Hiện nay đang là thời điểm căn bệnh tay chân miệng (TCM) ở trẻ em có nguy cơ gia tăng, có thể bùng phát thành dịch. Trẻ dễ bị nhiễm bệnh nếu tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các nốt phỏng, phân, chất nôn của người bệnh.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh cộng dồn từ đầu năm đến tuần 39, thành phố ghi nhận 6.358 ca TCM. Hiện chưa ghi nhận ca tử vong do mắc TCM. Tính riêng trong tuần 39, ghi nhận 640 ca bệnh - là số ca bệnh cao nhất trong tất cả các tuần tính từ đầu năm đến nay và tăng hơn 50% so với những tuần trước đó. Số ca bệnh trong tuần tăng tại 19/24 quận, huyện, trong đó có 4 quận, huyện ở mức độ cảnh báo gồm quận 9, quận 12, quận Tân Phú và huyện Bình Chánh. Đây là số liệu đáng báo động và cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh để dịch không lây lan trên diện rộng.
Tại Đăk Lăk, từ đầu năm đến nay, địa phương này ghi nhận 666 trường hợp mắc TCM, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2019. Số ca bệnh xuất hiện tại nhiều địa phương trong tỉnh, trong đó tập trung nhiều tại các huyện: Cư M'gar (tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ), Buôn Đôn, Krông Pắc (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ).
Theo BS. Lê Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đăk Lăk, sở dĩ số ca bệnh TCM tăng mạnh trong những ngày qua là do thời tiết chuyển mùa, thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm học sinh bước vào năm học mới nên bệnh dễ lây lan. Bởi bệnh TCM là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là lứa tuổi mẫu giáo, nếu không đảm bảo công tác vệ sinh thì khả năng lây nhiễm bệnh là khó tránh khỏi.
Dấu hiệu của bệnh TCM
Triệu chứng bắt đầu xuất hiện sau khi nhiễm virus từ 3-6 ngày. Biểu hiện sớm nhất của bệnh TCM là mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, sổ mũi diễn ra trong vài ngày, sau đó, bệnh sang giai đoạn toàn phát. Đầu tiên là sự xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, thường là ở mặt trong má, lợi, mặt bên của lưỡi; các mụn nước có kích thước nhỏ nằm trên nền niêm mạc viêm đỏ. Các mụn nước trong miệng thường dập vỡ rất nhanh tạo ra các vết trợt loét rất đau rát làm bệnh nhân khó ăn uống. Tiếp theo, xuất hiện các mụn nước, bọng nước ở bàn chân, bàn tay hoặc có thể ở mông, gối.
Biểu hiện bệnh tay chân miệng ở trẻ.
Cách chăm sóc trẻ mắc TCM
Khi có các dấu hiệu của bệnh, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và tư vấn cụ thể cách chăm sóc trẻ, tránh biến chứng nặng. Với những trẻ bị TCM thể nhẹ, sau khi đi khám, có thể chăm sóc và theo dõi tại nhà như sau:
Trẻ bị bệnh rất mệt mỏi và các vết loét ở miệng làm trẻ rất đau, khó ăn uống nên cho trẻ ăn thành nhiều bữa, uống nhiều nước mát. Thức ăn cần chế biến mềm, lỏng, dễ tiêu hóa và đủ dinh dưỡng. Không cho trẻ ngậm vú nhựa, ăn thức ăn thô cứng, đặc biệt là các loại thức ăn, đồ uống có vị chua, cay vì sẽ làm trẻ đau miệng và họng hơn. Cần cho trẻ uống nhiều nước hơn khi trẻ bị sốt, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Cách ly trẻ bị bệnh với các trẻ khác trong nhà. Người lớn khi tiếp xúc, chăm sóc trẻ bệnh nên mang khẩu trang y tế cho mình và trẻ bệnh. Sau khi tiếp xúc, nên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch ngay để hạn chế sự lây lan khi tiếp xúc hoặc chăm sóc trẻ lành.
Tắm rửa, vệ sinh nhẹ nhàng thân thể cho trẻ hằng ngày bằng nước sạch để tránh nhiễm khuẩn và cho trẻ súc miệng bằng nước muối loãng nếu trẻ làm được.
Quần áo, tã lót của trẻ bệnh nên được ngâm dung dịch sát khuẩn như cloraminB 2% hoặc luộc nước sôi trước khi giặt sạch bằng xà phòng và nước sạch.
Vật dụng ăn uống của trẻ như bình sữa, cốc uống nước, bát ăn cơm, muỗng ăn... nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt cho từng trẻ.
Ngoài việc chăm sóc tốt cho trẻ khi bị bệnh, cha mẹ cần theo dõi sát tình trạng bệnh của trẻ để phát hiện kịp thời khi có các dấu hiệu bất thường. Khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau: sốt cao 39oC trở lên hoặc sốt cao kéo dài; quấy khóc, bứt rứt, nôn nhiều; ngủ lịm, dễ giật mình, hoảng hốt, run tay chân, chới với, đi loạng choạng, mạch nhanh, thở khó/ thở nhanh, da nổi vằn..., phải đưa trẻ nhập viện ngay.