Qua thống kê tình hình mắc sốt xuất huyết ở nước ta từ đầu năm đến nay cho thấy, trong những tuần đầu tiên của năm 2023 số ca mắc tăng cao, tuy nhiên từ tuần 7- nay, số ca mắc chững lại và có dấu hiệu giảm. Cùng đó, đã 5 tuần liên tiếp nước ta không ghi nhận ca tử vong do sốt xuất huyết.
Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 24.252 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 3 ca tử vong tại Khánh Hòa (1), Phú Yên (2). Nếu so sánh số ca mắc của 3 tháng qua với thời kỳ cao điểm về số mắc của năm 2022 cho thấy, tổng số mắc trung bình 1 tháng khoảng hơn 8.000 ca, thấp hơn cả số mắc của 1 tuần trong thời kỳ cao điểm năm 2022 (có nhiều tuần liên tiếp trên 10.000 ca mắc/ tuần)
Riêng tại Hà Nội, tính đến nay thành phố ghi nhận 197 ca sốt xuất huyết (gấp hơn 19 lần so với cùng kỳ năm ngoái); cùng đó thủy đậu và tay chân miệng cũng tăng. Do đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu CDC tập huấn, hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý dịch truyền nhiễm cho trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã...
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết trước các tháng cao điểm năm 2023, trước đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo một số nội dung, cụ thể:
Chủ động công tác truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết trước, trong mùa dịch; chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Sở Y tế tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết; phát huy vai trò của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Tổ chức, triển khai các chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết sâu rộng trên địa bàn.
Giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền trong chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các biện pháp xử lý.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng triển khai giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bản để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương theo hướng dẫn của Bộ Y tế;
Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo đầy đủ thuốc, trang thiết bị, máy móc điều trị; tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới.
Chỉ đạo Sở Tài chính căn cứ kế hoạch phòng, chống sốt xuất huyết năm 2023 trình UBND tỉnh, thành phố cấp kinh phí từ nguồn địa phương để chủ động triển khai các biện pháp phỏng, chống sốt xuất huyết trước mùa dịch.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới , hầu hết các ca sốt xuất huyết đều có triệu chứng nhẹ, thậm chí không có triệu chứng. Triệu chứng phổ biến nhất là sốt cao (40 độ C), thường đi kèm với hai hoặc nhiều triệu chứng sau:
- Đau đầu;
- Đau hốc mắt;
- Buồn nôn, nôn mửa;
- Nổi hạch;
- Đau cơ, xương hoặc khớp;
- Phát ban;
WHO nhấn mạnh việc chẩn đoán sớm và chính xác, điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng, giúp giảm nguy cơ các triệu chứng bệnh trở nặng, và tử vong.