Cả nước 19.710 trường hợp mắc sốt xuất huyết, khi mắc có cần nhập viện?

23-04-2021 15:37 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Có thể nói sốt xuất huyết dengue là một bệnh do virus lây truyền do muỗi thường gặp nhất ở người. Trong những năm gần đây bệnh đã trở thành mối quan ngại lớn đối với sức khỏe cộng đồng.

Theo báo cáo công tác y tế tháng 4/2021 của Bộ Y tế cho biết, tính tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 19.710 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại 4 tỉnh, thành phố: Bình Dương (1 trường hợp), Phú Yên (2 trường hợp), Sóc Trăng (1 trường hợp), thành phố Hồ Chí Minh (1 trường hợp). So với cùng kỳ năm 2020, số mắc sốt xuất huyết giảm 16,3% nhưng số ca tử vong tăng 1 trường hợp.

Nhận diện khi mắc bệnh

Đặc điểm của bệnh sốt xuất huyết là sốt cao 40 - 41 độ, đột ngột, liên tục trong 04 - 05 ngày mặc dù dùng thuốc hạ sốt cũng không làm cho nhiệt độ trở về bình thường và hồi phục sau 07 đến 10 ngày. Thông thường, khi sốt cao 39-40 độ sang ngày thứ 02 - 03 không rõ nguyên nhân, người dân cần đến bệnh viện làm xét nghiệm để loại trừ sốt xuất huyết.

Đặc biệt, nếu kèm trạng thái mệt mỏi, li bì, đau nhức cơ thể, đau cơ khớp, nhức mắt thì càng cần phải đi khám, bởi đây là dấu hiệu điển hình của sốt xuất huyết. Hiện nay, test sốt xuất huyết đã được phổ cập đến tận tuyến huyện. Test này giúp chẩn đoán sớm sốt xuất huyết từ ngày đầu nên cần được đi khám sớm để có chẩn đoán và được bác sĩ hướng dẫn cụ thể.

Từ ngày thứ 01 đến ngày thứ 04 gọi là giai đoạn sốt. Người bệnh có thể được điều trị và chăm sóc tại nhà, theo dõi diễn biến của bệnh. Từ ngày thứ 04 (tính từ khi bắt đầu sốt trở đi) là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh. Bệnh nhân sẽ không còn sốt cao, nhiều người bệnh cho rằng bệnh đã bớt nguy hiểm và sắp khỏi nhưng chính giai đoạn này có thể có những biến chứng nặng, cần được theo dõi. Nguy hiểm nhất là biến chứng sốc, xuất huyết não, xuất huyết nội tạng...

Vì vậy, khi người bệnh có những biểu hiện sau thì cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị kịp thời: tự nhiên bồn chồn, kích thích vật vã hoặc li bì. Nôn tăng. Tự dưng kêu đau bụng hoặc tăng cảm giác đau. Tiểu ít, số lần đi ít hơn, số lượng giảm hơn. Chảy máu bất kỳ chỗ nào: chân răng, máu cam, nôn ra máu, tiểu ra máu, ra máu âm đạo… Khi đến bệnh viện, bác sĩ sẽ đánh giá thêm 03 dấu hiệu nữa gồm: phù nề, tràn dịch, gan to, tiểu cầu giảm.

Ngoài ra, những yếu tố cơ địa có thể làm cho bệnh diễn biến nặng như phụ nữ mang thai, những người có sẵn các bệnh phổi mãn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, trẻ em bị béo phì, suy dinh dưỡng hay dị tật bẩm sinh… khi bị sốt xuất huyết cần phải đi khám hoặc nhập viện để theo dõi và điều trị.

Trong mùa dịch, số lượng bệnh nhân nằm viện rất đông sẽ gây nên tình trạng quá tải, không đảm bảo vệ sinh, hoặc những điều kiện tốt cho người bệnh và ngay cả những người đi nuôi bệnh cũng có thể sẽ bị mắc bệnh do lây nhiễm chéo. Vì vậy, không phải tất cả bệnh nhân bị sốt xuất huyết đều phải nhập viện.

Hiện nay, sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng. Khi sốt cao, chỉ dùng paracetamol, tổng liều không quá 60mg/kg cân nặng/ngày với người lớn. Tuyệt đối không dùng aspirin, analgin, ibuprofen vì có thể gây xuất huyết, toan máu. Uống nhiều nước oresol, nước hoa quả, nước lọc, lau mát, nghỉ ngơi và theo dõi khi có 5 dấu hiệu trên thì cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế.

Lưu ý, người dân tuyệt đối không nên tự ý truyền dịch khi bị sốt. Nếu cần thiết phải truyền, bác sĩ sẽ có chỉ định với sự theo dõi sát sao của điều dưỡng về tốc độ truyền để tránh nguy cơ gây sốc.

Lời khuyên của thầy thuốc
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc-xin để phòng bệnh và thuốc đặc hiệu để điều trị. Phòng bệnh chủ yếu là kiểm soát được hoạt động của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết như tránh muỗi đốt kể cả ban ngày; diệt bọ gậy muỗi, loăng quăng muỗi và muỗi trưởng thành bằng tất cả các biện pháp hiệu quả, khả thi; đồng thời thường xuyên vệ sinh cảnh quan, môi trường sống để loại bỏ các ổ chứa nước đọng là điểm sinh sản của muỗi ở trong nhà và ngoài nhà.
Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Trong 3-4 ngày đầu, bệnh nhân có thể điều trị ngoại trú tại nhà, ăn lỏng dễ tiêu, uống nhiều nước (nước oresol hoặc sữa, nước hoa quả…); uống thuốc hạ sốt khi sốt cao trên 38,5℃.
Bệnh nhân tái khám theo hẹn, và nhập viện điều trị khi bệnh nhân có các dấu hiệu cảnh báo hoặc theo tiên lượng của bác sỹ để đề phòng có những biến chứng.
Bệnh nhân được xuất viện khi hết sốt trong vòng 2 ngày, tỉnh táo; mạch, huyết áp bình thường; số lượng tiểu cầu máu > 50G/L.

 


BS. NGUYỄN THỊ THU
Ý kiến của bạn