Hà Nội

Ca mổ nhớ đời ở Trường Sa

19-12-2015 01:47 | Y tế
google news

SKĐS - Sau hai đêm một ngày dán lưng vào sàn tàu cùng cảm giác bồng bềnh, lắc lư, cuối cùng tôi cũng được mọi người báo tin vui đã đến đảo Trường Sa Lớn và chuẩn bị lên đảo.

Sau hai đêm một ngày dán lưng vào sàn tàu cùng cảm giác bồng bềnh, lắc lư, cuối cùng tôi cũng được mọi người báo tin vui đã đến đảo Trường Sa Lớn và chuẩn bị lên đảo. Hầu như tất cả mọi người trên đảo ra đón tàu. Tôi lên đảo trong vòng tay của đồng đội, với những nụ cười, ánh mắt, những lời thăm hỏi như đón một người thân thiết nhất trở về sau những ngày xa cách.

Được đi công tác tại quần đảo Trường Sa là trách nhiệm và cũng là niềm vinh dự lớn đối với chúng tôi. Biết là sẽ khó khăn, thiếu thốn và phải làm việc hết sức độc lập nên trước khi ra đảo tôi chuẩn bị rất kỹ những kiến thức và thực hành các cấp cứu ngoại khoa, đặc biệt là xử lý các trường hợp ngoại khoa bụng, điều trị nội khoa tổng quát... Ngoài ra, tôi còn mang đến cả tạ sách về chuyên môn ra đảo để đọc thêm bổ sung kiến thức cho mình.

Khám cho bệnh nhân ở đảo Sinh Tồn.

Nhiệm vụ của tổ quân y chúng tôi trên đảo lúc đó là: kiểm tra, đôn đốc tham mưu cho lãnh đạo đảo về công tác vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, vỏ hộp, phòng ngừa không để dịch bệnh xảy ra; quản lý tốt nguồn nước ngọt để khống chế không cho muỗi phát triển; quản lý tốt nguồn thức ăn thừa để khống chế ruồi; phun thuốc diệt ruồi, muỗi, gián hàng tháng... Về công tác điều trị, thu dung, xử lý, khám điều trị tất cả các trường hợp cấp cứu, bệnh lý thông thường trong toàn đảo, các tàu quân sự, tàu cá của ta hoạt động quanh khu vực đảo Trường Sa; cấp cứu các trường hợp bệnh nhân nặng chuyển từ các đảo nhỏ và các nhà dàn DK xung quanh đến hoặc từ các nhà dân đến và huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo về kỹ thuật cấp cứu, nếp sống vệ sinh khoa học, các chuyên đề về HIV/AIDS, tác hại của thuốc lá, ngộ độc cá nóc, xuất huyết Dengue...

Tổ quân y đảo Trường Sa Lớn lúc đó được biên chế một bác sĩ (là tôi), hai y sĩ và một y tá. Về xây dựng thì khá chính quy gồm hai phòng bệnh (mỗi phòng 6 giường), một phòng mổ, một kho thuốc, một phòng điều trị, phòng ở cho nhân viên... nhưng về trang thiết bị phục vụ cho chẩn đoán và điều trị thì vô cùng thiếu thốn, chỉ đơn giản là hai bộ tiểu phẫu và một bộ trung phẫu. Đối với các bệnh như cảm cúm, hắt hơi, sổ mũi, thậm chí là các ca tiểu phẫu hay phẫu thuật viêm ruột thừa thì không có vấn đề gì.

Trong điều kiện vô cùng thiếu thốn ấy, tôi không thể nào quên được ca mổ cấp cứu cho bệnh nhân Nguyễn Đình Thiện, nhân viên Công ty dịch vụ hàng hải Việt Nam bị viêm tụy cấp hoại tử. Đây là trường hợp rất nguy hiểm. Đứng trước tình thế nếu chuyển vào đất liền thì không kịp, bệnh nhân sẽ chết trên đường đi, nhưng nếu mổ bệnh nhân có thể sống nhưng cũng có thể tử vong vì điều kiện về cơ sở vật chất, về thuốc, về trang thiết bị ở đây không đảm bảo cho một cuộc đại phẫu. Cân nhắc một hồi và cuối cùng tôi quyết định mổ nhưng vô cùng lo lắng nếu không thành công. Sau khi thực hiện những việc cần làm trong một cuộc mổ xử lý viêm tụy cấp hoại tử, chúng tôi gặp khó khăn lớn khi đóng ổ bụng bệnh nhân. Trong khi các quai ruột giãn lớn chứa đầy hơi và dịch mà thành bụng lại cứng như gỗ do gây mê đường tĩnh mạch bằng ketamine trên bệnh nhân thể trạng mập, tôi đã làm mọi cách mà không thể đóng được ổ bụng của bệnh nhân. Lúc này có thể khẳng định 99% bệnh nhân có thể tử vong. Tôi loay hoay với 1% hy vọng còn lại. Nếu như ở trong đất liền thì sự việc này với tôi thật đơn giản: chỉ cần gây mê nội khí quản, dùng thở máy, dùng thuốc giãn cơ, cơ bụng bệnh nhân sẽ mềm và tiến hành đóng bụng một cách dễ dàng. Nếu có khó khăn gì đã có sự giúp đỡ của đồng nghiệp, nhưng ở đây giữa đại dương mênh mông chỉ có một mình tôi là bác sĩ, không có máy thở nên tôi không dám dùng thuốc giãn cơ ngay từ đầu, vì nếu dùng bệnh nhân sẽ có nguy cơ tử vong do suy hô hấp. Đầu tôi căng ra và huy động tất cả những gì có thể làm để cứu sống người bệnh. Thế rồi sau một hồi dài kiên trì dùng bơm tiêm hút dịch và hơi ở từng quai ruột (mặc dù làm như vậy rất dễ gây nhiễm trùng và nguy hiểm nhưng trong trường hợp bất khả kháng này tôi vẫn phải làm) và may mắn đã đến, cuối cùng các quai ruột cũng xẹp đi một phần và tôi đã cố gắng đóng được ổ bụng vào. Đến khi bệnh nhân tỉnh tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Niềm hạnh phúc dâng trào và tôi không thể ngờ rằng mình đã thành công một ca đại phẫu trong điều kiện vô cùng khó khăn và thiếu thốn: không có bác sĩ phụ mổ, gây mê; không máy thở, điện tim, không ôxy, không nội khí quản và không có cả thiết bị mổ đại phẫu... Hai ngày sau đó, bệnh nhân được chuyển bằng máy bay vào đất liền điều trị tiếp. Sau lần mổ ca đại phẫu ấy vì quá căng thẳng và lo lắng nên tôi đã bị ốm và trầm cảm mất một thời gian...

Bây giờ tôi đã trở về đất liền làm việc. Nhưng khi được hỏi ấn tượng nhất của những chuyến công tác tại đảo là gì? Tôi có thể nói ngay rằng, đó là tình đồng đội, đồng chí. Từ đảo trưởng tới chiến sĩ sống thật thân thiện và gắn bó, đoàn kết tạo thành một sức mạnh cùng nhau vượt qua những khó khăn của cuộc sống, những khắc nghiệt của biển cả để hoàn thành tốt nhiệm vụ nơi đầu sóng, ngọn gió này. Với tôi, niềm hạnh phúc lớn nhất còn là cảm giác thành công sau mỗi ca phẫu thuật trong điều kiện cực kỳ khó khăn và thiếu thốn ấy.


BS. Ngọc San
Ý kiến của bạn