Ca khúc sáng tác trước 1975 bị cấm: Do luật hay tư duy?

12-04-2017 13:47 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Những ngày gần đây, việc cơ quan chức năng cấm lưu hành một số ca khúc sáng tác trước năm 1975 đã làm “nóng” dư luận.

Theo đó, mới đây Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã có lệnh cấm lưu hành vĩnh viễn 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 vốn đã rất quen thuộc với công chúng cả nước. Đó là Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương). Cơ quan quản lý ngành văn hóa cho biết, sở dĩ đưa ra lệnh cấm 5 ca khúc này vì dù đã được cấp phép lưu hành trước đó nhưng có lời không đúng với bản gốc. Hay nói cách khác là lời bài hát đã bị sửa, có những tác phẩm không đúng tác giả. “Cho nên chúng tôi phải tạm dừng lưu hành để xác minh cho chuẩn thì mới cấp phép trở lại” – đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết.

Con đường xưa em đi là một trong những ca khúc nổi tiếng, được sáng tác trước năm 1975 đến nay vừa bị cấm phổ biến vì bị cho rằng "không đúng với bản gốc"

Trước vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chức năng không nên cứng nhắc trong việc cấp phép, phổ biến ca khúc nếu tác phẩm cũ có tính nhân văn, thể hiện tình yêu đôi lứa…; không đi ngược lại chính sách, đường lối, chủ trương hoặc chia rẽ sự đoàn kết dân tộc. Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên cũng đã chia sẻ với báo giới xung quanh sự việc này. Ông Vương Duy Biên cho biết, những bài hát nào đi ngược lại quyền lợi của dân tộc, gây hận thù... thì cần phải cấm. Còn những bài hát về tình yêu đôi lứa, tình cảm con người, ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên của đất nước... thì thời đại nào, chế độ nào chẳng có, nên không thể cấm đoán.

Trả lời báo chí, ông Vương Duy Biên cho biết thêm, những người làm công tác quản lý ở lĩnh vực này (cấp phép, phổ biến, lưu hành ca khúc) phải điều chỉnh cách ứng xử với nghệ sĩ và tác phẩm của họ để phù hợp với chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước. Nếu cứ suy diễn thì bất cứ tác phẩm nào cũng có thể bị cấm. Đừng quá cứng nhắc vì một hai câu chữ mà làm khó cho tác phẩm và nghệ sĩ. Không nên suy diễn câu chữ một cách máy móc để làm khó tác phẩm xưa.

Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng rất nổi tiếng nhiều chục năm qua, song cũng chưa được cấp phép vì những quy định chồng chéo của luật.

Cũng rất bất ngờ khi 4 bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gồm: Nối vòng tay lớn, Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Ca dao mẹ Đêm thấy ta là thác đổ không có trong “danh mục các bài hát trước 1975 được phép phổ biến”. Tuy nhiên, 4 bài hát kể trên của Trịnh Công Sơn đã được hát tại rất nhiều chương trình ca nhạc trong và ngoài nước. Sở dĩ 4 ca khúc trên chưa được cấp phép phổ biến không phải do nội dung, ca từ thiếu chuẩn mực mà vì chưa có cá nhân, đơn vị tổ chức nào chủ động làm hồ sơ gửi lên Cục Nghệ thuật Biểu diễn, từ đó, phía cơ quan này mới có cơ sở thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định pháp luật.

Khi biết thông tin trên, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất ngạc nhiên. Bởi bà Trinh cho rằng, 4 ca khúc như Nối vòng tay lớn, Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Ca dao mẹ, Đêm thấy ta là thác đổ.... đã quá quen thuộc với khán giả, được trình diễn trong các đêm nhạc cộng đồng, các chương trình âm nhạc lớn nhỏ cũng như trong các sản phẩm âm nhạc chuyên nghiệp. “Chúng tôi không hiểu vì sao những ca khúc này còn bị đặt vấn đề giấy phép biểu diễn. Các bài hát đã được biểu diễn hàng trăm lần rồi. Mỗi lần tổ chức chương trình, chúng tôi đều xin phép từ cơ quan chức năng của địa phương” – ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh chia sẻ với báo giới.

Nhiều sản phẩm âm nhạc, chương trình...sử dụng ca khúc Nối vòng tay lớn trong thời gian qua

Liên quan đến vấn đề này, mới đây Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên cho biết, với một ca khúc nổi tiếng và được người dân yêu chuộng như Nối vòng tay lớn, ông Biên sẽ chỉ đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn nhanh chóng thẩm định và tạo điều kiện thuận lợi để sớm cấp phép phổ biến ca khúc này. Tuy nhiên, người đứng đầu Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết cái khó trong vấn đề này bởi trong Nghị định 79/2012 và nghị định 15/2016 đã có quy định rõ các bước trong việc cấp phép phổ biến bài hát trước năm 1975. Cục Nghệ thuật biểu diễn thừa nhận hiện nay trong các quy định cấp phép bài hát cũng có những bất cập, nhưng trong thời điểm này vẫn phải thực hiện theo những quy định đó.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn