Vĩnh Phúc: Thí điểm điều trị F0, cách ly F1 tại nhà
Theo thông tin từ ngành y tế Vĩnh Phúc, trước tình hình ca mắc tăng nhanh, UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có quyết định triển khai thí điểm điều trị F0, cách ly F1 tại nhà.
Các địa phương trong tỉnh thực hiện nghiêm 4 tại chỗ: Thẩm quyền tại chỗ, nhân lực tại chỗ, phương tiện tại chỗ, gắn trách nhiệm tại chỗ. Nhanh chóng khôi phục trạng thái "bình thường mới" trong thời gian sớm nhất.
Hơn 32.000 học sinh các cấp trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên tạm thời dừng đến trường để phòng chống dịch COVID-19 bắt đầu từ 22/11, chuyển trạng thái tổ chức các hoạt động giáo dục từ trực tiếp sang hình thức trực tuyến cho đến khi có thông báo mới.
Phú Thọ: Hơn 80 ca mắc mới liên quan đến khu vực chợ Bồ Sao tỉnh Vĩnh Phúc
Ngày 22/11, Sở Y tế Phú Thọ ra thông báo, đề nghị tất cả người dân từng đến chợ Bồ Sao, xã Bồ Sao, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc từ ngày 3-18/11/2021 không di chuyển khỏi nơi đang cư trú, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh; chủ động cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú; Khẩn trương liên hệ với Trạm Y tế gần nhất, hoặc Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của xã/phường/thị trấn, hoặc tổ COVID cộng đồng nơi lưu trú để khai báo y tế, được tư vấn, hỗ trợ và được áp dụng các biện pháp dự phòng phù hợp theo quy định.
Liên quan đến điểm dịch này, từ sau khi phát hiện ca bệnh COVID-19 đầu tiên tại khu vực chợ Bồ Sao (ngày 17/11), đến nay, khu vực này đã phát hiện trên 80 ca bệnh COVID-19 thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Nguy cơ lây lan dịch bệnh từ khu vực chợ Bồ Sao nói chung và từ tỉnh Vĩnh Phúc là rất cao.
Sở Y tế Phú Thọ khuyến cáo, người dân có bất kỳ 2 trong các triệu chứng: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người-mệt mỏi-ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần liên hệ ngay với cơ sở y tế để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.
Thanh Hóa: Sẵn sàng thiết lập trạm y tế lưu động, tiêm mũi 3 vaccine COVID-19 cho người trên 50 tuổi
Hiện dịch bệnh đã lan ra tất cả các quận huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Dự kiến dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch trong đó sẵn sàng thiết lập các trạm y tế lưu động tại khu vực nguy cơ cao, nguy cơ rất cao; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, rà soát thống kê các đối tượng đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 để chuẩn bị tiêm mũi thứ 3 với những trường hợp đủ thời gian, ưu tiên người trên 50 tuổi.
Gia Lai: Vượt mốc 3.000 ca nhiễm COVID-19
Trong những ngày gần đây, tình hình dịch COVID-19 tại địa bàn tỉnh Gia Lai đang diễn ra hết sức phức tạp, khó kiểm soát. Nguyên nhân chủ yếu là xuất phát từ các ổ dịch cộng đồng mới được phát hiện trong thời gian gần đây. Việc các ca nhiễm mới hầu hết là ca cộng đồng nên việc kiểm soát nguồn lây, truy vết, khoanh vùng dịch của cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn.
Tính đến sáng ngày 23/11, toàn tỉnh Gia Lai ghi nhận thêm 110 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, đưa tổng số ca nhiễm của tỉnh vượt mốc 3.000 ca.
Trước tình hình bùng phát nghiêm trọng của dịch COVID-19, tỉnh Gia Lai đề nghị người dân hạn chế tối đa việc ra ngoài tỉnh nếu không cần thiết; khi phát hiện người đi từ vùng dịch về, người nhập cảnh vào địa phương…phải kịp thời thông báo cho chính quyền để kiểm tra.
Khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai các trạm y tế lưu động dựa trên tình hình thực tế; đẩy nhanh hơn nữa công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 để sớm phủ mũi 2 cho người trên 18 tuổi; đồng thời tổ chức tiêm ngày vaccine cho trẻ em 12-17 tuổi.
Đồng Tháp: Đi từng địa bàn, lần từng nhà, tìm từng hoàn cảnh để tiêm vaccine
Tình hình dịch bệnh biến phức tạp, dự báo số ca mắc mới trong vài ngày tới sẽ còn tăng, tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các địa phương thành lập các đội hình lưu động đi từng địa bàn, lần từng nhà, tìm từng hoàn cảnh để tiêm vaccine; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng để nhanh chóng đạt tỷ lệ bao phủ vaccine COVID-19 cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Các địa phương cần làm tốt khâu phân loại F0 nhằm giảm tải áp lực điều trị cho y tế tuyến trên; phân công lực lượng quan tâm thăm hỏi, chăm sóc sức khỏe cho các F0 đang điều trị tại nhà. Trang bị đầy đủ thuốc điều trị F0 cho các trạm y tế lưu động…
Long An: Kiến nghị Bộ Y tế phân bổ thêm vaccine, trang thiết bị y tế phục vụ hồi sức bệnh nhân COVID-19
Thời gian gần đây, số ca mắc COVD-19 mới ghi nhận trong ngày trên địa bàn tỉnh Long An liên tục tăng, trung bình từ 50 ca đến gần 200 ca/ngày, trong đó có nhiều trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19.
Ông Nguyễn Văn Út - Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết: Thời gian tới tỉnh tập trung thực hiện tốt "3 trụ cột": Phong tỏa phạm vi hẹp nhất (ưu tiên cách ly tại nhà nếu đủ điều kiện); xét nghiệm nhanh; điều trị hiệu quả, từ sớm, từ xa, giảm tối đa chuyển nặng và tử vong.
Bên cạnh sự nỗ lực của tỉnh, để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trong tình hình mới, Long An đã kiến nghị Bộ Y tế quan tâm phân bổ thêm vaccine phòng COVID-19.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ một số trang thiết bị y tế phục vụ hồi sức bệnh nhân COVID-19 như máy oxy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể (ECMO), máy lọc máu, máy thở chức năng cao…
Kiên Giang: Kích hoạt các đội phản ứng nhanh kịp thời xử lý các F0 mới phát hiện và các F0 điều trị tại nhà xuất hiện các triệu chứng cảnh báo
Tỉnh Kiên Giang yêu cầu các địa phương tổ chức quản lý chặt chẽ các trường hợp F0 điều trị tại nhà; đảm bảo hằng ngày phải nắm rõ tình trạng F0, kịp thời phát hiện các trường hợp có dấu hiệu nguy cơ để đưa vào cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.
Kích hoạt đội phản ứng nhanh để kịp thời xử lý các trường hợp F0 mới phát hện và khi các trường hợp F0 đang điều trị tại nhà xuất hiện các triệu chứng cảnh báo.
Đồng thời, đảm bảo các điều kiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của trạm y tế lưu động và tổ chăm sóc người bệnh COVID-19 tại cộng đồng; đảm bảo túi thuốc điều trị cho các trường hợp F0 điều trị tại nhà..
Xem thêm video được quan tâm:
Hướng dẫn tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại nhà