Ca nhiễm COVID-19 mới tăng cao thử thách hệ thống y tế châu Âu

26-10-2020 11:45 | Quốc tế
google news

SKĐS - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến nguy cấp ở Bắc bán cầu, có quá nhiều nước số ca nhiễm tăng theo cấp số nhân, các bệnh viện, cơ sở y tế hoạt động quá tải hoặc gần hết công suất...

Dịch bệnh nghiêm trọng hơn

Báo chí châu Âu đặc kín các hàng tít  mô tả diễn biến dịch bệnh COVID-19  hiện nay ở châu lục già này như “tăng sốc”, “nghiêm trọng”, “chưa từng có” hay  “COVID-19  lây lan nhanh hơn đợt bùng phát mùa xuân”, “số ca nhiễm tăng kỷ lục”... Tới thời điểm này, trên toàn thế giới, dịch bệnh COVID-19 đã khiến hơn 43 triệu người mắc bệnh, hơn 1 triệu người tử vong, châu Âu tiếp tục đối mặt với đợt bùng phát dịch mới mạnh hơn vào mùa đông và kéo dài đến mùa hè năm sau.

Tây Ban Nha, Pháp đồng loạt vượt 1 triệu ca nhiễm COVID-19, toàn bộ các nước thành viên EU, ngoại trừ Cyprus, Estonia, Phần Lan và Hy Lạp, đều có mức độ lây lan dịch bệnh “đáng báo động”. Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC),  CH Czech là nước bị ảnh hưởng nặng nhất ở châu Âu, vừa trải qua ngày có số ca nhiễm bệnh cao nhất từ trước tới nay với hơn 15.000 trường hợp mắc mới, 126 ca tử vong. Trong 24 giờ, Pháp đã xác lập kỷ lục với hơn 42.000 người mắc mới dù một phần đất nước đã bị phong tỏa.

Theo phân tích của hãng tin CNN dựa trên dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, 5 quốc gia có tỉ lệ lây nhiễm cao nhất trên thế giới đều thuộc về châu Âu như CH Czech, Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ, Pháp. Đây là 5 quốc gia có số ca nhiễm mới tăng mạnh từ đầu tháng 10 tới nay. Tỉ lệ tử vong trong 14 ngày ở EU lên 17,4/1 triệu dân.  Mùa đông châu Âu mới “gõ cửa” nhưng dường như dịch bệnh “tấn công” nhanh hơn dự đoán. Theo dự báo, khi số người được xác định  mắc bệnh, nhập viện tăng, số người tử vong thường tăng sau đó vài tuần.

Thủ tướng CH Czech A.Babis cho biết, nếu không có biện pháp hạn chế ngay lập tức, hệ thống y tế của Cezch sẽ sụp đổ trong khoảng thời gian từ ngày 7-11/11. Quốc gia này bắt đầu xây dựng thêm các bệnh viện dã chiến. Còn tại Montlegia - nơi bị ảnh hưởng nặng nhất ở Bỉ, các bác sĩ, y tá có kết quả xét nghiệm dương tính không có triệu chứng được yêu cầu làm việc do thiếu nhân viên y tế. Tỉ lệ lây nhiễm ở Bỉ chỉ xếp sau Czech trong EU, cao gấp 5 lần so với Mỹ. Hạ tầng y tế ở Bỉ đang bị quá tải, không thể xét nghiệm cho những người không có triệu chứng. Bộ trưởng Y tế vùng nói tiếng Pháp của Bỉ Christie Morreale cho biết, tình hình nghiêm trọng hơn so với tháng 4. Các báo cáo từ một số bệnh viện tại Ba Lan cho thấy, ở các bệnh viện không còn chỗ cho bệnh nhân COVID-19, bệnh nhân chỉ được nhập viện khi bệnh đã nặng, nhiều khả năng tử vong...

Dịch COVID-19 đang tạo gánh nặng lớn cho hệ thống y tế châu Âu.

Dịch COVID-19 đang tạo gánh nặng lớn cho hệ thống y tế châu Âu.

Châu Âu lao vào hỗ trợ hệ thống y tế

Trước diễn biến nghiêm trọng của dịch bệnh, hệ thống y tế của EU bị ảnh hưởng, thậm chí ngành y tế CH Czech có nguy cơ bị sụp đổ. Mặc dù Czech là một trong những nước có tỉ lệ giường bệnh cao nhất ở EU với 6,6 giường/1.000 dân nhưng số ca nhập viện cần điều trị tăng quá nhanh, nguy cơ thiếu giường điều trị, trang thiết bị y tế tăng cao, số nhân viên y tế nhiễm COVID-19 lên tới hàng nghìn người...  Chính phủ Czech đã phải cầu cứu sự hỗ trợ từ EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) 150 máy thở. Họ kêu gọi bất cứ ai được đào tạo về y tế, kể cả những người đã bỏ nghề hoặc đang làm việc ở nước ngoài trở lại quê hương, giúp đỡ đất nước trong bối cảnh quốc gia Trung Âu này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sức khỏe tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại. Ngay lập tức, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, sẽ gửi 30 máy thở từ kho dự trữ y tế EU cho Czech, Áo gửi 15 máy, Hà Lan 105 máy, ngoài ra Áo còn gửi 30 thiết bị thở ôxy cao áp. Hiện có khoảng 300 bác sĩ đến từ các quốc gia EU và thành viên NATO tới Czech trong  90 ngày để hỗ trợ nước này chống dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, EU còn hỗ trợ 620.000 khẩu trang, 50.000 áo bảo hộ từ kho dự trữ của mình cho 22 quốc gia trong khu vực đang có nhu cầu khẩn cấp để phòng chống dịch. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nhận định, trong vài tuần đến vài tháng nữa, dịch bệnh sẽ nghiêm trọng hơn, đặt ra nhiều thử thách cho hệ thống y tế.


Trần Hải
Ý kiến của bạn