Hà Nội

Ca mắc COVID-19 trên địa bàn Bình Dương có diễn biến bất thường?

10-05-2023 09:01 | Y tế
google news

SKĐS - Từ đầu tháng 4 đến nay tỉnh Bình Dương đã ghi nhận 2 ca tử vong do COVID-19, trước tình hình này, ngành y tế Bình Dương đã triển khai các biện pháp phòng chống ra sao? Báo SK&ĐS đã phỏng vấn BS Huỳnh Minh Chín, Phó giám đốc Sở Y tế Bình Dương.

PV: Được biết, ông vừa trực tiếp đi kiểm tra công tác điều trị cũng như các phương án dự phòng điều trị khi có bệnh nhân COVID-19 tăng trên địa bàn Bình Dương, kết quả kiểm tra ra sao?

BS Huỳnh Minh Chín: Ngày 9/5, Sở Y tế Bình Dương đã tổ chức đoàn 3 đoàn kiểm tra, giám sát công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 ở tầng 2 và tầng 3 theo phân tầng điều trị của Bộ Y tế tại 9 Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố trong tỉnh.

Ca mắc COVID-19 trên địa bàn Bình Dương có diễn biến bất thường? - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Minh Chín, Phó giám đốc Sở Y tế Bình Dương

Theo đó, tại các đơn vị giám sát, các thành viên đoàn tiến hành kiểm tra công tác tổ chức tầm soát, cấp cứu, thu dung điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 thuộc tầng 2, tầng 3. Các đoàn cũng kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự đáp ứng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19.

Qua công tác kiểm tra chúng tôi bước đầu đánh giá, các đơn vị đã quan tâm đầu tư trang thiết bị y tế phục vụ điều trị bệnh nhân ở tầng 2, tầng 3 (nếu có).

Tính từ đầu năm 2023, tỉnh Bình Dương ghi nhận 762 ca mắc COVID-19 và 02 ca tử vong

Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn đến công tác nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, chú trọng dinh dưỡng cho người bệnh. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, mỗi đơn vị cần xây dựng phương án bảo vệ nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao, dễ diễn biến nặng, như: Phụ nữ có thai, người cao tuổi, người mắc bệnh nền...

Sở Y tế Bình Dương nhấn mạnh rằng, đây là công tác kiểm tra thường niên nhằm xác định khả năng ứng phó của hệ điều trị thuộc ngành y tế nếu không may có những diễn biến bất thường về số ca mắc tăng đột biến.

Và hiện nay, bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang ở trong tầm kiểm soát.

PV: Từ ngày 9/5/2023, ngày đầu tiên người dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương thực hiện việc đeo khẩu trang bắt buộc đối với 6 địa điểm theo Công văn 1283/CV-BCĐ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh, qua ngày đầu tiên ghi nhận của ngành y tế Bình Dương ra sao, thưa ông?

Qua quan sát của tôi, ngày đầu tiên thực hiện việc đeo khẩu trang tại 6 địa điểm công cộng của người dân Bình Dương thực hiện khá tốt. Tại các cơ sở y tế, người bệnh cũng như người nhà khi đến bệnh viện đều đeo khẩu trang.

Ca mắc COVID-19 trên địa bàn Bình Dương có diễn biến bất thường? - Ảnh 3.

Sở Y tế Bình Dương kiểm tra trang thiết bị y tế điều trị bệnh nhân COVID-19

Các bệnh viện đều phổ biến quy định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh. Nhân viên điều dưỡng, nhân viên bảo vệ đều nhắc nhở người nhà thăm bệnh nhân cũng như khách, ra vào phải đeo khẩu trang.

Đối với các nơi công cộng như bến xe, trên xe khách, chợ… người dân đã có thói quen đeo khẩu trang khi ra đường.

Theo đúng thông điệp của Bộ Y tế là vaccine +2K (khử khuẩn, khẩu trang), đeo khẩu trang tại nơi công cộng là một biện pháp dự phòng cá nhân góp phần làm giảm sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng, bảo vệ sức khỏe người dân, nhất là đối tượng nguy cơ cao như người có bệnh lý nền, người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch, người béo phì.

Chúng tôi mong muốn người dân trên địa bàn đến các trạm y tế phường, xã đăng ký tiêm đủ liều vaccine COVID-19. Ngành Y tế Bình Dương cam kết cung cấp đủ vaccine cho người dân trên địa bàn.

6 trường hợp bắt buộc phải đeo khẩu trang tại Bình Dương:

  • Người có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh COVID-19.
  • Các trường hợp có mặt tại cơ sở y tế, nơi cách ly, nơi lưu trú có người đang cách ly hoặc đang theo dõi, giám sát y tế (trừ người cách ly ở phòng đơn; người bị suy hô hấp; người bệnh đang thực hiện thủ thuật y tế; trẻ dưới 5 tuổi).
  • Người tham gia các phương tiện giao thông công cộng, áp dụng với tất cả hành khách, người điều khiển, người phục vụ, nhân viên phục vụ, người quản lý, lao động tại nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ khi tiếp xúc với hành khách.
  • Nhân viên phục vụ, quản lý, lao động khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối.
  • Nhân viên phục vụ, quản lý, người lao động, người bán hàng khi tiếp xúc với khách hàng và người tham dự tại các cơ sở văn hóa, du lịch, những nơi tổ chức sự kiện tập trung đông người.
  • Nhân viên tiếp nhận hồ sơ, nhân viên giao dịch khi tiếp xúc với khách hàng tại những nơi tiếp nhận hồ sơ, nơi giao dịch.


Anh Tuệ
Ý kiến của bạn