Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước có bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện phẫu thuật lấy đa tạng từ người chết não để đưa đến các Trung tâm ghép tạng tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế giúp hồi sinh nhiều sự sống.
Đây là kết quả trong chiến lược phát triển ngành y tế của tỉnh Quảng Ninh, nỗ lực tiến hành đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát triển song song y tế chuyên sâu và y tế cơ sở.
Trước sự kiện đặc biệt này, phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trò chuyện với TS. BS Nguyễn Trọng Diện – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh về quá trình triển khai, thực hiện ca lấy tạng đầu tiên tại y tế tuyến tỉnh.
PV: Xin chào TS.BS Nguyễn Trọng Diện, trước hết chúc mừng ngành y tế Quảng Ninh với sự kiện đêm 1/4 rạng sáng 2/4 tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) 120 y bác sĩ đã thực hiện lấy đa tạng thành công và hồi sinh nhiều sự sống, là người đứng đầu ngành y tế của tỉnh ông có thể chia sẻ về cảm xúc của mình cũng như công tác chuẩn bị cho sự kiện đặc biệt này của Quảng Ninh được không?
TS.BS Nguyễn Trọng Diện: Cảm ơn bạn đã có những ưu ái dành cho Quảng Ninh.
Có thể nói, ca hiến tạng vừa diễn ra tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) là kết quả bước đầu của quá trình nỗ lực chuẩn bị, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, kỹ thuật, truyền thông, tư vấn hiến, ghép mô, tạng, bộ phận cơ thể người của ngành y tế tỉnh Quảng Ninh.
Từ những năm 2018-2019, Sở Y tế đã xác định đẩy mạnh phát triển kỹ thuật chuyên sâu, từng bước thực hiện lộ trình, tiến tới làm chủ quy trình kỹ thuật chuyên sâu để thực hiện hiến – ghép mô tạng trên cơ thể người.
Hàng năm, Sở phối hợp với Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia mở các lớp đào tạo tại Quảng Ninh cũng như cử nhân lực, y bác sĩ tới các bệnh viện trung ương để học tập các kỹ thuật chuyên môn sâu trong quy trình kỹ thuật hiến-ghép mô, tạng.
Hiện, nhiều chuyên gia, bác sĩ tại bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả và một số đơn vị y tế đã có thể tham gia vào quy trình thực hiện kỹ thuật hiến-ghép mô tạng.
Qua việc thực hiện ca hiến mô, tạng đầu tiên cho thấy, nhiều chuyên gia, bác sĩ của tỉnh Quảng Ninh đã thực sự có đầy đủ kiến thức, kỹ năng để tham gia vào các kíp kỹ thuật, phối hợp tốt với các chuyên gia Trung ương.
PV: Thưa ông, ngoài việc đào tạo nhân lực, đầu tư kỹ thuật, cơ sở vật chất, thiết bị…, việc vận động hiến tạng cũng không phải dễ dàng gì. Vậy, ngành y tế tỉnh đã làm gì để có sự đồng thuận kịp thời từ gia đình người hiến tạng?
TS.BS Nguyễn Trọng Diện: Thực ra khái niệm về hiến tạng vẫn còn nặng nề trong nhận thức nhiều nguời dân nên công tác tuyên truyền, vận động luôn là mấu chốt để thay đổi nhận thức.
Tháng 7/2023, Sở Y tế có phối hợp Trung tâm Điều phối quốc gia về Ghép bộ phận cơ thể người tổ chức các chương trình đào tạo tăng cường hoạt động tư vấn, vận động hiến tạng.
Trước đó, từ năm 2019, Sở đã ban hành Quyết định thành lập tổ Tư vấn hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người; chia làm 2 tổ tư vấn (1 tổ phụ trách địa bàn miền đông, 1 tổ phụ trách địa bàn miền tây) và yêu cầu lãnh đạo các đơn vị y tế trực tiếp vào cuộc, tích cực đẩy mạnh triển khai công tác truyền thông tư vấn hiến, ghép mô, tạng tại toàn bộ các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoài ra, các Tổ cũng là đầu mối tiếp nhận, trao đổi thông tin và phối hợp với Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia trong công tác hiến, ghép mô, tạng.
Để chuẩn bị sẵn sàng thực hiện trong trường hợp có bệnh nhân hiến tạng tiềm năng, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế Bệnh viện Việt Nam -Thụy Điển Uông Bí; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh; Bệnh viện Bãi Cháy; Bệnh viên Đa khoa khu vực Cẩm Phả; Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả thành lập Hội đồng chuyên môn chẩn đoán chết não tại đơn vị. Đưa nội dung chẩn đoán chết não vào trong quy trình thường quy để thực hiện trong trường hợp thích hợp. Các đơn vị phối hợp chặt chẽ với Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia để xây dựng kịch bản, kế hoạch khi có người chết não hiến tạng tiềm năng.
Vậy, có những điều gì ấn tượng trong ca lấy đa tạng đầu tiên vừa diễn ra tại Bệnh viện Việt Nam -Thụy Điển Uông Bí thưa ông?
TS.BS Nguyễn Trọng Diện: Sau khi có thông tin về trường hợp bệnh nhân chết não hiến tạng tiềm năng, Sở Y tế đã trao đổi với Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia về phương án thực hiện. Do đây là ca lấy tạng đầu tiên tại y tế tuyến tỉnh, đặc biệt là Quảng Ninh nên Trung tâm đã đề nghị cử kíp chuyên gia của TT Ghép tạng, Bệnh viện TW quân đội 108 đến Quảng Ninh hỗ trợ.
Theo đó, lúc 18h30 ngày 31/3/2024, các chuyên gia TT Ghép tạng Bệnh viện TW quân đội 108 đã có mặt tại bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí tổ chức, đánh giá tình trạng bệnh nhân, tiến hành hồi sức tạng, lấy và ghép đa mô tạng bệnh nhân hiến chết não này. Tại đây, các chuyên gia, bác sĩ của tỉnh đã phối hợp với đoàn chuyên gia của Bệnh viện TW Quân đội 108 thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu để đảm bảo tối ưu chất lượng tạng sau khi được lấy cho mục đích ghép tạng. Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy là những bệnh viện tuyến tỉnh hàng đầu tại địa phương, bố trí đầy đủ nhân lực, vật tư, trang thiết bị, đặc biệt là thiết bị kỹ thuật cao để tiến hành hồi sức và xét nghiệm cần thiết, sẵn sàng sử dụng trong quá trình triển khai các kỹ thuật chuyên sâu nhằm đảm bảo tối ưu chất lượng tạng. Bên cạnh đó, các đơn vị y tế tuyến tỉnh cũng đã cử các chuyên gia, bác sĩ trong Hội đồng chuyên môn chẩn đoán chết não của bệnh viện (thành lập theo chỉ đạo của Sở Y tế tại văn bản số 1805/SYT-NVY ngày 25/3/2022) tham gia học tập kinh nghiệm tổ chức đánh giá chết não.
Sau khi đánh giá chết não lần 2, đến 14h30 ngày 01/4/2024, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí tổ chức hội chẩn xây dựng phương án tiến hành lấy đa mô tạng từ bệnh nhân hiến và vận chuyển tạng đến các trung tâm ghép trên toàn quốc.
Các mô tạng được lấy thành công từ bệnh nhân này gồm: tim, thùy gan phải, thùy gan trái, thận phải, thận trái, giác mạc phải, giác mạc trái và được các chuyên gia bảo quản bằng thiết bị chuyên dụng. Ngay khi lấy xong, nguồn tạng trên được điều phối, khẩn trương vận chuyển và tiến hành ghép tại Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Trong quy trình hiến-ghép tạng, yếu tố quan trọng nhất là thời gian nên kế hoạch thực hiện phẫu thuật lấy tạng, ghép tạng phải được xây dựng và khớp nhau; đảm bảo thời gian thiếu máu của tạng là ngắn nhất, chất lượng các tạng ở trong tình trạng tối ưu cho quá trình ghép tạng.
Trong ca phẫu thuật lấy tạng tại Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí có ba tạng được điều phối tới bệnh viện Trung ương Huế để tiến hành ghép cho bệnh nhân. Các y bác sĩ phải chạy đua với thời gian để kịp vận chuyển qua đường hàng không Hà Nội – Huế.
Ngay trong rạng sáng ngày 02/4/2024, các tạng đã sẵn sàng được vận chuyển đến sân bay Nội Bài kịp chuyến bay lúc 08h15' và có mặt tại Bệnh viện Trung ương Huế lúc 10h00 cùng ngày, ở tình trạng tốt và đảm bảo để thực hiện kỹ thuật ghép tạng.
Nhưng trên hết, để tạo nên thành công cho ca hiến tạng cũng như lấy đa tạng tại BV Việt Nam Thụy Điển Uông Bí này, phải nhắc đến nghĩa cử cao đẹp, đầy nhân văn của gia đình người hiến tạng. Họ thấu hiểu. Họ hiểu ý nghĩa việc hiến tạng nên khi các bác sĩ gặp gỡ, chia buồn, động viên và tư vấn thì gia đình người hiến đã đồng thuận và đồng ý hiến tạng con mình cho y học. Sự đồng thuận và thấu hiểu của gia đình bệnh nhân, tôi cho là những điều ấn tượng và thuận lợi nhất.
PV: Từ việc lấy tạng, sắp tới ngành y tế tỉnh Quảng Ninh có tính tới việc triển khai ghép tạng tại địa phương?
TS.BS Nguyễn Trọng Diện: Hiện tại, nhu cầu ghép mô tạng tại Quảng Ninh là rất lớn. Tính đến tháng 3/2024, số bệnh nhân hiện đang chạy thận nhân tạo (chỉ định ghép thận) là 404 bệnh nhân.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh, Sở Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp để tạo nguồn tạng hiến tại tỉnh như tổ chức Ngày hội đăng ký hiến tặng mô, tạng và tăng cường các hoạt động truyền thông giúp thay đổi nhận thức của nhân dân về hiến mô, tạng, tham gia vào mạng lưới phát triển thực hiện hiến-ghép mô tạng toàn quốc. Và đặc biệt qua sự kiện bệnh nhân đầu tiên thực hiện hiến mô, tạng tại tỉnh, chúng tôi hy vọng sẽ có sự thay đổi nhận thức trong mỗi người dân về hiến mô, tạng; việc hiến tặng mô, tạng "cho đi là còn mãi" giúp hồi sinh nhiều cuộc đời, mang lại niềm hạnh phúc cho những số phận kém may mắn.
Trong thời gian tới, ngành y tế tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh phát triển kỹ thuật chuyên sâu, từng bước thực hiện lộ trình triển khai hoạt động hiến ghép mô, bộ phận trên cơ thể người.
PV: Xin cảm ơn ông!
Sau khi được lên kế hoạch chi tiết và chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực, ca phẫu thuật lấy tạng đã được triển khai ngay trong đêm 1/4, rạng sáng 2/4 tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí với sự tham gia của 120 y bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên chia thành nhiều ekip. Trong đó có 60 y bác sĩ đến từ các trung tâm ghép tạng hàng đầu Việt Nam như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế... Ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ liên tục với với sự tập trung cao độ và phối hợp nhịp nhàng của các ekip. Kết quả, các ekip phẫu thuật đã thành công lấy các tạng đúng như dự kiến và vận chuyển tới các đơn vị để ghép cho bệnh nhân.
Mời quý vị xem thêm video dưới đây:
Bệnh viện Việt Tiệp phẫu thuật thay van tim sinh học cho người bệnh