Cà Mau đưa ra nhiều quyết sách khống chế mức sinh thấp

26-11-2021 06:00 | Xã hội

SKĐS - Trước thực trạng mức sinh thấp, Cà Mau đưa ra các quyết sách nhằm khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh ở mức cân bằng tự nhiên.

Xếp thứ 12 trong 21 tỉnh có mức sinh thấp, với tỉ suất sinh bình quân của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có 1,8 con, thời gian qua, công tác Dân số – Kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Cà Mau được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm,triển khai nhiều chủ trương, chính sách, qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, vấn đề mức sinh thấp và già hóa dân số đang là thách thức cần được quan tâm.

Theo thông tin từ Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và là nước có tốc độ già hóa dân số thuộc vào hàng nhanh nhất thế giới với tỷ lệ người cao tuổi chiếm khoảng 14%.

Cà Mau đưa ra nhiều quyết sách khống chế mức sinh thấp  - Ảnh 1.

Tại Cà Mau theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, năm 2020 số người cao tuổi trên địa bàn tỉnh đã chiếm trên 12%. Cùng với xu hướng này, Cà Mau cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do cơ cấu dân số ngày càng già hơn.

Ông Huỳnh Văn Tám, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Cà Mau cho biết "Tỷ lệ sinh ở Cà Mau hiện nay ở mức 1,9 là ở mức thấp, chủ trương hiện nay là khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, nhưng thật sự do nhiều điều kiện khác nhau như về kinh tế gia đình họ rất ngại sinh, chỉ sinh một con. Chính vì vậy, ngành Dân số đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân sinh đủ 2 con để đảm bảo mức sinh thay thế trong thời gian tới".

Năm 2020 tỷ số giới tính khi sinh ở tỉnh Cà Mau là 113,5 bé trai/100 bé gái. Kết quả cho thấy, mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh tại tỉnh ta đang ở mức báo động, hầu hết các huyện số lượng trẻ sinh ra là nam cao hơn so với nữ. Như vậy, nếu xu hướng này tiếp tục tăng nhanh và không trở lại mức bình thường ở 107 bé trai trên 100 bé gái, nó sẽ tác động đáng kể tới cơ cấu dân số.

Ông Tám cũng cho biết thêm: "Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến các xã, phường, thị trấn. Đồng thời, phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội có nhiều chính sách hỗ trợ phù hợp cho người cao tuổi. Chúng tôi đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về ổn định quy mô dân số, duy trì vững chắc mức sinh thay thế; giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, để góp phần phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương".

Mức sinh thấp kéo dài cũng để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Tuy nhiên, dân số già hóa không có nghĩa hoàn toàn là gánh nặng mà đây cũng là cơ hội lớn cho các ngành kinh tế dịch vụ cho người cao tuổi, nhiều cơ hội kinh doanh phục vụ nhóm người cao tuổi sẽ xuất hiện. Đặc biệt, điều quan trọng là chúng ta đưa ra được giải pháp phù hợp để thích ứng và tận dụng tối đa cơ hội dân số già hóa.

Nhằm khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh ở mức cân bằng tự nhiên. Kiểm soát có hiệu quả tỷ số giới tính khi sinh hằng năm ở mức thấp nhất, tiến tới đưa tỷ số này ở mức 105 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái vào năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký ban hành Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, mục tiêu cụ thể của Đề án là tiếp tục duy trì hoạt động kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tại 9 huyện, thành phố và 101 xã, phường, thị trấn.

Tỷ lệ cán bộ, nhân viên của các cơ sở y tế có thực hiện kỹ thuật siêu âm, xét nghiệm; phá thai được cung cấp thông tin, kiến thức về giới và giới tính khi sinh đạt 95%.

Tỷ lệ cán bộ chuyên trách dân số, cán bộ y tế xã, cộng tác viên dân số, y tế ấp, khóm được cung cấp thông tin, kiến thức về giới và giới tính khi sinh đạt 95%.

Tỷ lệ các cặp nam/nữ trước khi kết hôn hàng năm được tuyên truyền, tư vấn về giới và giới tính khi sinh đạt 97%.

Tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã có 2 con là gái được tuyên truyền, tư vấn về giới và giới tính khi sinh đạt 97%. Tỷ lệ thai phụ được tuyên truyền, tư vấn về giới và giới tính khi sinh đạt 95%.

Ngoài ra, tỷ lệ xã, phường, thị trấn tổ chức các hoạt động phổ biến pháp luật liên quan đến giới tính khi sinh đạt 100%. Tỷ lệ hành vi vi phạm về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi được xử lý đạt 100%.

Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh sản từ 15 - 49 tuổi được khám, tư vấn và theo dõi về sức khỏe sinh sản đạt 95%. Tỷ lệ xã có chương trình hỗ trợ trẻ em gái học giỏi (học bổng hoặc hình thức khác) của những gia đình nghèo có 02 con gái đăng ký không sinh thêm đạt 70%.

Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi lao động chỉ có 01 hoặc 02 con (là gái) được hỗ trợ phát triển kinh tế (với những phụ nữ 18 - 49 tuổi phải đăng ký không sinh thêm con) đạt 50% (vay vốn ưu tiên từ ngân hàng chính sách).

Để thực hiện đạt mục tiêu trên, UBND các huyện, thành phố Cà Mau phải xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, ban hành các văn bản quy định về công tác kiểm soát có hiệu quả tỷ số giới tính khi sinh hằng năm ở mức thấp nhất, tiến tới đưa tỷ số này ở mức 105 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái vào năm 2025.


T.H
Ý kiến của bạn