Cả nước có tới 172 cơ sở đào tạo nhân lực y tế, ĐBQH trăn trở về chất lượng đầu ra

20-11-2023 09:24 | Y tế
google news

SKĐS - Tại phiên thảo luận về KT-XH trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nêu quan điểm và kiến nghị của mình liên quan đến đào tào nguồn nhân lực y tế.

Trường tư phát triển mạnh nhưng kiểm định chất lượng chưa hình thành

Theo nữ đại biểu tỉnh Thái Bình, các cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành y tế tăng nhanh trong 10 năm trở lại đây. Chỉ tính các trường đào tạo trình độ đại học, cao đẳng hiện nay đã lên đến con số 172 trường (tăng gấp 2,3 lần so với 2014).

Đồng thời, đại biểu Thu Dung nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được thì còn nhiều hạn chế và thách thức với các cơ sở đào tạo nhân lực y tế hiện nay: "Số sinh viên quá đông, trong khi chi phí đào tạo được quy định quá thấp so với các nước trong khu vực. Ở Việt Nam, chi phí đào tạo nhân lực y tế chưa bằng 1/10 các nước trong khu vực và hiện nay chỉ có trường VinUni đào tạo thu học phí với mức đào tạo ngành Điều dưỡng là 350 triệu/năm và với ngành đào tạo bác sĩ là 800 triệu/năm", bà Nguyễn Thị Thu Dung nói.

Chỉ ra một số tồn tại, đại biểu nói, ở Việt Nam thiếu bệnh viện thực hành cho sinh viên. Chỉ có 19/66 trường đại học và 2/106 trường cao đẳng có bệnh viện trực thuộc. Sinh viên thực hành lâm sàng tại các cơ sở y tế cơ hội thực hành còn hạn chế do nhiều rào cản, cả về phía các quy định của pháp luật, của cơ quan chuyên môn và từ cả phía người bệnh. Chương trình là phương pháp đào tạo vẫn mang tính truyền thống, chưa hiện đại. Giảng viên còn thiếu và hạn chế về năng lực chuyên môn, chi phí cho đào tạo nhân lực y tế có nhiều từ nhiều nguồn khác nhau…

Cả nước có tới 172 cơ sở đào tạo nhân lực y tế, ĐBQH trăn trở về chất lượng đầu ra- Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung nêu quan điểm: "Hệ thống trường tư phát triển mạnh trong những năm gần đây, song hệ thống kiểm định chất lượng chưa hình thành và cơ chế đảm bảo chất lượng còn yếu".

Bên cạnh những trường chú trọng đào tạo đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giảng viên đủ tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng phát triển chương trình và phương pháp giảng dạy tiên tiến, hiện đại thì vẫn có nhiều trường chưa đảm bảo điều kiện đào tạo theo quy định vẫn tuyển sinh ồ ạt. Trong khi công tác hậu kiểm tra, thanh tra của các bộ, ngành, cơ quan chức năng chưa thường xuyên, kịp thời dẫn tới nhiều hệ lụy cho người học.

Bà Dung một lần nữa nhấn mạnh: "Nhân lực y tế là thành phần cốt lõi vô cùng quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến sức khỏe".

Từng bước chuẩn hóa chất lượng đào tạo

Từ những phân tích trên, ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tập trung một số giải pháp như: tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hậu kiểm, các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe. Kiên quyết dừng tuyển sinh đối với các trường không đảm bảo điều kiện.

Quy định các trường đào tạo khối ngành sức khỏe phải đạt tiêu chuẩn kiểm định chậm nhất vào năm 2026. Đối với các trường đào tạo trình độ đại học, đặc biệt là trường đào tạo bác sĩ phải đạt kiểm định khu vực và quốc tế để tiến tới hội nhập, công nhận trình độ.

Cả nước có tới 172 cơ sở đào tạo nhân lực y tế, ĐBQH trăn trở về chất lượng đầu ra- Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Cần quy định các điều kiện chuyên môn đặc thù của khối ngành sức khỏe trong tổ chức đào tạo. Đối với cả khối giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, trong suốt quá trình từ khâu đầu vào. Xây dựng bộ tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục y tế đặc thù cho các ngành đào tạo nhân lực y tế, đảm bảo chuẩn đầu ra trong đào tạo nhân lực y tế.

Bên cạnh đó, cần phát triển nhân lực y tế làm về kiểm định chất lượng đào tạo trong y tế, từng bước chuẩn hóa chất lượng đào tạo tại các trường đào tạo nhân lực y tế.

Nữ đại biểu đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cũng đề nghị nghiên cứu thêm theo hướng các trường đủ điều kiện có thể tham gia đánh giá năng lực hoặc chọn mỗi khu vực một trường đầu tư nâng cấp để tham gia tổ chức đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề, tạo điều kiện thuận lợi và giảm gánh nặng cho Hội đồng y khoa quốc gia.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh từ góc nhìn của ĐBQH về đào tạo y khoaNâng cao chất lượng khám, chữa bệnh từ góc nhìn của ĐBQH về đào tạo y khoa

SKĐS - Tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Trần Khánh Thu đã chia sẻ những trăn trở của mình về việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân cả nước.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn