Ngày 31/7 tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị công tác điều dưỡng các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế bàn về các giải pháp đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của điều dưỡng và nâng cao chất lượng chăm sóc hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Có sự khác biệt rất lớn về trình độ chuyên môn của điều dưỡng
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, những năm qua, Bộ Y tế đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020 và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Toàn ngành tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB) cho người dân, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh toàn diện. Bộ thực hiện luân phiên cán bộ y tế từ tuyến trên về tuyến dưới để cải thiện chất lượng KCB vừa đào tạo nâng cao trình độ cán bộ cấp dưới, góp phần giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên và nâng dần chất lượng dịch vụ y tế cấp cơ sở.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên, Bộ Y tế đã triển khai rà soát hệ thống tổ chức điều dưỡng; giám sát, hỗ trợ các đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình hành động quốc gia tăng cường công tác điều dưỡng hộ sinh giai đoạn 2013-2020. Bên cạnh đó, Bộ thực hiện kiểm tra, giám sát chăm sóc người bệnh toàn diện trong bệnh viện theo các nội dung: Định hướng chiến lược phát triển công tác điều dưỡng, hoạt động của Hội đồng điều dưỡng, đánh giá hoạt động phòng điều dưỡng, hoạt động của hệ thống quản lý điều dưỡn, tổ chức làm việc và thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh của điều dưỡng nhằm tăng cường chất lượng công tác điều dưỡng và chăm sóc người bệnh toàn diện…
Cả nước hiện có trên 61.000 y bác sỹ làm công tác điều trị; trên 117.000 điều dưỡng viên, hộ sinh đang công tác tại các cơ sở y tế trong cả nước. Tỷ số điều dưỡng, hộ sinh/bác sỹ hiện tại là 1,9. Nguồn nhân lực điều dưỡng, hộ sinh tại Việt Nam luôn được quan tâm tuyển dụng, tuy vậy về số lượng và cơ cấu vẫn thiếu nhiều so với quy định cũng như so với các nước trong khu vực.
Số liệu từ 1.256 bệnh viện trong toàn quốc cho thấy, có sự khác biệt lớn về trình độ chuyên môn của điều dưỡng, hộ sinh. Trong khi một số nước trong khu vực và nhiều nước trên thế giới trình độ điều dưỡng, hộ sinh phải từ cao đẳng trở lên thì tại Việt Nam điều dưỡng, hộ sinh trình độ trung học chiếm đa số với gần 78 %. Vẫn còn 1,9% điều dưỡng, hộ sinh trình độ sơ học. Cả nước mới có 183 điều dưỡng, hộ sinh trình độ sau đại học.
Mỗi điều dưỡng cần tự làm đẹp hình ảnh của mình trong mắt người bệnh…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã chỉ rõ những hạn chế của công tác điều dưỡng thời gian qua; đồng thới đề xuất các ý kiến, giải pháp nhằm đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của điều dưỡng và nâng cao chất lượng chăm sóc hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Các đại biểu cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế của công tác điều dưỡng thời gian qua là do việc tăng dân số, tăng tuổi thọ trung bình, tăng các bệnh nhân mãn tính, tăng nhu cầu KCB và cung cấp dịch vụ chăm sóc, trong khi tỷ lệ điều dưỡng, hộ sinh so với vạn dân, so với bác sỹ rất mất cân đối và thấp nhất so với các nước trong khu vực.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc người bệnh còn nhiều hạn chế; nguồn nhân lực điều dưỡng, hộ sinh thiếu về số lượng và yếu về trình độ chuyên môn. Điều dưỡng, hộ sinh thiếu dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện đầy đủ các bước của quy trình kỹ thuật chăm sóc cũng như thực hiện giao tiếp, hướng dẫn giáo dục sức khỏe để thiết lập mỗi quan hệ gần gũi giữa điều dưỡng và người bệnh…
Đánh giá cao vai trò không thể thiếu của điều dưỡng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chia sẻ với những vất vả của các điều dưỡng trong nghề nghiệp tuy nhiên, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh thẳng thắn cho rằng, đây đó vẫn có những điều dưỡng chưa thực sự thực hiện tốt quy tắc ứng xử của ngành, khiến người bệnh phàn nàn, thậm chí phản ánh lên các trang mạng xã hội, hay phản ánh đến đường dây nóng của Bộ Y tế… Do đó, để triển khai thực hiện việc đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của điều dưỡng và nâng cao chất lượng chăm sóc hướng tới sự hài lòng của người bệnh có hiệu quả, bản thân các điều dưỡng cần phải không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và quy tắc ứng xử của ngành để làm đẹp hình ảnh của mình trong mắt người bệnh/người nhà bệnh nhân…
Trong thời gian tới, Bộ Y tế tập trung nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm và giao tiếp ứng xử của điều dưỡng, hộ sinh khi chăm sóc người bệnh cũng như chất lượng chăm sóc, phục vụ người bệnh, đảm bảo an toàn người bệnh. Bên cạnh nâng cao hiệu quả công tác quản lý điều dưỡng, Bộ tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác điều dưỡng; tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các bệnh viện trong nước, nước ngoài
Thái Bình