Ông Quốc, chủ nhà hàng lẩu mắm, lẩu cá kèo Cần Thơ Quốc Châm ở Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) than, cá kèo khan hiếm buộc ông đã phải từ chối một lượng khách lớn đến từ các ứng dụng đặt hàng online hàng ngày.
“Khách online đặt liên tục nhưng chúng tôi không có hàng bán, đành phải cáo lỗi, thông báo với họ rằng chỉ đủ lượng hàng để phục vụ khách đến ăn tại chỗ chứ không đủ để bán mang về. Hiện dù rất tiếc nuối nhưng chúng tôi buộc phải tắt ứng dụng, chờ đến khi nguồn cung tăng trở lại”, ông Quốc nói.
Theo ông Quốc, quán của ông vẫn có thể nhập cá kèo từ các trang trại nhưng nguồn cung rất hạn chế. Cùng với đó, giá xăng dầu tăng cao, chi phí vận chuyển cũng đội lên khiến giá cá kèo tăng gấp nhiều lần so với cách đây khoảng gần 2 tháng. Trước đó, giá nhập cá kèo chỉ khoảng 150.000 - 170.000 đồng/kg mà bây giờ là 450.000 - 500.000 đồng/kg, đắt gấp 3 lần.
“Bây giờ ai có cá kèo bán cho tôi, đắt tôi cũng nhập miễn là có hàng để bán cho khách, chứ để lâu như thế này thì mất hết khách”.
Giá cá kèo tăng, buộc lòng ông Quốc phải tăng giá bán của món lẩu cá kèo. Biết tăng giá thì mất khách, nhưng ông không còn lựa chọn nào khác.
Tương tự, Ông Trần Huy Trung, chủ 3 nhà hàng lẩu cá kèo Hoàn Châu tại Hà Nội xác nhận tình trạng khan hiếm cá kèo khiến công việc kinh doanh của ông khó khăn hơn trước gấp nhiều lần. Dù không tăng giá bán nhưng thay vào đó, quán của ông Trung phải giảm lượng cá kèo trong mỗi nồi lẩu để cân đối với mức giá mới.
“Khách gọi lẩu cá kèo, chúng tôi nói luôn với khách rằng một nồi lẩu vẫn có giá 350.000 đồng nhưng chỉ có 8 con cá kèo thay vì 16-17 con như trước bởi cá kèo lên giá cao quá, khách nào đồng ý thì ăn, còn không thì chúng tôi tư vấn ăn món khác”, ông nói.
Ông Trung cho biết thêm giờ khách tới nhà hàng ăn lẩu cá kèo chỉ được ăn một phần (8 con cá kèo) chứ gọi thêm nhà hàng cũng không bán. "Trước đây khách ăn lẩu cá kèo chúng tôi còn khuyến khích khách gọi thêm cá, còn bây giờ chúng tôi lại xin khách là đừng gọi thêm vì làm gì có đâu mà bán".
"Cũng may nhà hàng chúng tôi bán nhiều món khác, chứ nếu chỉ kinh doanh lẩu cá kèo thì có khi phải đóng cửa. Vì cả 3 nhà hàng mà mỗi ngày tôi chỉ nhập được 5kg cá kèo thì không hiểu bán kiểu gì”, ông Trung ngán ngẩm.
Theo chủ một số chủ nhà hàng cá kèo, tình trạng khan hiếm loại đặc sản này sẽ phải kéo dài 3-4 tháng nữa, khi những bè cá con đến độ thu hoạch thì nguồn cung cá kèo cung cấp ra thị trường mới trở lại bình thường.
Chị Nguyễn Thị Dung, trú tại Hoàng Văn Thái (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết trong suốt 6 năm kinh doanh cá kèo, đây là lần đầu tiên chị chứng kiến cá kèo tăng giá mạnh như vậy.
“Không những tăng giá gấp 3 lần mà còn không nhập được hàng về bán. Bản thân tôi là người buôn lâu năm mà cũng phải chờ vài ngày mới nhận được một đợt hàng ít ỏi”, chị Dung nói.
Theo chị Dung, tình trạng cá kèo khan hiếm, lên giá là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài, số lượng bè nuôi thu hẹp, người dân ít vào giống khiến nguồn cung ra thị trường khan hiếm. Hiện tại, hoạt động kinh tế xã hội đã trở lại bình thường, nếu tính từ bây giờ người nông dân bắt đầu vào giống thì phải 3-4 tháng sau mới có cá kèo bán ra thị trường.
“Đến lúc đó thì mặt bằng giá chung mới bình ổn trở lại, chứ với tình trạng nguồn cung khan hiếm như hiện nay thì giá cá kèo khó mà hạ nhiệt”, chị Dung nói.
Xem thêm video đang được quan tâm
WHO cảnh báo: Virus đậu mùa khỉ có thể đã âm thầm lây lan rộng