Số trẻ phải nhập viện vì sốt xuất huyết gần đây tại TP HCM rất lớn. Theo thống kê, tổng số ca mắc tăng gấp 1,5 – 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Đa số trẻ được phát hiện và đưa tới bệnh viện trong tình trạng nặng, nguy kịch, có trường hợp ngưng thở trước khi nhập viện. Theo đánh giá, sốt xuất huyết tại TP.HCM lan rộng do tình tình thời tiết thất thường, mùa mưa tới sớm.
Trẻ bị sốt xuất huyết được phát hiện muộn
PGS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) chia sẻ, "năm nay mùa mưa đến sớm và theo chu kỳ 3-4 năm thì bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng và năm nay "rơi đúng" chu kỳ này nên người dân cần phải cảnh giác".
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, sốt xuất huyết là bệnh lưu hành hằng năm. Giai đoạn cao điểm của bệnh từ cuối tháng 7 đến hết tháng 1 năm sau - thời điểm thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, tạo điều kiện bùng dịch sốt xuất huyết Dengue. Tuy nhiên thực tế thời điểm hiện nay đã có nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết, với nhiều ca bệnh nặng, thậm chí có ca tử vong.
Mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 quá lớn, khiến cho người dân quên đi bên cạnh COVID-19 vẫn còn những căn bệnh phổ biến và nguy hiểm khác có thể bùng lên bất cứ lúc nào. Cùng với đó là tâm lý sợ COVID-19 khiến cho nhiều phụ huynh e ngại, không đưa trẻ tới bệnh viện thăm khám.
Triệu chứng đầu tiên để nhận biết bệnh sốt xuất huyết là sốt cao liên tục 2-7 ngày kèm các dấu hiệu như chấm xuất huyết, chảy máu răng, máu mũi, vết bầm, xuất huyết âm đạo (trẻ gái ở tuổi dậy thì)... Bệnh thường trở nặng vào ngày thứ 4 đến thứ 6 của bệnh với biểu hiện trụy tim mạch (tay chân lạnh, mạch nhẹ, khó bắt) và ít kèm các triệu chứng hô hấp (ho, sổ mũi) và tiêu chảy.
Những triệu chứng đầu tiên của bệnh sốt xuất huyết khá tương đồng với một số bệnh nhiễm siêu vi khác. Đặc biệt ở giai đoạn khởi phát của bệnh có khi giống với COVID-19 nên nhiều người dễ bỏ sót, lầm tưởng và có hướng điều trị sai. "Thực tế có những trường hợp gia đình tự điều trị, không phát hiện sớm bệnh cảnh nên khi trẻ được đưa đến bệnh viện đã ở giai đoạn muộn. Khi đó việc hồi sức ở những trẻ này rất phức tạp, tỉ lệ tử vong cao và có thể để lại di chứng cho trẻ sau này nếu vượt qua được", PGS Quang chia sẻ.
Số ca mắc sốt xuất huyết ở trẻ tăng cao đột biến
PGS Quang cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2022 số ca sốt xuất huyết đến khám và nhập viện Nhi đồng 1 tăng gấp 1,5 - 2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, trong hai tuần đầu tháng 4, khoa hồi sức tích cực - chống độc đã điều trị gần 10 ca sốc sốt xuất huyết nặng, tổn thương các cơ quan. Có ca ngưng thở, ngưng tim trước nhập viện.
"Từ Tết Nguyên đán đến nay, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 - 150 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, trong số này có 10% trẻ phải nhập viện điều trị. Hiện khoa nhiễm của bệnh viện đang điều trị khoảng 50 - 60 trẻ mắc sốt xuất huyết. Trong đó có trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết nặng, thậm chí có trẻ vừa mắc sốt xuất huyết nặng vừa mắc COVID-19", ông Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) cho biết.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, phụ huynh không nên chủ quan, tuyệt đối không tự mua thuốc điều trị bệnh cho trẻ. Nếu trẻ sốt cao liên tục từ 3 ngày trở lên thì phụ huynh cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được chẩn đoán và được điều trị kịp thời.
Hiện tại bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc đặc trị. Vậy nên phụ huynh nên cẩn trọng, theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ để phát hiện những triệu chứng đầu tiên của bệnh. Cùng với đó, nên thực hiện các phương pháp diệt muỗi do bệnh sốt xuất huyết lây từ người sang người thông qua muỗi làm vật trung gian truyền bệnh.