Cá lại chết trắng Hồ Tây, chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân

26-08-2023 16:45 | Xã hội
google news

SKĐS - Vào các đêm nghịch nhiệt, quá trình phân hủy hữu cơ từ nước thải chưa qua xử lý và hô hấp của tảo phù du trong hồ nhanh chóng làm cạn kiệt oxy trong nước có thể là nguyên nhân làm cá ở Hồ Tây chết hàng loạt.

Cá chết nổi trắng Hồ Tây, hàng quán ế ẩm, dân lo mất ăn mất ngủCá chết nổi trắng Hồ Tây, hàng quán ế ẩm, dân lo mất ăn mất ngủ

SKĐS - Lượng cá chết nổi dạt ở Hồ Tây không chỉ khiến việc kinh doanh của nhiều hộ gia đình bị ảnh hưởng, mà còn khiến nhiều người mất ăn, mất ngủ khi hằng ngày phải "hít" mùi hôi thối từ cá chết.

Cá chết chủ yếu vào đêm và rạng sáng

Như SK&ĐS đã đưa tin, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, mỗi ngày đơn vị thu gom, xử lý khoảng 50kg cá chết trên hồ Tây, chủng loại cá chết chủ yếu gồm cá trôi, cá mè.... Theo đó, hiện tượng cá chết trên hồ Tây bắt đầu xuất hiện những ngày gần đây, số lượng cá chết lác đác, trôi dạt vào ven bờ hồ khu vực đường Nguyễn Đình Thi, Trích Sài, Thanh Niên.

Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội sơ bộ xác định một số nguyên nhân gây hiện tượng cá chết tại hồ Tây như: Thay đổi thời tiết; thiếu không khí, hàm lượng oxy trong nước giảm; chất lượng nước ô nhiễm, có khí độc (do bùn, tảo)...

Cá lại chết trắng Hồ Tây, chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân - Ảnh 2.

Những ngày gần đây, tình trạng cá chết ở Hồ Tây lại tái diễn nghiêm trọng.

Ngày 26/8, UBND quận Tây Hồ có thông tin về tình trạng cá chết tại khu vực hồ Tây. Theo đó, hiện tượng cá chết trên hồ Tây bắt đầu xuất hiện những ngày gần đây, số lượng cá chết lác đác, phân tán trên mặt hồ vào đêm và rạng sáng trôi dạt vào ven bờ hồ khu vực đường Nguyễn Đình Thi, Trích Sài, Thanh Niên...

Ngay sau khi xảy ra hiện tượng này, UBND quận Tây Hồ đã phối hợp với Sở Xây dựng chỉ đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội (Sở Xây dựng) đôn đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội theo dõi, kiểm tra và tăng cường thu vớt xác cá chết để đảm bảo môi trường, mỹ quan đô thị. Tăng cường thu vớt cá chết từ xa trước khi dạt vào bờ nhằm giảm thiểu ô nhiễm nước hồ và đảm bảo cảnh quan; tăng cường lực lượng từ UBND các phường và các đơn vị khác tham gia phối hợp thu vớt xác cá chết (nếu cá chết nhiều).

Nước Hồ Tây quá ô nhiễm?

PGS.TS Vũ Thành Ca, Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường tại Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng: Nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt là do Hồ Tây quá ô nhiễm trong điều kiện thời tiết đặc biệt. Thông thường vào những thời điểm giao mùa, khoảng tháng 9, tháng 10 do mặt trời ở phía nam bán cầu cho nên lượng ánh nắng mặt trời vào ban ngày xuống mặt đất và mặt nước ít.

Ban đêm, mặt hồ và mặt đất bị lạnh đi rất nhanh, khiến lớp không khí bên dưới lạnh hơn, tạo nên hiện tượng nghịch nhiệt. Hiện tượng nghịch nhiệt sẽ ngăn cản oxy trao đổi giữa lớp không khí sát mặt hồ và lớp không khí bên trên. Vào các đêm nghịch nhiệt, quá trình phân hủy hữu cơ từ nước thải chưa qua xử lý và hô hấp của tảo phù du trong hồ nhanh chóng làm cạn kiệt oxy trong nước. Lượng oxy trong lớp không khí sát mặt hồ cũng sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt do các lớp không khí bên trên không thể tiếp tục khuếch tán oxy vào nước. Kết quả là hiện tượng cạn kiệt oxy sẽ xảy ra trong toàn bộ cột nước, làm cá chết hàng loạt.

"Nếu muốn tìm nguyên nhân khiến cá chết tại hồ Tây thì phải đo nồng độ oxy vào ban đêm, từ khoảng nửa đêm về sáng. Theo kết quả đo ban ngày của liên ngành TP.Hà Nội thì ta thấy là nồng độ oxy vẫn đảm bảo, nhưng nếu kết luận nồng độ oxy đảm bảo mà cá vẫn chết là không đúng. Trong tất cả các trường hợp xảy ra chết cá hàng loạt trên thế giới, người ta kết luận là do cạn kiệt oxy", PGS.TS Vũ Thành Ca nhấn mạnh.

Đáng nói, đây không phải là lần đầu, cá hồ Tây chết hàng loạt như vậy. Trong những năm qua, TP Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này nhưng có lẽ chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.

GS.TS Trần Đức Hạ, Giảng viên cao cấp bộ môn Cấp thoát nước, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội thông tin: Khi thay đổi thời tiết, cường độ phân hủy các chất lắng đọng trong hồ càng lớn tạo nên lượng lớn các khí H2S, NH3, CH4 trong nước. Ngoài ra, còn có phốt pho trong bùn cặn rất nhiều, khi phân hủy thành phốt pho hoạt tính, các loại tảo và các vi sinh vật rất dễ hấp thụ. Hồ Tây lại có nắng lớn và mặt nước rộng dẫn đến quá trình phú dưỡng do khi mưa một lượng lớn phốt pho ở bên dưới lại xâm nhập trở lại hồ Tây. Cả khí độc, cả phú dưỡng (làm oxy hòa tan trong nước thay đổi đột ngột – khiến các sinh vật sống trong nước như cá, tôm… gây hạn chế quá trình phát triển) khiến các sinh vật sốc và chết.

Để khắc phục vấn đề này, theo các chuyên gia,thành phố Hà Nội cần có giải pháp tổng hợp. Phải nhanh chóng cống hóa mương Thụy Khuê, để tách toàn bộ nước thải và nước mưa về hệ thống xử lý, không đổ xuống hồ Tây nữa. Tiến hành nạo vét Hồ Tây, vì từ nhiều năm nay hồ Tây không được nạo vét dẫn đến lượng bùn đất, trầm tích rất dày. Cuối cùng là tăng cường chế độ động, giúp nước được lưu thông, đồng thời bổ sung nước sạch cho hồ Tây.

Hồ Tây không chỉ là "lá phổi xanh" điều hòa không khí ở Thủ đô mà còn là một danh lam thắng cảnh mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô và đất nước. Bên cạnh đó, Hồ Tây còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết mực nước mưa, chống úng ngập cho khu vực.

Liên tiếp những năm gần đây, Hồ Tây xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến cảnh quan và cuộc sống của người dân. Vì vậy, việc bảo vệ cảnh quan, xử lý nước Hồ Tây đòi hỏi sự thống nhất, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, ngành chức năng liên quan.

Từ vụ cá chết bất thường ở Hồ Tây: Báo động tình trạng ô nhiễm hồ ở Hà NộiTừ vụ cá chết bất thường ở Hồ Tây: Báo động tình trạng ô nhiễm hồ ở Hà Nội

SKĐS - Về việc cá chết bất thường ở Hồ Tây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ KH&CN...

Xem thêm video đang được quan tâm:

Khởi Tố Người Chồng Sát Hại 4 Mẹ Con Ở Khánh Hòa: Nghi Phạm Có Thể Đối Diện Án Tử Hình? | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn