Cá mập cần cho đại dương
Cá mập có mặt trên trái đất cách đây khoảng 400 triệu năm. Với chừng 350 chi loài, với kích cỡ khác nhau xa, có loại năng không quá 200g nhưng lại có loại khối lượng đồ sộ: cỡ 20 tấn. Thời gian sống của cá mập kéo dài khoảng từ 30-35 năm.
Cá mập mệnh danh "sát thủ của đại dương", tuy vậy, nó được coi là sinh vật dọn dẹp, góp phần cân bằng sinh thái nơi biển cả, vì nó săn lùng và tiêu diệt những sinh vật già yếu, bệnh hoạn chốn nước sâu bao la.
Cá mập trong thực phẩm và vật dụng
Không phải chỉ riêng vì thịt cá, dù thịt cá mập trắng ngon và bổ, mà hầu hết các bộ phận của cá đều hữu ích. Da cá mập được ưa chuộng trong công nghiệp thuộc da do chất lượng rất tốt, dùng làm những sản phẩm thời trang loại "xịn" như ví, túi xách, thắt lưng. Đặc biệt màng da cá mập rất cần trong công nghệ làm dạ mũ phớt. Dầu gan cá giàu đạm, mỡ và chứa nhiều vitamin (vitamin A) nên là nguồn nguyên liệu quý của công nghệ dược phẩm. Xương và răng có thể chế tạo thành những món đồ trang sức hay lưu niệm có giá trị.
Quý nhất là vi (vây) cá mập. Nó hoàn toàn là chất sụn, 100g vi cá chứa 89% chất đạm (cao nhất trong các thực phẩm giàu đạm), 0,1% bột đường, chất béo, một ít muối khoáng. Chất đạm ở vi cá mập chứa phần lớn các acid amin, tạo nên sự dẻo dai, hoạt động không biết mệt mỏi. Vi cá được gọi là món thực phẩm - dược phẩm, vừa bổ dưỡng vừa có tác dụng đặc biệt. Vi cá được chế biến khá cầu kỳ và thường được dùng dưới dạng súp kết hợp với các thực phẩm khác như: cua, thịt gà, hải sâm kèm thêm các vị thuốc đặc hiệu. Giá vi cá rất đắt, 1kg loại kém là 200 euro, loại tốt giá tới 15.000 euro. Vi cá được coi là món ăn quý, được người dân các nước Trung Hoa (đặc biệt là Hồng Kông), Nhật Bản rất ưa chuộng dù rất đắt (một chén súp vi cá mập, tùy loại, có giá từ 15-100 euro). Ước tính hàng năm có khoảng 100 triệu chiếc vi cá được tiêu thụ trên thế giới.
Cá mập và thuốc
Các nhà nghiên cứu Mỹ vừa tách được chất Squalanium từ dạ dày cá mập. Qua thử nghiệm chất này có hoạt tính chống lại các nấm độc, vi khuẩn và các sinh vật đơn bào, làm giảm độ pH của những tế bào nhiễm bệnh khiến cho chúng bị hủy diệt. Hy vọng Squalanium sẽ là một kháng sinh hữu ích, có thể dùng làm thuốc chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục (trong đó có cả HIV/AIDS)...
Vào năm 1983, khi nhà sinh hóa - dinh dưỡng học William Lane ở New Jersey thấy tạp chí Science đưa tin sụn cá mập có khả năng ức chế quá trình hình thành mạch máu mới, do đó kìm hãm quá trình phát triển của khối ung thư. Ông dành 3 năm nghiên cứu: cho chuột bị ung thư da ăn bột sụn cá mập và thấy kích thước khối u thực sự giảm được 40%. Sau đó, ông kết hợp với một trung tâm nghiên cứu bệnh này tại Mexico và tiếp tục hợp tác với một số bác sĩ Cuba vào năm 1992 sử dụng sụn cá mập điều trị cho một số bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối qua 3 năm rưỡi, đạt được 50% số bệnh nhân khỏi bệnh (14/29 bệnh nhân). William Lane viết cuốn sách Cá mập tấn công ung thư, phát hành toàn thế giới và sách thuộc loại bán chạy. Từ đó đã khai sinh một nền công nghiệp "sụn cá mập", có trị giá hàng trăm triệu đô-la, tuy gặp sự chống đối dữ dội của các nhà bảo vệ môi sinh trước sự săn lùng cá mập bùng nổ ở mọi vùng biển.
Việc sụn cá mập có chữa trị được ung thư hay không còn là vấn đề tranh luận dài vì nhiều nhà khoa học chưa nhất trí, trong đó có nhóm nghiên cứu do bác sĩ Judah Folkman chủ trì (thuộc Đại học Harvard-Mỹ). Ông đã dành khoảng gần 30 năm (từ giữa thập niên 1960 đến thập nên 1990) để nghiên cứu phân lập hơn 20 tác nhân tác động đến tiến trình hình thành mạch máu mới (ngăn ngừa sự phát triển và dẫn đến làm chết khối u) trong đó có cả sụn cá mập, nhưng tác dụng vẫn chưa rõ rệt. Ông nhận định: "Dù các hoạt chất trong sụn chịu được chất acid trong dạ dày (khi uống) nhưng chúng vẫn có kích thước quá lớn nên khó thâm nhập vào mạch máu. Và muốn có tác dụng có lẽ phải dùng hàng kg sụn mỗi ngày, hy vọng mới tạo được phản ứng đáng kể". Ông cho rằng, các công trình nghiên cứu của William Lane ở Mexico và Cuba chưa được giám định nên cũng chưa đủ tin cậy. Còn tác giả, cùng nghiên cứu với W.Lane ở Viện Jukes Bordet về vấn đề sụn là Gamen Atasi lại đưa ra nhận xét: Sụn các mập có làm giảm 40% kích thước khối u ở vật thí nghiệm nhưng sau đó khối u tiếp tục tăng trưởng trở lại(!).
Trong sụn vi các mập có chứa chất chondroitin, chất này có tác dụng ức chế các men phá hủy chất sụn trong khớp, kích hoạt các men xúc tác cho quá trình tổng hợp chất acid hyaberonic - là chất rất cần thiết cho các khớp hoạt động tốt thường được dùng dưới dạng natri chodroitin sulfat (NachS), dùng bổ trợ chứng đau do hư khớp.
Vi cá mập.
DS. Phạm Tiếp