Hà Nội

Ca phẫu thuật đặc biệt và những kinh nghiệm quý

29-09-2008 16:59 | Thời sự
google news

Cháu Hồ Thị Thanh Nhàn mới 5 tháng tuổi, quê ở Hương Trà, Thừa Thiên Huế bị não úng thủy. Cháu Nhàn lúc 2 tháng tuổi bị xuất huyết não, đã được điều trị ở khoa Nhi Bệnh viện Trung ương Huế. Sau đó đầu cháu cứ to dần lên, thóp phía trước và sau phình to.

Cháu Hồ Thị Thanh Nhàn mới 5 tháng tuổi, quê ở Hương Trà, Thừa Thiên Huế bị não úng thủy. Cháu Nhàn lúc 2 tháng tuổi bị xuất huyết não, đã được điều trị ở khoa Nhi Bệnh viện Trung ương Huế. Sau đó đầu cháu cứ to dần lên, thóp phía trước và sau phình to. Vào tháng 8/2008, cháu được điều trị tiếp ở khoa Ngoại thần kinh và cháu thường sốt cao và co giật. BS. Phan Hiền - Trưởng khoa Ngoại thần kinh cho biết: Dịch não tủy được sản xuất liên tục bên trong hệ thống não thất. Dịch não tủy thường đi theo những đường dẫn hẹp từ não thất này sang não thất khác rồi đi xuống theo đường tủy sống. Dịch sẽ được hấp thụ vào trong máu và tái tuần hoàn. Nếu đường dẫn dịch bị tắc ở bất cứ nơi nào trong quy trình tuần hoàn trên, dịch sẽ ứ trệ trong não thất, chèn ép mô não xung quanh. Ở trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh bị mắc phải chứng xuất huyết não, viêm màng não, dịch não tủy dễ mất sự lưu thông gây ra đầu cháu ngày càng to lên. Não bị chèn ép không phát triển được nên các vùng chức năng của não sẽ giảm sút. Ảnh hưởng xấu của não úng thủy tùy thuộc vào mức độ chèn ép não như bại liệt các chi dưới, hệ quả là hạn chế cử động, mất tự chủ bàng quang và ruột, rất khó khăn cho các em trong học tập, phát triển tâm sinh lý. Nếu không được chăm sóc tốt, có thể trẻ sẽ tử vong vì nhiễm khuẩn phổi và các tạng khác.

 Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật.
 
Bệnh não úng thủy lâu nay được chữa bằng ống dẫn dịch đưa dịch não tủy bị tồn lưu vào hệ mạch máu nhờ sự chuyển dịch não tủy bị ứ trệ trên não xuống màng bụng. Đường đi của ống nằm dưới da. Hình dạng xoắn của ống dẫn dịch sẽ cho phép hệ thống dẫn dịch dãn ra khi trẻ lớn hơn. Ống dẫn lưu là một phương pháp điều trị rất giá trị cho bệnh não úng thủy song biến chứng là điều gần như khó tránh khỏi. Hậu quả của biến chứng rất phiền toái. Riêng chi phí cho một ống dẫn lưu khá đắt, từ 500-800 USD một ống. Phải thay ống nhiều lần và luôn có bác sĩ theo dõi sát sao.

Bây giờ bệnh não úng thủy được điều trị bằng phẫu thuật nội soi vào hệ thống não thất, thường can thiệp vào thất thứ 3, do đó phẫu thuật này có tên phẫu thuật nội soi não thất 3. Lợi thế của cách chữa này là không để vật lạ trong cơ thể, đồng nghĩa với tỷ lệ nhiễm trùng thấp và thành công cao. Phẫu thuật nội soi não úng thủy là mở sọ não một khoảng trống không đầy 1cm, rồi đưa vào đó một camera. Camera này được phẫu thuật viên đưa vào hệ não thất đến sàn não thất 3 thì làm thủng màng này để tạo ra một sự lưu thông dịch não tủy vào các khoang dịch não tủy vùng thân não và cầu não.

Những chi tiết cụ thể quá trình hoạt động của camera và mũi thăm dò được truyền, thể hiện trên màn hình rất rõ ràng. Từ đó, bác sĩ tiến hành công việc phẫu thuật của mình.

Phim chụp cắt lớp não thất bệnh nhi Nhàn.
 
Cháu Hồ Thị Thanh Nhàn được phẫu thuật não úng thủy bằng phương pháp mới này. Bác sĩ Phan Bình Nguyên, người phụ trách ca mổ cho cháu Thanh Nhàn kể lại: Với bệnh lý của cháu Thanh Nhàn, bác sĩ phải kết hợp vừa soi não thất 3 cho dịch não thoát khỏi chỗ tắc, không còn ứ đọng nữa, đồng thời dùng ngay mũi thăm dò đốt điện hệ thống màng mạch vì hệ thống màng mạch này là nơi phát sinh ra dịch não tủy nên khi đốt bỏ một phần thì có thể giảm được sự sản xuất thái quá dịch não tủy trong chứng bệnh này.

Tôi được may mắn chứng kiến cuộc phẫu thuật này, dù đã được một số thông tin về phẫu thuật nhưng cũng rất hồi hộp đứng bên cháu Hồ Thị Thanh Nhàn nằm trên bàn mổ trắng toát. Các bác sĩ gây mê cho cháu xong, BS. Bình Nguyên bôi thuốc sát trùng lên đầu và khắp vùng ngực, bụng của cháu. Sở dĩ phải sát trùng vùng ngực, bụng là để đề phòng, nếu phương án mổ nội soi không thành công bởi những lý do bất khả kháng thì phải tiến hành phương pháp cũ, đặt ống dẫn lưu dịch não tủy cho cháu.

Cháu nằm nghiêng như chìm trong giấc ngủ sâu. BS. Bình Nguyên mở vết rạch đầu tiên trên đầu cháu, rồi đưa hệ thống camera vào não. Từ đây, mọi chi tiết nội soi chúng tôi được chứng kiến trên màn hình, đặc biệt là mũi thăm dò chọc thủng chỗ tắc, thấy nước dịch chảy rõ ràng, sau đó mũi thăm dò đốt hệ thống màng mạch. Khoảng 45 phút, ca phẫu thuật nội soi não úng thủy cho cháu Thanh Nhàn đã thành công. Lúc này ai nấy đều thở phào sung sướng.

 Cháu Hồ Thị Thanh Nhàn được phẫu thuật não úng thủy bằng phương pháp mới
 
Ra ngoài phòng mổ, BS. Phan Hiền tâm sự:

- Chương trình nội soi điều trị não úng thủy được thiết lập do Hiệp hội người tàn tật thế giới “HI” của Bỉ triển khai tại Việt Nam. Bệnh viện Trung ương Huế là một trong những nơi được dự án triển khai. Đồng thời hội đã đầu tư cho một dàn máy nội soi trị giá khoảng 50.000USD, để giải quyết bệnh não úng thủy cho cả khu vực miền Trung.

Phẫu thuật nội soi não úng thủy quả là một kỳ công. Kỳ công tuyệt diệu của máy móc và kỳ công của bàn tay khối óc con người. Khoa học kỹ thuật tiên tiến đã giúp con người thoát khỏi gánh nặng bệnh tật, hồi sinh sự sống.

Bài và ảnh: Nguyễn Quang Hà


Ý kiến của bạn