Cá lóc là tên gọi của đồng bào miền Nam. Còn tuỳ từng vùng mà gọi: cá quả (miền Bắc), cá chuối (miền Trung), ngoài ra còn có các tên tràu, cá hoa, cá sộp… Cá lóc là loại cá được mọi người ưa thích và được chọn làm món ăn phòng chữa bệnh nan y (tim mạch, ung thư… ) vì ít mỡ, nhiều chất khoáng và vitamin. Đặc biệt cá lóc đen là một trong những món ăn dưỡng sinh khử gốc tự do “cơn sốt thực phẩm màu đen” hiện nay trên thế giới vì chúng có tác dụng chống oxy hoá, chống lão hóa, chống ung thư.
Cá lóc được xếp vào hàng thượng phẩm trong ẩm thực dưỡng sinh. |
Chữa trĩ:
Cá lóc với lá dấp cá. Cá lóc 200g đập đầu cho chết, mổ bỏ ruột, trát đất quanh cá rồi lùi vào đống lửa. Khi thấy đất khô cứng, nứt nẻ là cá đã chín. Bóc lớp đất nung ở ngoài. Chú ý khi làm sạch cá phải nhớ bỏ mật cá, vì nó tanh và có thể gây độc, mặc dù có nơi vẫn để ăn vì thích vị đắng đó. Ngoài ra còn có thể dùng thêm các rau thơm khác, chấm mắm nêm, ăn với bánh tráng.
Trĩ ra máu: Cá lóc 250g, bạch cập 5g, ít tỏi. Nấu canh ăn.
Chữa thận hư nhiễm mỡ phù nề: Cá lóc với đậu đỏ. Cá lóc 1 con 250g bỏ ruột nấu với 200g đậu đỏ cho nhừ. Ăn hết 1 lần.
Lương huyết tiêu thũng, trừ thấp lợi thuỷ: Cá lóc 1 con 250g, đậu đỏ 50g, bí đao 200g, đường phèn 30g. Nước vừa đủ nấu bắt đầu bằng lửa to cho sôi, rồi bớt lửa hầm nhừ, đậu nở. Chia làm 2 lần ăn trong ngày. Ăn cả cái lẫn nước. Ăn vã hoặc ăn với cơm.
Thanh nhiệt hoà vị, tiêu thũng: Cá lóc 1 con 250g, đậu đỏ 50g, vỏ bí đao 30g, cho vỏ bí đao vào bụng cá rồi nấu với đậu đỏ đã nấu chín sau 30 phút là được. Ngày 2 lần ăn cái lẫn nước. Ăn vã hoặc ăn với cơm.
An thần, ích trí, tiêu thũng: Cá lóc 1 con 500g, thịt nạc heo 120g, long nhãn 6g, táo đỏ 6 quả, rượu 20g, muối, hành, gừng. Chiên cá, thịt heo thái mỏng, táo bỏ hột. Nước vừa đủ. Nấu nhừ ăn nóng.
Chữa thấp nhiệt ở bàng quang, đái dắt, nước tiểu ít và vàng: Cá lóc 1 con khoảng 500g, giá đậu xanh 150g, cà chua 100g, me 70g, gia vị vừa đủ. Cá lọc thịt, thái mỏng ướp gia vị. Phần đầu và xương luộc lấy nước bỏ bã, nấu với các thứ kia. Trái me hoặc lá me giã nhuyễn lấy nước cho vào canh. Nấu chín cho gia vị ăn với cơm. Ngày ăn 2 lần trong 1-2 tuần.
Bổ nguyên khí, thông tiểu: Cá lóc 1 con khoảng 400g, đông quỳ tử 24g, hồng sâm 9g, hoài sơn 30g, sinh hoàng kỳ 30g, lấy vải mỏng bọc đông quỳ tử, hồng sâm thái phiến. Nước vừa đủ. Nấu lửa nhỏ trong 2 giờ là ăn được (có hoài sơn không nấu lâu). Thường dùng sau phẫu thuật tuyến tiền liệt, suy yếu, mệt mỏi, đoản hơi, sắc mặt nhợt nhạt.
An thần, sinh tân nhuận phế, kiện tỳ, dưỡng trí, phòng chữa thâm quầng mắt, chữa mất ngủ, tăng huyết áp, chóng mặt, nhức đầu: Cá lóc 1 con (500g), táo đỏ 10 quả, táo tây 2 quả (vỏ đỏ), gừng tươi 2 lát, gia vị, dầu thực vật. Cá chiên gừng cho thơm. Táo tây gọt bỏ vỏ, hột, thái miếng nhỏ. Táo đỏ bỏ hột. Nấu bằng nồi đất. Nấu nước sôi rồi cho cả vào, tiếp đến táo. Nước phải ngập các thứ trên. Đậy kín nấu 2 tiếng. Cho gia vị, ăn nóng.
Dưỡng huyết chữa đái ra máu do tỳ hư: Cá lóc 250g thái mỏng, lá tỏi cắt đoạn hầm nhừ, nêm gia vị chia 2 lần ăn trong ngày.
Lao phổi suy nhược: Cá lóc 250g, táo đỏ 3 quả, gừng tươi 3 lát. Nấu canh ăn.
Cá lóc còn có thể nấu nhiều món như: Nấu với đậu đen bổ can thận, với đậu xanh, với địa cốt bì trị chứng nóng âm ỉ trong gân xương (do nhiễm thấp)… đều là món dễ làm vì toàn bằng nguyên vật liệu sẵn có, ngon lành có hiệu quả.
Cá lóc là thức ăn tốt cho trường hợp kiêng mỡ vì bản thân nó ít mỡ.
BS. Phó Thuần Hương