Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Hậu Giang cho biết, từ 18h ngày 25/12 đến 18h ngày 26/12/2021, tỉnh Hậu Giang ghi nhận 413 ca mắc mới, bao gồm: 05 trường hợp về từ ngoài tỉnh (TP Hồ Chí Minh: 01, tỉnh Bình Dương: 01, tỉnh Bình Phước: 01, tỉnh Kiên Giang: 02); 07 trường hợp là F1 được cách ly tập trung tại TP Ngã Bảy; 401 trường hợp là ca mắc cộng đồng mới ghi nhận (huyện Châu Thành: 70, huyện Châu Thành A: 109, huyện Long Mỹ: 06, TP Ngã Bảy: 04, huyện Phụng Hiệp: 09, TX Long Mỹ: 17, TP Vị Thanh: 105, huyện Vị Thủy: 81).
Tính từ đầu đợt dịch (ngày 08/7/2021) đến nay tỉnh Hậu Giang đã ghi nhận tổng số 14.408 ca mắc (đã được Bộ Y tế công bố 12.075 ca); trong đó: có 01 ca mắc là người về từ Campuchia; 1.211 ca mắc là người về từ ngoài tỉnh; 3.270 ca mắc là F1 đã được cách ly tập trung, 9.224 ca mắc cộng đồng và 702 ca mắc trong khu vực phong tỏa do có ổ dịch cộng đồng.
Sở Chỉ huy Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hậu Giang cho hay, dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện dịch tại cơ sở y tế, một số công ty trong khu công nghiệp, số ca mắc mới tăng nhanh trong những ngày gần đây, nguy cơ lây lan trong cộng đồng và khả năng bùng phát dịch trong thời gian tới là rất cao.
Tính đến thời điểm hiện tại tổng số người được tiêm vaccine là 599.136 người (trong đó: 565.076 người đã tiêm đủ 2 mũi, 34.060 người mới tiêm 1 mũi), đạt tỷ lệ 98,77% trên tổng dân số tỉnh Hậu Giang từ 12 tuổi trở lên (606.586 người).
Ngoài tra, Tỉnh đang triển khai tiêm vaccine mũi 3 phòng COVID-19 cho lực lượng tuyến đầu chống dịch hoặc làm nhiệm vụ ở những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao đã hoàn thành tiêm ngừa mũi thứ 2 đủ thời gian, đến cuối ngày 26/12/2021 đã tiêm được 10.070 liều.
Về công tác xét nghiệm, tỉnh đã đầu tư 6 máy xét nghiệm SARS-CoV-2 và nhận hỗ trợ 1 xe xét nghiệm. Tổng công suất thực hiện khoảng 3.000 mẫu đơn/ngày, 30.000 mẫu gộp/ngày.
Tuy nhiên, công tác xét nghiệm cũng đang quá tải, thiếu nhân lực thực hiện xét nghiệm (đội ngũ đều phải tăng ca trong thời gian dài); hầu hết các mẫu gộp RT-PCR đều có mẫu dương tính, phải thực hiện giải gộp, tiêu tốn thời gian, nhân lực, vật tư, hóa chất xét nghiệm.
Về năng lực điều trị, thiếu nhân lực phục vụ công tác điều trị ở tầng 3 và tầng 4 (thiếu bác sĩ, điều dưỡng chuyên ngành hồi sức cấp cứu); lực lượng y tế cơ sở mỏng (hiện có khoảng 5-7 nhân viên/trạm y tế, phụ trách địa bàn rộng, dân số đông).
Do đặc thù điều kiện tỉnh là phần lớn dân số ở nông thôn, hộ dân thưa thớt, điều kiện giao thông còn hạn chế, việc cách ly tại nhà hoặc điều trị tại nhà sẽ tạo thêm gánh nặng cho nhân viên y tế dự phòng và y tế cơ sở trong việc giám sát, xét nghiệm, chăm sóc y tế và điều tra dịch tễ…