Hà Nội

Cả nước có hơn 149.500 ca sốt xuất huyết, Hà Nội ghi nhận thêm tuýp D3 gây bệnh

25-11-2023 08:16 | Y tế

SKĐS - Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 149.557 trường hợp mắc, 36 trường hợp tử vong. Tại Hà Nội, đáng lưu ý, ngoài 2 tuýp virus Dengue lưu hành chủ yếu là D1 và D2, kết quả giám sát mới đây cho thấy, Hà Nội ghi nhận thêm tuýp D3 gây bệnh sốt xuất huyết.

Số ca mắc và nhập viện do sốt xuất huyết đã giảm

Theo thống kê, tuần 46/2023 cả nước ghi nhận 5.903 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không có trường hợp nào tử vong (So với tuần trước số mắc giảm 18,2%), trong đó, số nhập viện là 4.568 (so với tuần trước số nhập viện giảm 18,2%).

Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 149.557 trường hợp mắc, 36 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 số mắc giảm 53,2%, số tử vong giảm 109 trường hợp.

Tại Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố cho hay, trong tuần từ ngày 10 - 17/11, trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 2.476 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (giảm 54 ca so với tuần trước đó).

Cả nước có hơn 149.500 ca sốt xuất huyết, Hà Nội ghi nhận thêm tuýp gây bệnh này- Ảnh 1.

GS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cùng chuyên gia của Viện kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại Hà Nội.

Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần qua, trong đó đứng đầu là Thanh Oai với 209 ca, tiếp đến là Hà Đông (206 ca), Đống Đa (199 ca), Hoàng Mai (170 ca), Thường Tín (145 ca), Thanh Trì (133 ca), Phú Xuyên (120 ca), Chương Mỹ (110 ca).

Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 33.489 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có 4 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 575/579 xã, phường, thị trấn. Trong đó, các quận, huyện có nhiều bệnh nhân là: Hà Đông (2.347 ca), Hoàng Mai (2.170 ca), Thanh Oai (2.087 ca), Phú Xuyên (2.041 ca), Đống Đa (1.928 ca), Thanh Trì (1.755 ca).

Đáng lưu ý, ngoài 2 tuýp virus Dengue lưu hành chủ yếu là D1 và D2, kết quả giám sát mới đây cho thấy, Hà Nội ghi nhận thêm tuýp D3 gây bệnh sốt xuất huyết. Cụ thể, theo CDC Hà Nội, kết quả giám sát tuýp virus Dengue lưu hành năm 2023 có 14 mẫu dương tính với D1, 17 mẫu dương tính D2, 1 mẫu dương tính D3.

Theo các chuyên gia y tế, ở nước ta, hiện có 4 tuýp vi rút Dengue gây bệnh sốt xuất huyết được ký hiệu là D1, D2, D3 và D4. Do đó, một người có thể mắc đến 4 lần sốt xuất huyết trong đời và lần 2 thường nặng hơn lần đầu.

"Nếu một người nhiễm tuýp 1, ngay lập tức có thể nhiễm tuýp 2. Vì thế, mỗi người có thể nhiễm ngay lập tức, thậm chí nhiễm đồng thời. Chỉ cần bệnh nhân ở trong vùng dịch, có sốt, có tiêu chảy, buồn nôn, có thể hướng đến bị mắc sốt xuất huyết."- BSCK II Nguyễn Trung Cấp - Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay.

Hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng, trong đó có nhiều ca nặng. Thông thường vào cuối mùa dịch sốt xuất huyết, tỷ lệ ca nặng sẽ gia tăng hơn so với đầu mùa dịch.

Những đối tượng có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc sốt xuất huyết cần lưu ý

  • Nhóm dưới 4 tuổi, đặc biệt dưới 12 tháng tuổi.
  • Nhóm bệnh nền, dễ chảy máu, có bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, có bệnh đông máu, khó cầm máu. Không may khi sốt xuất huyết, giảm tiểu cầu mà chảy máu, cầm máu rất phức tạp.
  • Nhóm người béo phì, phản ứng với sốt xuất huyết rất mạnh mẽ, tỉ lệ nặng ở nhóm này cao hơn. Khi xảy ra diễn biến nặng, xử lý khó khăn hơn rất nhiều.
  • Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết có thể sinh bất cứ lúc nào. Nếu tiểu cầu giảm, nguy cơ chảy máu trong cuộc đẻ rất lớn.
  • Một số nhóm khác, người nhóm máu O có thể nặng hơn người nhóm máu khác... nhưng chỉ là những yếu tố phụ.

Nhiệt độ tăng 1oC sẽ làm tăng khoảng 7%-11% nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết

Tại cuộc họp Nhóm đối tác y tế về Biến đổi khí hậu và Sức khỏe năm 2023 do Bộ Y tế tổ chức mới đây với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh Châu Âu, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, biến đổi khí hậu tác động đến sức khỏe con người theo nhiều cách khác nhau, như làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến nhiệt, thay đổi mô hình lây truyền và mức độ các bệnh truyền nhiễm.

Kết quả của một số nghiên cứu cho thấy, bên cạnh độ ẩm và lượng mưa tăng, nhiệt độ tăng 1oC sẽ làm tăng khoảng 7%-11% nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết, 5,6% mắc bệnh tay chân miệng. Biến đổi khí hậu cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh gây ra bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan, cháy rừng và ô nhiễm không khí.

Hệ thống y tế có nguy cơ bị phá vỡ nếu bỏ quản lý bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT theo tuyếnHệ thống y tế có nguy cơ bị phá vỡ nếu bỏ quản lý bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT theo tuyến

SKĐS - Nếu không quản lý bệnh nhân theo tuyến, người bệnh khám chữa bệnh BHYT sẽ “đổ dồn” lên tuyến trên điều trị làm tuyến trên bị quá tải, hệ thống y tế có nguy cơ bị phá vỡ, ảnh hưởng lớn đến công tác chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh...

Bài và ảnh Thái Bình
Ý kiến của bạn