Cà phê mang lại lợi ích sức khỏe lâu dài như liên quan đến giảm nguy cơ bệnh gan, chứng viêm mạn tính, bệnh tim mạch, đái tháo đường và cả ung thư. Tuy nhiên, để tối đa hóa lợi ích sức khỏe mà cà phê mang lại, nhiều người có thể băn khoăn không biết rang đậm hay rang nhạt thì tốt cho sức khỏe hơn.
1. Các mức độ rang cà phê
Rang là một quá trình nhiệt biến cà phê thành những hạt cà phê có màu nâu sẫm, làm nổi bật mùi thơm và hương vị. Khi rang, nhiệt độ sẽ làm thay đổi các hợp chất tạo nên hạt. Sự thay đổi hóa học đó ảnh hưởng đến mùi, vị và đặc tính chống oxy hóa của cà phê. Do đó, sau khi rang, cà phê nên được sử dụng càng nhanh càng tốt trước khi hương vị rang tươi bắt đầu giảm đi.
Hầu hết các nhà rang xay đều đặt tên chuyên biệt cho loại cà phê rang của họ và có rất ít tiêu chuẩn hóa ngành. Điều này có thể gây ra một số nhầm lẫn khi bạn mua, nhưng nhìn chung, cà phê rang thường có bốn loại màu là nhạt, vừa, đậm vừa và đậm.
Rang nhẹ: Màu sắc nhạt hơn và vị nhạt hơn.
Rang vừa: Cà phê thuộc loại rang vừa có màu nâu vừa.
Rang đậm vừa: Rang đậm vừa sẽ tạo ra cà phê có màu đậm hoặc khá đậm.
Rang đậm: Cà phê thuộc loại rang đậm có phạm vi từ đậm đến rất đậm.
Nhiều người tiêu dùng cho rằng hương vị đậm đà của cà phê rang đậm hơn cho thấy mức độ caffeine cao hơn nhưng sự thật là cà phê rang nhạt thực sự có nồng độ caffeine cao hơn một chút.
Cà phê rang đậm tạo ra những hạt đen bóng với bề mặt nhiều dầu và vị đắng rõ rệt. Điều nên nhớ là cà phê rang càng đậm thì độ acid trong đồ uống cà phê càng ít. Trên thực tế cách rang nào hoàn hảo là lựa chọn cá nhân đôi khi bị ảnh hưởng bởi sở thích quốc gia hoặc vị trí địa lý.
2. Rang thế nào có lợi cho sức khỏe nhất?
Lợi ích sức khỏe của rang nhạt so với rang đậm tùy thuộc vào những gì bạn muốn đạt được từ tách cà phê của mình. Cùng xem xét các yếu tố lành mạnh bao gồm chất chống oxy hóa, đặc tính chống viêm và tính acid trong cà phê.
Chất chống oxy hóa và đặc tính chống viêm
Cà phê là nguồn cung cấp polyphenol chính trong chế độ ăn uống và các hợp chất chống oxy hóa này có tác dụng chống viêm có lợi với hầu hết mọi người. Polyphenol trong cà phê như acid chlorogen, diterpenes và trigonelline ngăn chặn các gốc tự do gây ra tổn thương và sau đó có thể gây viêm; một số còn ngăn chặn việc sản xuất các hợp chất gây viêm bằng cách ức chế biểu hiện gene và các enzyme liên quan đến sự phát triển của chúng.
Theo nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Khoa học thực phẩm & Dinh dưỡng Hoa Kỳ, các hợp chất phenolic có trong hạt cà phê có thể tạo ra hương vị và mang lại lợi ích cho sức khỏe. Nghiên cứu này nhằm đánh giá tác động của mức độ rang thương mại (nhạt, vừa và đậm) đến hàm lượng phenolic và khả năng chống oxy hóa của hạt cà phê Arabica (Coffea arabica) một cách toàn diện thông qua các thử nghiệm chống oxy hóa.
Nhìn chung, nghiên cứu này xác nhận rằng các hợp chất phenolic trong hạt cà phê sẽ giảm đi khi rang kỹ, trong khi khả năng chống oxy hóa của chúng có thể được duy trì hoặc cải thiện. Hạt cà phê rang vừa thể hiện giá trị dinh dưỡng và đặc tính cảm quan tương đối tốt hơn.
Tính acid trong cà phê
Cà phê là thức uống có tính acid tự nhiên và mức độ acid có thể thay đổi tùy thuộc vào loại hạt cà phê và phương pháp pha cà phê. Tính acid không nhất thiết là một điều xấu vì trên thực tế, đó là một trong những điều khiến cà phê có hương vị thơm ngon. Lý do chính khiến cà phê có tính acid là do sự hiện diện của caffeine và do các acid có sẵn tự nhiên trong hạt cà phê. Những acid này có thể tạo thành acid chlorogen khi chúng được ủ và có liên quan đến nhiều lợi ích sức khỏe như tốt cho việc giảm cân và cải thiện kiểm soát lượng đường trong máu.
Những acid này được hình thành trong quá trình rang và chúng góp phần tạo nên hương vị và mùi thơm độc đáo của cà phê. Mức độ acid trong cà phê cũng có thể khác nhau tùy thuộc vào loại hạt và phương pháp pha cà phê. Ví dụ, rang đậm hơn có xu hướng có tính acid cao hơn rang nhạt hơn.
Tuy nhiên, có một số tác động tiềm ẩn đối với sức khỏe của việc uống cà phê có tính acid cần chú ý:
- Đau dạ dày hoặc trào ngược acid
- Tổn thương răng
- Xương yếu đi
- Ảnh hưởng vào sự hấp thụ chất dinh dưỡng
Bảng tóm tắt về một số chất trong mức độ rang
Loại cà phê | Tính acid | Hoạt động chống oxy hóa | Caffein | Hương vị |
Chưa rang | Có (có tính acid cao nhất) | Có (cao nhất) | Thấp hơn cà phê rang | Nhẹ |
Rang nhẹ | Có | Có | Cao hơn một chút so với rang tối | Nhẹ |
Rang vừa | Có | Có | Cao hơn một chút so với rang nhẹ | Mạnh hơn rang nhẹ |
Rang đậm vừa | Có | Có | -- | Mạnh mẽ, đắng |
Rang đậm kỹ | Có ít acid nhất | Có (thấp nhất) | Ít hơn cà phê rang nhẹ nhưng nhiều hơn cà phê xanh | Mạnh mẽ, đắng |
3. Uống bao nhiêu cà phê là phù hợp?
Tác dụng kích thích của caffeine trong cà phê có thể gây bồn chồn và tim đập nhanh nếu dùng quá nhiều caffeine.
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, 400 miligam caffeine mỗi ngày nói chung là an toàn. Hãy chú ý đến liều lượng mà bạn cảm thấy dễ chịu và giảm bớt nếu bạn nhận thấy các tác dụng phụ, chẳng hạn như lo lắng, nhịp tim nhanh, đau bụng, đau đầu hoặc thay đổi tâm trạng.
Cà phê mang lại nhiều lợi ích sức khỏe để giúp ngăn ngừa bệnh mạn tính. Có sự khác biệt về hàm lượng chất chống oxy hóa, chống viêm và acid giữa các loại rang khác nhau từ nhạt đến đậm. Tuy nhiên, kiểu rang bạn thích có thể sẽ phụ thuộc vào sở thích về mùi vị.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Uống sữa chua cà phê có tốt cho sức khỏe hay không?