Hà Nội

Ca khúc phản ánh xã hội cũng cần văn minh

06-09-2012 09:52 | Văn hóa – Giải trí
google news

Showbis với đầy rẫy những thị phi là một câu chuyện quá dài với nhiều người. Trong khi phần lớn mọi người chọn cách im lặng trước những tin tức và phát ngôn giật gân về sao, nhiều nghệ sĩ lại thích vạch áo cho người xem lưng, lấy showbis làm đề tài cho ca khúc của mình.

Showbis với đầy rẫy những thị phi là một câu chuyện quá dài với nhiều người. Trong khi phần lớn mọi người chọn cách im lặng trước những tin tức và phát ngôn giật gân về sao, nhiều nghệ sĩ lại thích vạch áo cho người xem lưng, lấy showbis làm đề tài cho ca khúc của mình. Mới đây ca khúc Nói chung là... (Chuyện thằng say) của nhóm MTV tiếp tục gây bão bởi nội dung xoay quanh những phát ngôn “nổi tiếng” của Ngọc Trinh và Cao Thái Sơn, hai gương mặt khá đình đám hiện nay trong showbis bởi những scandal không giống ai.

Món ăn sẵn hợp thời

Những ca khúc chế, nhại các hiện tượng của xã hội từ lâu đã trở thành “đặc sản” của cư dân mạng. Kể cả những người nổi tiếng trên thế giới, tận dụng sức truyền tải của âm nhạc, cũng đưa những câu chuyện, quan điểm của mình vào ca khúc. Kể cả Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã có cơ hội được “thể hiện” trong nhiều ca khúc của các diva nổi tiếng thế giới nhờ sự tinh quái của cư dân mạng trong cắt cúp tinh vi các bài phát biểu của ông, chỉnh sửa để khớp lời với với các bản hit. Ca sĩ nhạc đồng quê nổi tiếng thế giới Taylor Swift có lẽ là trường hợp nổi tiếng nhất trong việc ghi lại những mối tình đã qua bằng cách đưa chúng vào ca khúc của mình. Và hầu hết các ca khúc đều nhận được sự yêu thích của khán giả.


MV “Nói chung là...” của nhóm MTV.

Hot Girl của ca sĩ Hoàng Hải - Mạnh Quân có lẽ là phát súng mở màn cho trào lưu sáng tác và thể hiện các ca khúc đi sâu vào đề tài showbis của nghệ sĩ Việt. Chính nhạc sĩ Mạnh Quân cũng thừa nhận Hot Girl không phải là một ca khúc để ghi nhớ về ca từ mà chỉ là “hoạt náo viên” sân khấu bởi giai điệu khá bắt tai, hiện đại. Cặp đôi nhạc sĩ - ca sĩ này cũng đã có chiến dịch quảng bá rầm rộ thông qua những câu chuyện xung quanh việc trình diễn ca khúc. Những ai từng nghe ca khúc này sẽ dễ dàng nhận thấy nó không có gì đặc sắc, chưa nêu bật được giá trị cảnh tỉnh của một hiện tượng. Thành ra, dư âm của Hot Girl chỉ khơi khơi và nhanh chóng chìm xuống.

Thức thời, một hot girl khá nổi đình nổi đám của Hà Nội là Vũ Hạnh Nguyên cũng cho ra đời ca khúc The Boy So Hot với đoạn ca từ ngắn ngủi, mang hơi hướng Tây hóa. Và ca khúc mang nội dung phản pháo những chàng trai sáo rỗng thích ném đá người khác cũng có cùng số phận với Hot Girl. Không lâu sau, trào lưu thay đổi ca từ trong ca khúc gốc để chế các sự việc, hiện tượng của xã hội được sử dụng một cách phổ biến. Nổi bật có thể kể đến các món ăn sẵn được cư dân mạng săn lùng như clip hát nhại giễu thí sinh Quỳnh Anh Got Talent, Em là ai - đồ của thí sinh phóng tác theo ca khúc Em là ai của nhạc sĩ Huy Tuấn giễu Ban giám khảo của Vietnam Idol 2010... Ghi nhận về yếu tố hài hước nhưng nhiều người vẫn không đồng tình với những clip cư dân mạng tự tung lên như một trò đùa mua vui mà không để ý đến những tổn thương tinh thần của người trong cuộc.

Nhạc chế cũng cần văn minh

Khác với những ca khúc giễu showbis trước đó, Nói chung là...(Chuyện thằng say) của nhóm MTV trình diễn tại chương trình Sea show vừa qua nhận được sự hưởng ứng, yêu thích của nhiều khán giả. Phong cách vui nhộn, hài hước cùng việc cập nhật những scandal, phát ngôn đình đám của một số người nổi tiếng trong showbis Việt, cụ thể là Ngọc Trinh và Cao Thái Sơn tạo nên diện mạo mới của một ca khúc nhạc chế văn minh. Qua đó, định hướng cho giới trẻ tránh xa lối sống xa hoa, màu mè, thực dụng.

Còn nhớ nhiều năm trước, khi Hà Nội mùa này phố cũng như sông nhại ca khúc Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa của nhạc sĩ Trương Quý Hải ra đời đã nhận được sự yêu thích của rất nhiều bạn trẻ, kể cả nhạc sĩ của ca khúc gốc. Hiện tượng ngập lụt của Hà Nội hàng năm chính là nguồn cảm hứng để Đinh Công Sáng và Trần Chí Hiếu viết nên ca khúc ấn tượng này. Lắng nghe trọn vẹn Hà Nội mùa này phố cũng như sông, chất hài hước, lạc quan, mộc mạc trong ngôn từ đã tạo nên giá trị khá sâu sắc cho ca khúc mà bất cứ đối tượng nào lắng nghe cũng dễ giật mình.

Ca khúc nhạc chế đề tài xã hội được nhiều người đồng tình, hưởng ứng đều dựa trên tinh thần vui là chính, với cách tiếp cận đa chiều, gần gũi, ít động chạm, mang cái nhìn lạc quan để vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, phần lớn những ca khúc chế, nhại các hiện tượng trong showbis, đời sống cộng đồng Việt hiện tại chưa làm tốt những điều này. Thói chửi phũ cho sướng miệng không cần biết đến hậu quả đã cho ra đời những ca khúc không đi đúng con đường mà nó phải đi. Lạm dụng các ca khúc viết về các hiện tượng nóng bỏng của đời sống, các ca khúc chế lời sẽ đi lệch ra đường ray của những giá trị đạo đức thuần phong mỹ tục.

Hạnh Văn



Ý kiến của bạn
Tags: