Số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tiếp tục tăng
Theo thống kê tuần 36/2023 cả nước ghi nhận 5.180 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 trường hợp tử vong tại Hòa Bình. So với tuần trước số mắc tăng 0,5%. Trong đó, số nhập viện là 3.891, so với tuần trước, số nhập viện giảm 1,7%.
Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 81.808 trường hợp mắc, 23 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (203.709/107) số mắc giảm 59,8%, tử vong giảm 84 trường hợp.
Tại Hà Nội, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.010 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 29 quận, huyện (tăng gấp đôi so với tuần cuối của tháng 8/2023).
Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần là: Phú Xuyên (163 ca), Hoàng Mai (136 ca), Cầu Giấy (134 ca), Hà Đông (132 ca), Đống Đa (125 ca), Đan Phượng (122 ca), Thanh Oai (119 ca), Thanh Trì (104 ca). Cũng trong tuần này, Hà Nội ghi nhận thêm 72 ổ dịch sốt xuất huyết tại 15 quận, huyện.
Cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 10.372 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 3 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng gần 4 lần; số ca tử vong tương đương.
Bệnh nhân ghi nhận từ đầu năm đến nay phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 533/579 xã, phường, thị trấn. Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân là: Thạch Thất (833 ca), Hoàng Mai (827 ca), Thanh Trì (727 ca), Hà Đông (607 ca), Phú Xuyên (603 ca), Đống Đa (577 ca), Cầu Giấy (558 ca), Nam Từ Liêm (523 ca).
Tổng số ổ dịch tính đến thời điểm hiện tại là 730. Hiện còn 258 ổ dịch đang hoạt động tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Phùng Xá - huyện Thạch Thất (439 ca); xã Hữu Bằng - huyện Thạch Thất (306 ca); thôn Nguyên Hanh - xã Văn Tự - huyện Thường Tín (91 ca); thôn Đống - xã Cao Viên - huyện Thanh Oai (57 ca); phường Ô Chợ Dừa - quận Đống Đa (29 ca)…
Theo đánh giá của CDC Hà Nội, thành phố đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết với số ca mắc không ngừng gia tăng.
Kết quả kiểm tra, giám sát một số ổ dịch trong tuần vẫn ghi nhận chỉ số BI vượt ngưỡng nguy cơ từ 2 đến 3 lần (theo quy định BI=20) như: Phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm (BI=40); xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ (BI=40); phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (BI=40); xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai (BI=40); xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên (BI=60).
Theo CDC Hà Nội, trong tuần này, công tác giám sát phòng, chống sốt xuất huyết tiếp tục tập trung tại các ổ dịch ở các quận, huyện: Thanh Trì, Thanh Oai, Cầu Giấy, Đan Phượng, Hoài Đức, Thạch Thất, Hà Đông, Phúc Thọ.
Không quyết liệt phòng chống, số ca mắc sốt xuất huyết sẽ gia tăng khi vào cao điểm mùa mưa
Thời gian qua, trước diễn biến gia tăng ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội, Bộ Y tế đã điều chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hỗ trợ Hà Nội trong công tác chuyên môn.
Tuýp virus sốt xuất huyết lưu hành năm 2023 chủ yếu là D1, D2 và không có sự khác biệt với các tuýp virus lưu hành những năm gần đây.
Tuy nhiên, dự báo tình hình dịch sốt xuất huyết thời gian tới, Cục Y tế dự phòng cho hay, theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong năm 2023 và 2024 hiện tượng biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền.
Dự báo thời gian tới, do đang vào cao điểm mùa mưa nên số mắc tiếp tục có diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại các địa phương.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, thời gian qua, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Y tế các tinh, thành phố quan tâm, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn; cùng đó chỉ đạo các cơ sở y tế dự phòng đảm bảo đủ nhu cầu về hóa chất, sinh phẩm, vật tư, thiết bị cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là hóa chất phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và máy phun hóa chất để thực hiện công tác xử lý ổ dịch trên địa bàn triệt để, hiệu quả.
Bộ Y tế cũng cho hay, hiện tại các loại hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế trên thị trường đáp ứng được nhu cầu về phòng, chống dịch. Danh mục các hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế được Bộ Y tế cấp phép đã được đăng tải, cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Môi trường y tế.