Bệnh nhân là Đỗ Phương L. ở Hải Phòng. L. chia sẻ lúc khoảng 15 tuổi, em có đau hàm nhẹ, sau đó đau tăng lên và hàm khép hẳn, gây khó khăn trong sinh hoạt, ăn uống. Mặc dù thời điểm đó, gia đình đã cho em đi khám nhưng không chẩn đoán ra bệnh. Khi đến khám tại Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt TW (Hà Nội), được các bác sĩ chẩn đoán ra bệnh dính khớp thái dương hàm phức tạp và chỉ định sớm phẫu thuật…
Thiếu nữ chỉ há mồm được khoảng 0,5 cm vì mắc căn bệnh dính khớp thái dương hàm
Ngày 3/8, thông tin với với báo chí về ca bệnh phẫu thuật thành công này, TS.BS Đồng Ngọc Quang, Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Răng – Hàm – Mặt TW (Hà Nội) phẫu thuật viên chính của kip mổ cho biết, trường hợp bệnh nhân Đỗ Phương L. tương đối khó.
Theo TS Quang, bệnh nhân có tình trạng dính khớp thái dương hàm, tức là phần xương hàm dưới và phần xương thái dương của bệnh nhân bị dính vào nhau khiến cho bệnh nhân không thể há được miệng như những người bình thường mà chỉ mở được 0,5cm. Điều này gây ra rất nhiều hậu quả nặng nề cho bệnh nhân.
Vấn đề đầu tiên, bệnh nhân không thể ăn uống được nên thể trạng rất gầy yếu. Bệnh nhân năm nay 21 tuổi nhưng chỉ nặng 35kg.
Thứ hai là chuyện vệ sinh răng miệng hàng ngày rất khó khăn. Bình thường chúng ta phải há được miệng mới có thể đưa bàn chải, tăm nước… vào miệng để vệ sinh bộ răng của mình. Tuy nhiên với bệnh nhân này hầu như không thể vệ sinh, chải rửa cơ học được, chỉ có thể vệ sinh bên ngoài hoặc dùng nước súc miệng để hỗ trợ việc làm sạch răng miệng.
Thứ ba, khi hàm dưới kém vận động sẽ dẫn đến sự biến dạng của xương hàm. Theo đó xương hàm dưới của bệnh nhân bị lùi ra phía sau, cằm cũng lùi ra phía sau.
"Khi xương hàm bị biến dạng như vậy, điều đầu tiên có thể nhìn thấy là thẩm mỹ của bệnh nhân bị ảnh hưởng, cụ thể hàm của bệnh nhân bị hô, cằm thì bị lẹm"- TS Quang chia sẻ.
Thứ tư, theo TS Quang, không chỉ vậy, điều này còn ảnh hưởng đến đường hô hấp của bệnh nhân, bởi trên cơ thể chúng ta có lưỡi bám vào mặt sau của cằm, khi cằm lùi ra sau, lưỡi cũng sẽ ở vị trí lùi ra phía sau hơn trước, làm hẹp cổ họng của bệnh nhân. Khi bệnh nhân ngủ, đường thở hẹp sẽ gây ra ngáy, nặng hơn, nhất là khi bệnh nhân ở độ tuổi trung niên, lớn tuổi sẽ gây ngưng thở khi ngủ.
'Tích hợp' cùng lúc nhiều kỹ thuật trong ca phẫu thuật kéo dài gần 10 tiếng liên tục
Đánh giá về ca phẫu thuật, PGS.TS Nguyễn Quang Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt TW cho biết, về mặt bệnh lý trường hợp của bệnh nhân Phương L. rất phức tạp, do đó các chuyên gia của bệnh viện đã 'tích hợp' cùng lúc nhiều kỹ thuật trong ca phẫu thuật này.
"Trước đây, chúng tôi đã thực hiện rất nhiều ca giải phóng ổ khớp, tức là khi bệnh nhân bị dính, thầy thuốc sẽ giải phóng cho bệnh nhân há được miệng. Chỉ riêng mỗi ca phẫu thuật như vậy cũng khoảng 4-5 giờ đồng hồ. Nhưng trong ca mổ cho bệnh nhân L, các bác sĩ đã kết hợp cả phẫu thuật mở xương hàm trên, tiến hành chỉnh hình hàm trên, sau đó tiến hành phãu thuật mở khớp thái dương hàm. Tất cả những việc này làm sao để bệnh nhân có được các chức năng bình thường của hàm mặt như những người khác, đồng thời 'trả' được về mặt thẩm mỹ"- PGS.TS Nguyễn Quang Bình thông tin.
Các bác sĩ dự trù ca phẫu thuật có thể kéo dài từ 8-10 giờ đồng hồ nên mọi phương án đều được tính toán kỹ lưỡng từ vật tư, máu, dịch truyền… "Từ tiếng thứ 5 của ca phẫu thuật trở đi, chúng tôi đã phải dùng kỹ thuật gây mê hạ huyết áp chỉ huy để bệnh nhân mất máu ít nhất có thể, đồng thời thường xuyên đánh giá biến loạn cơ thể qua máy đo khí máu, máy đo độ đau… và sử dụng các trang thiết bị hiện đại khác; rồi phương án hồi sức cũng được tính toán kỹ…"- Phó Giám đốc Nguyễn Quang Bình cho biết.
Trước đó, để chuẩn bị cho ca phẫu thuật này, các chuyên gia của Bệnh viện đã tiến hành thăm khám, kiểm tra tình trạng bệnh nhân kỹ lưỡng, cập nhật đầy đủ dữ liệu bệnh sử của bệnh nhân. Bệnh nhân được chụp phim cắt lớp lấy đủ ba chiều về xương; sử dụng phần mềm hỗ trợ mô phỏng kế hoạch di chuyển xương hàm của bệnh nhân trước khi phẫu thuật thực sự.
Dựa trên những mô phỏng ấy, các y bác sĩ của bệnh viện đã tự thiết kế những công cụ phẫu thuật phù hợp để làm giảm chi phí cho ca mổ. Các công cụ hiện đại đã được áp dụng tại ca phẫu thuật này như phần mềm lập kế hoạch trên máy tính, nẹp hướng dẫn xương cá nhân hóa, hệ thống định vị phẫu thuật, dao xương siêu âm để hạn chế chảy máu, tăng độ chính xác và tiến hành phẫu thuật nhanh nhất cho người bệnh. Đồng thời lên phương án dự trù máu…
"Ngoài ra, chúng tôi thực hiện hội chẩn toàn bệnh viện để tham vấn ý kiến của các chuyên gia giỏi trong bệnh viện, đặc biệt có sự chỉ đạo sát sao của Giám đốc Bệnh viện Trần Cao Bính"- PGS.TS Nguyễn Quang Bình kể.
Sau gần 10 tiếng liên tục phòng mổ của Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt TW (Hà Nội) sáng đèn, các bác sĩ đã rời phòng mổ. Cuộc phẫu thuật đã thành công, hiện các chỉ số của bệnh nhân ổn định, đang được theo dõi tại phòng hậu phẫu...