Theo một nghiên cứu mới được thực hiện bởi một nhóm các nhà nghiên cứu ở Đan Mạch, Cafestol, một chất hoạt tính sinh học được tìm thấy trong cà phê có thể trì hoãn sự khởi phát bệnh tiểu đường týp 2, cải thiện chức năng tế bào và độ nhạy insulin ở chuột thí nghiệm. Đây là một phát hiện nghiên cứu khác cho thấy lý do nên đưa cà phê vào danh sách đồ uống buổi sáng cho chế độ ăn và lối sống lành mạnh.
Các nhà nghiên cứu trước đó cũng đã xác định các chất có trong cà phê có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường nhưng cafestol là một chất cho đến nay vẫn chưa được kiểm tra. Trong nghiên cứu của họ, các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu xem cafestol sẽ giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự khởi phát tiểu đường týp 2 ở chuột như thế nào.
Kết quả nghiên cứu được báo cáo trên Journal of Natural Products của Hội Hóa học Mỹ.
Theo các tác giả, những kết quả này có thể thúc đẩy sự phát triển của các thuốc mới trong điều trị hoặc thậm chí là ngăn ngừa bệnh.
Nghiên cứu này được tiến hành trên mô hình chuột, 40 con chuột có xu hướng mắc bệnh tiểu đường được chia ngẫu nhiên thành 2 nhóm, nhóm được cho dùng cafestol trong 10 tuần và nhóm đối chứng.
Cuối cùng, các mẫu máu để đo đường huyết, glucagon, insulin khi đói cũng như các mẫu mô gan, cơ và mỡ để phân tích biểu hiện gien được thu thập. Các nhà nghiên cứu đã phân lập Langerhans sản sinh insulin và đo khả năng tiết insulin của chúng. Sau 10 tuần can thiệp, glucose huyết tương khi đói giảm 28%-30% ở nhóm cafestol so với nhóm chứng. Glucagon khi đói giảm 20% và độ nhạy insulin cải thiện 42% ở nhóm cafestol cao. Cafestol làm tăng sự bài tiết isulin so với nhóm chứng. các nhà nghiên cứu kết luận rằng kết quả này cho thấy cafestol có thuộc tính chống tiểu đường ở chuột.
Do đó, cafestol có thể góp phần làm giảm nguy cơ phát triển tiểu đường týp 2 ở người sử dụng cà phê và là một “ứng cử viên” tốt cho việc phát triển thuốc để điều trị hoặc phòng ngừa căn bệnh này ở người.