Thai phụ tên là N.T.T.P. 30 tuổi quê Phú Yên, mang thai 19 tuần thì phát hiện thai nhi có bướu hạch bạch huyết dưới cằm. Khối bướu chèn ép đường thở nên em bé nguy cơ không thở được sau khi cắt dây rốn chào đời. Các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ đã theo dõi sát tình hình thai phụ. Khi thai đủ 38 tuần, bác sĩ lên kế hoạch mổ bắt con phối hợp hai chuyên khoa sản - nhi, đảm bảo an toàn.
Ngày 21/1, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ đã phối hợp cho ca mổ và đón một bé gái nặng 3,4 kg chào đời. Theo các bác sĩ, dị tật này trước đây thường dẫn đến phương án hủy thai, tuy nhiên, các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ quyết định áp dụng kỹ thuật EXIT để giữ con lại cho chị N.T.T.P. Kỹ thuật EXIT được gọi nôm na là điều trị ngoài tử cung trước khi chuyển dạ sinh, được áp dụng thành công ở Mỹ, Anh, Tây Ban Nha từ năm 2013.
Đây là lần đầu tiên kỹ thuật này được áp dụng để cứu thai nhi bị khối bướu chèn đường thở. Tại thời điểm phẫu thuật, khối bướu bạch huyết của thai nhi đã phát triển dài khoảng 10 cm. Khối bướu phát triển lan vào khoang cảnh, khoang sau hầu, khoang cổ sau, khoang dưới hàm, khoang dưới lưỡi bên trái. Khối bướu cũng đẩy lệch khí quản sang phải khiến các bác sĩ không quan sát được khí quản vùng hầu họng.
Ca mổ bắt con và đặt ống nội khí quản cho sản phụ N.T.T.P. tại BV Từ Dũ.
Theo Bác sĩ Phan Thanh Bình, Khoa Chăm sóc trước sinh, Bệnh viện Từ Dũ, thông thường sản phụ khi sinh xong, bác sĩ phải nhanh chóng bóc nhau hoặc sau 3-5 phút nhau sẽ tự bong. Thời gian bong nhau càng lâu, khả năng bà mẹ chảy máu càng nhiều, nguy cơ mất tử cung, thậm chí tử vong càng lớn.
BS Bình nhấn mạnh: Khó khăn đặt ra là sau mổ lấy thai, bằng mọi cách phải làm sao cho nhau đừng bong, nhau bám chặt trong tử cung càng lâu càng tốt để bác sĩ nhi khoa đủ thời gian thông đường thở cho em bé rồi mới có thể kẹp cắt dây rốn. Khi nhau bong, quá trình cung cấp oxy giữa mẹ và bé bị chấm dứt, em bé sẽ tử vong nếu không thở hoặc được hỗ trợ hô hấp kịp thời.
Sau khi mổ bắt em bé ra ngoài, em bé với khối bướu to vùng cổ, được đặt trên bụng mẹ và được đặt ống nội khí quản ngay lập tức. Sự phối hợp giữa hai chuyên khoa sản nhi diễn ra nhịp nhàng, khớp từng phút. Mất 8 phút để đặt ống nội khí quản (trong khi thời gian trung bình để đặt là 1,5 phút). 2 phút sau đó, nhau thai bong ra. Như vậy, các bác sĩ sản khoa đã kéo dài thời gian bong nhau thai lên đến 10 phút, trong khi bình thường sau khi sinh từ 3-5 phút, nhau thai phải bong ra ngoài.
Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết với kỹ thuật EXIT được áp dụng thành công, sẽ giữ lại được nhiều thai nhi bị một số dị tật. Sau khi sinh, các bác sĩ sẽ sửa chữa dị tật cho các bé và có thể các bé sẽ phát triển như bình thường sau này.
Việc phối hợp sản nhi dự kiến sẽ được mở rộng quy mô. "Với trình độ sản nhi hiện nay, nhiều dị tật sửa chữa được, bé sẽ trở thành người bình thường nên thai phụ cần cân nhắc trước quyết định bỏ thai. Việc bỏ thai có thể dẫn đến tai biến mất tử cung, tử vong mẹ", bác sĩ Nhi khuyến cáo.