàn tình yêu của mình, hát về cuộc tình của mình, dẫu rất có thể đó là một cuộc tình thấm đẫm niềm tuyệt vọng. Không ai yêu say đắm đời sống và tình yêu như nhạc sĩ họ Trịnh và âm nhạc của ông cho thấy điều đó, bởi như ông từng “ôm một nỗi cuồng si bất tận với cuộc đời” và con người âm nhạc của ông là kẻ “du ca về tình yêu”.

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Cũng không khó để hiểu vì sao có nhiều người muốn chứng tỏ mình am hiểu âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Người đàn ông chừng ngoài năm mươi tuổi đang uống cà phê sáng nay ở đây cũng vậy, khi câu hát “mùi hương phấn người một hôm nhớ lại hẹn ngày sau sẽ mua vui, về thu xếp lại ngày trong nếp ngày vội vàng thêm những lúc yêu người” trong ca khúc Chiếc lá thu phai vừa dứt. Ông ấy kể bởi thấy mình từng có những tâm trạng giống hệt trong ca từ của Trịnh, từ lúc cõi lòng “như khăn mới thêu” cho tới khi “chiều hôm thức dậy ngồi ôm tóc dài, chập chờn lau trắng trong tay” làm người đối ẩm trầm ngâm mỉm nụ cười đồng tình. Càng thêm hiểu vì sao không ai không thuộc ít nhất một vài bài hát của Trịnh Công Sơn, bất cứ ai cũng có lúc xốn xang khi nhạc Trịnh vang lên. Bởi luôn gợi nhớ một kỷ niệm nào đó nên ca từ và giai điệu trong của âm nhạc của ông đi vào lòng người một cách tự nhiên và để lại một ấn tượng mỹ học nào đó. Đặc biệt, qua tiếng hát của nữ danh ca Khánh Ly, những bản tình ca được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết trong chính quan niệm "Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá Đời" đã trở thành người tình lãng du của nhiều thế hệ người nghe.

Bây giờ, ở thành phố nhỏ của tôi có người nhận ra nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác âm nhạc “bằng sự gào thét vô thanh của trái tim chan chứa tình yêu con người, tình yêu cuộc sống” cho nên “như lẽ tự nhiên, những ai đã từng nghe nhạc Trịnh, hát nhạc Trịnh rồi sẽ tự ru mình trong nỗi buồn kiếp người-một nỗi buồn cứu rỗi tâm linh và đưa tới những bến giác thức tỉnh tình yêu con người…”. Vì vậy, trong mọi ngóc ngách của cuộc sống, trên những ngả đường của cuộc đời, ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn vang lên một cách giản dị và gần như là thường tình.

Đâu đó bên bước chân cô đơn của một con người có sự chia sẻ, thấu hiểu trong lời ca "đi về đâu hỡi em, khi trong lòng không chút nắng, giấc mơ đời xa vắng" cùng lời động viên chân thành “đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng, em là tôi và tôi cũng là em". Âm nhạc của nhạc sĩ đặc biệt tài hoa họ Trịnh hiểu rằng con người luôn có Một cõi đi về sau những ngày tháng vui buồn giữa Tuổi đời mênh mông với những lần sống trọn vẹn tấm lòng Để gió cuốn đi, sau những lời Ru tình bằng cả nỗi từ tâm vì thế mà sống mãi trong lòng người. Cho dẫu đã có lúc, nhạc sĩ thấy mình không biết đâu nguồn cội của chính mình, của cõi thế mà mình đi qua trên những dấu chân địa đàng trải ra trước mắt đóa hoa vô thường như chính ông từng thể nghiệm về mình “từ đó ta là đêm, nở đóa hoa vô thường”. Và con người vẫn thường hát và nghe âm nhạc của Trịnh Công Sơn với nỗi nhớ nhung về người khác mà theo ông, nhớ một con người là nhớ cả trần gian... Ca hát là để nhớ nhau và đôi lúc, để an ủi mình. An ủi một cái gì còn ở lại, một điều gì đã ra đi...

Như sáng nay, những người tôi gặp trong quán cà phê nhỏ này nhận ra mình may mắn có âm nhạc của Trịnh để thấy những lời yêu thương vây phủ quanh người trong những ca khúc cứ hoài được hát lên đây đó trên thiên đường và nơi trần gian, hát ngay trong tất cả những lần cõi thế tưởng nhớ ngày nhạc sĩ về nơi cuối trời làm mây bay


Nguyễn Bội Nhiên
Ý kiến của bạn