Hà Nội

Cả nước sẽ có khoảng 30 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia

01-12-2023 07:45 | Xã hội

SKĐS - Nhiều cơ sở giáo dục đại học đề nghị thời gian tới trường mình sẽ được đưa vào quy hoạch trở thành đại học quốc gia, đại học trọng điểm quốc gia.

Cả nước sẽ có 5 đại học quốc gia

Tại buổi tọa đàm lấy ý kiến góp ý dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, theo dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH và sư phạm, đến năm 2030, toàn quốc có khoảng 250 cơ sở GDĐH và 50 phân hiệu thuộc 200 cơ sở đầu mối, định hướng phân bố theo các vùng.

Trong đó, khoảng 30 cơ sở GDĐH trọng điểm quốc gia, bao gồm 5 đại học quốc gia, 5 đại học vùng và từ 18 đến 20 cơ sở GDĐH trọng điểm ngành quốc gia; Khoảng 100 cơ sở GDĐH đầu mối khác trực thuộc các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương; ít nhất 70 cơ sở GDĐH tư thục, bao gồm cả các cơ sở GDĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài.

Quan điểm của Bộ GD&ĐT là đại học Quốc gia nằm trong trung tâm của vùng kinh tế động lực, có sứ mạng dẫn dắt và vai trò nòng cốt thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia về phát triển nhân tài, nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; có năng lực, uy tín và chất lượng đứng đầu cả nước về khoa học, kỹ thuật, công nghệ và một số lĩnh vực, ngành trọng điểm khác của quốc gia.

Cả nước sẽ có khoảng 30 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia- Ảnh 1.

Định hướng quy mô và lĩnh vực, nhóm ngành đào tạo trọng điểm của các đại học quốc gia đến năm 2023.

Các đại học quốc gia giữ ổn định quy mô đào tạo trình độ đại học, tập trung nâng cao chất lượng và tăng tỉ trọng đào tạo sau đại học gắn với phát triển nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, nhất là ở các lĩnh vực, ngành trọng điểm. Sau năm 2030, có thể phát triển thêm một số đại học quốc gia từ các đại học vùng, đại học trọng điểm ngành quốc gia có tiềm lực mạnh và uy tín cao trong hệ thống.

Đại học vùng nằm trong trung tâm của vùng, tiểu vùng, có sứ mạng dẫn dắt và vai trò nòng cốt thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ cho vùng; có năng lực, uy tín và chất lượng đứng đầu vùng trong các lĩnh vực, ngành trọng điểm của vùng.

Cần có chương trình quốc gia các trường đại học trọng điểm

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến, thảo luận sôi nổi của đại diện các cơ sở GDĐH, đề nghị được trở thành đại học trọng điểm quốc gia với nhiều lí lẽ riêng. Bà Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương bày tỏ mong muốn việc lựa chọn, đầu tư trường trọng điểm cần đảm bảo được nguyên tắc không tạo nên sự bất bình đẳng trong phát triển GDĐH và căn cứ vào chất lượng đầu ra, khả năng huy động nguồn lực của cơ sở.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho rằng, thay vì Bộ GD&ĐT liệt kê các trường vào quy hoạch trọng điểm, cần đưa ra các điều kiện cụ thể để có thể trở thành trường trọng điểm và có cơ chế linh hoạt trong lựa chọn. "Chúng tôi mong muốn có một cơ chế công bằng để các trường đại học có thể có cơ hội và kể cả không nằm trong danh sách các trường trọng điểm nhưng cũng không bị mất đi lợi thế cạnh tranh".

Ông Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên đề nghị đưa ĐH Thái Nguyên trở thành đại học quốc gia, đại học trọng điểm quốc gia trong thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đưa ra đề xuất trên, Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết dựa vào căn cứ: ĐH Thái Nguyên là đại học vùng được thành lập theo Nghị định số 31/CP của Chính phủ trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại các trường đại học trên địa bàn TP. Thái Nguyên. Đến nay, ĐH Thái Nguyên đã có 7/7 trường đại học thành viên đạt chuẩn kiểm định cơ sở GDĐH chu kỳ II, 13 chương trình đào tạo được công nhận đạt chuẩn kiểm định theo bộ tiêu chuẩn của Bộ GDĐT và 15 chương trình được công nhận đạt chuẩn chất lượng của AUN-QA. Ngoài ra, có 14 chương trình đào tạo đại học, 04 chương trình đào tạo thạc sĩ đã được đánh giá chờ công nhận (VNU-CEA).

Cả nước sẽ có khoảng 30 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia- Ảnh 2.

Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (nguồn Bộ GD&ĐT).

GS.TS Nguyễn Hải Nam, Hiệu trưởng Trường ĐH Dược Hà Nội cho rằng, cần có chương trình quốc gia các trường đại học trọng điểm, khi đó sẽ được bố trí nguồn ngân sách, điều này rất quan trọng vì các trường này sẽ dẫn dắt trường đại học khác, cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội. Theo GS.TS Nguyễn Hải Nam, ngành Dược là ngành rất quan trọng đối với xã hội, toàn quốc hiện chỉ có 1 trường đại học dược, do đó, "trong danh sách các trường đại học trọng điểm quốc gia, nên bổ sung Trường ĐH Dược Hà Nội".

Về việc đưa các trường vào danh sách trọng điểm, tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ cũng muốn nhưng nguồn lực đầu tư của Nhà nước có hạn. Dự thảo hiện nay có 30 cơ sở giáo dục đầu mối, không thể đưa tất cả vào; mà tập trung những ngành học then chốt để tăng trưởng kinh tế.

"Dự kiến, tuần tới Bộ GD&ĐT sẽ lấy ý kiến các bộ, ngành, nhưng mỗi lĩnh vực cũng chỉ xác định 1 - 2 cơ sở đào tạo. Nếu đưa vào nhiều sẽ không còn là trọng điểm. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo quy hoạch này làm sao chặt chẽ mục đích, mục tiêu của các cơ sở GDĐH trọng điểm, làm rõ hơn các tiêu chuẩn, tiêu chí. Quy hoạch trọng điểm không phải là cái để công nhận mà xác định trọng điểm để đầu tư".

Trường đại học dự kiến lên đại học: Cần lưu ý gì?Trường đại học dự kiến lên đại học: Cần lưu ý gì?

SKĐS - Nhiều trường đại học đang chuẩn bị các điều kiện để chuyển đổi từ trường đại học thành đại học. Các chuyên gia cho rằng cần kiểm soát chất lượng các cơ sở giáo dục sau khi chuyển đổi, tránh việc chạy theo "mốt", háo danh.


ĐV
Ý kiến của bạn