Đối với cấp THCS, số trường giảm từ 10.761 xuống 10.753, giảm 8 trường.
Riêng cấp THPT, năm học 2022-2023, cả nước có 2.949 trường học cấp THPT. Sang năm học 2023-2024, con số này tăng lên 2.981 trường. Đây cũng là cấp học duy nhất tăng số trường học trong năm học vừa qua.
Theo Bộ GD&ĐT, việc số trường tiểu học và THCS giảm có nguyên nhân chủ yếu là một số địa phương sáp nhập địa giới hành chính dẫn đến việc sáp nhập các trường học trên địa bàn. Trong khi đó, số lượng trường THPT tăng do việc tăng dân số ở các thành phố lớn nên địa phương đã xây dựng, thành lập các trường mới.
Cũng theo báo cáo tổng kết năm học 2023-2024 của Bộ GD&ĐT, cả nước có gần 18,5 triệu học sinh, giảm hơn 300.000 so với năm học trước. Tuy nhiên mức giảm chủ yếu ở cấp tiểu học. Cấp THCS có hơn 6,5 triệu học sinh, tăng gần 500.000. Cấp THPT xấp xỉ 3 triệu học sinh, tăng hơn 100.000. Có thể thấy, việc tăng 32 trường chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế khi số trường cần có tương ứng cho số học sinh này vào khoảng gần 50 trường.
Về mặt hạn chế, tồn tại ở mảng giáo dục phổ thông trong năm học 2023-2024, báo cáo của Bộ GD&ĐT nêu, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2023 - 2024 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cụ thể như: Vẫn còn một số văn bản quy phạm pháp luật, đề án hoàn thành chậm thời hạn, nguyên nhân chủ yếu là do văn bản có nội dung phức tạp, đối tượng chịu tác động nhiều.
Tình trạng thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, việc tuyển dụng của các địa phương còn chậm, chưa tuyển dụng hết số biên chế được giao, ảnh hưởng đến việc bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là yêu cầu bố trí đủ giáo viên các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Chất lượng đội ngũ chưa đồng đều giữa các vùng, miền, còn khoảng cách lớn giữa vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và vùng thuận lợi; năng lực ngoại ngữ, tin học của một bộ phận giáo viên còn hạn chế; nhiều giáo viên chưa thực sự coi trọng việc tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Điều kiện làm việc, chính sách đãi ngộ nhà giáo chưa tương xứng, lương nhà giáo trẻ còn thấp so với mặt bằng chung của các ngành nghề...
Việc rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông còn bất cập; còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số địa phương, đặc biệt là tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Một số địa phương thực hiện dồn ghép các cơ sở giáo dục một cách cơ học; việc quy hoạch, dành quỹ đất, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học chưa phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn trường học. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cấp mầm non, phổ thông còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Công tác bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non ở các cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tư thục, nhất là tại các vùng đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất còn hạn chế..
Chất lượng phổ cập còn thấp và chưa vững chắc ở một số địa phương. Chất lượng giáo dục thường xuyên vẫn còn hạn chế, nội dung chương trình, phương thức giáo dục chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi để người dân nâng cao trình độ, chuyển đổi nghề nghiệp.
Quy mô đào tạo trình độ đại học tăng nhưng tập trung ở các ngành, lĩnh vực có khả năng xã hội hóa cao như khối ngành kinh tế, tài chính hoặc khối ngành có nhu cầu nguồn nhân lực lớn, trong khi các nhóm ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội không có sức hút đối với người học.
Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh sinh viên; công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống bạo lực, bắt nạt, xâm hại trẻ em, học sinh còn chưa thực sự hiệu quả. Tình trạng bạo lực học đường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học vẫn còn xảy ra ở một số cơ sở giáo dục. gây bức xúc trong dư luận.
Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo của một số Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm còn chưa thực sự nghiêm túc; chất lượng thông tin, báo cáo của một số đơn vị còn chưa đảm bảo chất lượng gây ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành.