Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) vừa có Văn bản số 94/NTBD-PQL gửi các Sở VH-TT&DL đề nghị thu thập và lên danh sách các bài hát sáng tác trước năm 1975 để xét duyệt và cấp phép cho phổ biến rộng rãi. Đây thực sự là tin vui đối với nhiều nhạc sĩ, ca sĩ và công chúng yêu nhạc Việt khi một kho tàng ca khúc đồ sộ sau nhiều năm bị “quản thúc”, “cấm đoán” nay có cơ hội được “cởi trói” để đến với công chúng.
Cửa cấm đã mở
Từ lâu, trong đời sống âm nhạc nước nhà đã tồn tại nhiều khúc mắc liên quan đến những ca khúc sáng tác trước năm 1975. Vì những lý do khác nhau, rất nhiều ca khúc chưa được cấp phép phổ biến, bị cấm biểu diễn ở Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã có nhiều động thái tích cực nhằm cởi trói, mở đường và dần đi đến khai thác, phát huy giá trị của kho ca khúc này. Hàng loạt sáng tác “nhạc xưa”, ra đời và từng được biểu diễn ở miền Nam Việt Nam trong những năm đất nước bị chia cắt đã nhận được quyết định cho phép phổ biến, biểu diễn trở lại. Nhờ thế mà sau gần 40 năm, những sáng tác từng một thời khá được yêu thích như Tôi đưa em sang sông của Y Vũ, Biển quê hương của Tuấn Việt, Lời ru bú mớm nâng niu, Qua suối mây hồng, Giọt chuông cam lộ... của cố nhạc sĩ Phạm Duy mới có cơ hội đến được với đông đảo công chúng hôm nay. Mới đây nhất, ngày 15/3, thêm 8 ca khúc nữa trong tuyển tập “Các ca khúc da vàng” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là Cánh đồng hòa bình; Đồng dao hòa bình; Người mẹ Ô Lý; Nước mắt cho quê hương; Đôi mắt nào mở ra; Dựng lại người, dựng lại nhà; Ta thấy gì đêm nay; Chờ nhìn quê hương sáng chói cũng được Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) cấp phép cho phổ biến trở lại.

Cùng với đó, Cục NTBD diễn còn chủ động ra công văn gửi đến các Sở Văn hóa-Thể thao&Du lịch các tỉnh thành trong cả nước kêu gọi các đơn vị, cá nhân, tổ chức cùng thu thập các bài hát sáng tác trước 1975, ca khúc của nhạc sĩ hải ngoại để tiến hành xét duyệt đồng loạt, công bố rộng rãi và cập nhật thành danh mục ca khúc được phổ biến ở Việt Nam.
Động thái mới của phía cơ quan chức năng bước đầu đã nhận được sự đồng tình của xã hội, được các doanh nghiệp sản xuất băng đĩa, các ca sĩ, nhạc sĩ vui mừng đón nhận và đánh giá là rất tức thời. Không chỉ chấm dứt tình trạng làm theo cơ chế xin – cho đối với các ca khúc ra đời trước năm 1975 từng gây phiền hà cho tác giả, ca sĩ và các nhà sản xuất chương trình ca nhạc, chủ trương này còn thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 39 của Trung ương Đảng về hòa hợp dân tộc đối với cộng đồng người Việt Nam đang sống ở nước ngoài, đặc biệt là đối với các nhạc sĩ từng sống trong chế độ cũ trước năm 1975.
Việc sưu tầm và cấp phép phổ biến lại của các cơ quan chức năng cũng sẽ giúp mở khóa kho tác phẩm giá trị của một thuở chưa xa, để các tác phẩm ấy được sống lại. Vốn ca khúc cho sự lựa chọn của ca sĩ, đặc biệt là những người thích hát nhạc xưa, nhờ thế sẽ phong phú hơn rất nhiều; công chúng sẽ được thoải mái thưởng thức những tác phẩm của các tác giả mà họ yêu thích, bởi sự thật là nhiều ca khúc giai đoạn này dù chưa được Nhà nước cấp phép phổ biến nhưng vẫn được hát ở đâu đó và vẫn sống trong lòng công chúng yêu âm nhạc.
Còn nhiều việc phải làm
Thực tế gần 40 năm qua, việc cấp phép và lập danh mục các ca khúc được phép phổ biến đã rất nhiều lần được các cơ quan chức năng đưa ra bàn thảo và tiến hành thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều ca khúc chưa được cấp phép. Còn danh mục các ca khúc được cấp phép dù đã được xây dựng và được công khai trên trang web của Cục NTBD từ đầu năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa đầy đủ và rất khó dò tìm. Đơn cử, số lượng bài hát được cấp phép đã trên 1.200 bài nhưng trang mạng chỉ cập nhật danh mục 750 bài. Điều này gây khó khăn cho các đơn vị băng đĩa, các ca sĩ trong việc khai thác tác phẩm, gây thiệt thòi cho các nhạc sĩ có tác phẩm đã được cấp phép nhưng lại không có tên trong danh mục. Nhiều tác phẩm đã được cấp phép rồi vẫn nhận được hồ sơ xin cấp phép lại.
Ngay trong văn bản đề nghị lần này, dù cho đây là một chủ trương đúng đắn nhưng với các sở địa phương lại không dễ thực hiện vì thiếu kinh phí và nguồn nhân lực. Theo ông Võ Trọng Nam - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM, công việc này không chỉ đơn giản là cứ mở cửa kho rồi có sẵn đó mang đi được. Để có một danh sách các ca khúc xin xét duyệt và cấp phép gửi Cục NTBD, các Sở phải lập ban tư vấn, hội đồng thẩm định. Phải huy động nhiều nguồn nhân lực thẩm định cả nội dung lẫn nhân thân tác giả bởi có những tác giả không thể cấp phép dù ca khúc không vấn đề. Khó nhất trong việc sưu tầm là thời gian và kinh phí bởi công việc này đòi hỏi phải thực hiện trong một thời gian nhất định, phải sao chép, in ấn bài hát... Do đó, Cục phải thực hiện việc này như một đề án, có kế hoạch và kinh phí rõ ràng.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp kinh doanh băng đĩa và các nhà sản xuất âm nhạc, khối lượng nhạc phẩm sáng tác trước 1975 chưa được cấp phép là rất lớn, rất đa dạng về đề tài, thể loại và có giá trị nghệ thuật cao. Vì thế, chắc chắn hội đồng thẩm định của Cục NTBD sẽ phải làm việc rất vất vả, nghiêm túc. Việc lập và công bố danh mục tác phẩm đã được cấp phép cũng cần phải được thực hiện khoa học và đầy đủ, giúp tiện lợi và chính xác trong khi tra cứu, khai thác, sử dụng. Trong quá trình thực hiện thu thập, thẩm định, cấp phép và công bố, nên dựa vào và huy động mọi nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn, đặc biệt là gia đình các nhạc sĩ có tác phẩm giai đoạn này. Một khi cơ quan quản lý nhà nước đã chủ động cởi mở trong việc “cởi trói” thì chắc chắn nhiều nơi, nhiều nguồn sẽ cùng thu thập và cung cấp danh mục các bài hát từng “bị trói”, để cùng khai phá lại một dòng nhạc nhằm góp phần làm phong phú cho kho tàng âm nhạc nước nhà và đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng.
Liên Nhi