Trắng tay
Thời gian gần đây, nhiều hộ nuôi cá lồng trên sông Mã, đoạn chảy qua huyện Bá Thước (Thanh Hóa) phản ánh tình trạng nước sông có màu đục, bốc mùi hôi thối, khiến hàng chục tấn cá nuôi lồng của người dân chết nổi trắng mặt sông.
Tại thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước, tình trạng cá chết trên sông xảy ra ở nhiều lồng bè. Chị Ngô Thị Minh, một hộ nuôi cho biết, những ngày cuối tháng 4, hơn 1.200 con cá lăng, cá leo và 100kg cá trắm cỏ của gia đình chị chết bất thường. Tổng thiệt hại ước chừng hơn 100 triệu đồng.
"Hàng chục triệu đồng vay ngân hàng để đầu tư lồng, mua giống, thức ăn cho cá với mong muốn phát triển kinh tế nhưng nay cá chết như vậy món nợ này chưa biết lấy đâu để trả", chị Minh nói.
Mấy ngày nay, ông Cao Văn Thành trú thôn Điền Giang, xã Điền Lư, huyện Bá Thước phải túc trực để chạy máy bơm và thay nước liên tục để tạo oxy nhằm cứu đàn cá. Theo ông Thành, cá trong lồng của gia đình bất ngờ chết hàng loạt từ ngày 27/4 đến nay.
"Hiện tại, cá trong lồng nuôi của gia đình phải chạy máy bơm 24/24 để tăng oxy. Nếu chất lượng nước không thay đổi, có sục oxy, cá cũng chết. Nếu đưa cá đi nơi khác để nuôi sẽ không khả thi vì sức khỏe cá quá yếu. Hy vọng thủy điện ở thượng nguồn xả lũ để làm thay đổi nguồn nước mới có thể thoát khỏi tình trạng này", ông Thành buồn bã nói.
Theo thông tin từ UBND huyện Bá Thước, từ ngày 20/3 đến nay, trên địa bàn có 3 đợt cá chết. Đợt 1 xảy ra từ ngày 20/3 - 22/3, cá chết ở lòng hồ thủy điện thuộc thị trấn Cành Nàng, thiệt hại khoảng 71kg. Đợt 2 từ ngày 6/4, xảy ra tại các vùng nước ít lưu chuyển thuộc các xã Ái Thượng và Điền Lư, thiệt hại khoảng 400kg. Đợt 3 từ ngày 27/4 đến nay, xảy ra tại 7 xã thuộc khu vực lòng hồ Thủy điện Bá Thước 1 và Thủy điện Bá Thước 2.
Được biết, hiện tượng cá chết hàng loạt không chỉ xảy ra trên địa bàn huyện Bá Thước, mà còn lan rộng đến huyện Cẩm Thủy, địa phương giáp ranh với huyện Bá Thước, xuôi theo hạ lưu sông Mã.
Báo cáo của huyện Cẩm Thủy cho thấy, từ ngày 3/5, trên sông Mã (đoạn chảy qua xã Cẩm Thành) xảy ra hiện tượng cá trắm nuôi lồng của 7 hộ dân chết hàng loạt, với số lượng gần 1 tấn. Ngay sau đó, lực lượng chức năng chỉ đạo thu gom, tiêu hủy số lượng cá chết theo quy định đảm bảo môi trường, vệ sinh thú y và hướng dẫn cho người dân các biện pháp khắc phục.
Xác định nguyên nhân bước đầu
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa và các cơ quan chuyên môn vào cuộc, xác định hiện tượng cá chết không phải do dịch bệnh.
Theo đó, hiện tượng cá chết lác đác, nhỏ lẻ ở một số hộ dân nuôi lồng, bè tại thị trấn Cành Nàng từ ngày 20/3 và sau đó cá chết nhiều trên diện rộng tại các xã Thiết Ống, Ban Công, Ái Thượng, Hạ Trung, Điền Lư, Lương Ngoại, Lương Trung. Tổng số lồng cá bị thiệt hại là 210 lồng, của 158 hộ nuôi, khối lượng cá chết hơn 12,1 tấn.
Ngày 3/5, trên sông Mã đoạn chảy qua địa bàn xã Cẩm Thành xảy ra hiện tượng cá trắm nuôi lồng chết. Tổng khối lượng thiệt hại khoảng 972,3kg thuộc 21 lồng nuôi của 7 hộ dân địa phương.
Qua kết quả kiểm tra của lực lượng chức năng, cá chết trên sông Mã đoạn chảy qua địa bàn huyện Bá Thước không có biểu hiện lâm sàng của bệnh truyền nhiễm, bệnh ký sinh trùng, nấm trên cá. Khi mổ, các cơ quan nội tạng hoàn toàn bình thường. Chỉ số oxy hòa tan tại thời điểm có hiện tượng cá chết từ 3,1-3,3 mg/l thấp hơn ngưỡng thích hợp. Sau khi hướng dẫn người dân di chuyển cá đến nơi có nguồn nước khác như gần cửa khe, suối, mương, ao và sục tăng cường khí oxy hoặc bơm nước sạch từ giếng, giếng khoan vào lồng nuôi thì cá hồi lại bình thường.
Kết quả phân tích, xét nghiệm từ 3 mẫu cá và 6 mẫu nước cũng cho thấy, không phát hiện các bệnh truyền nhiễm, ký sinh trùng, nấm trên cá chết được lấy mẫu và có hiện tượng thiếu oxy hòa tan trong nước tác động làm cho cá chết.