Ca ghép tim do bác sĩ BVTW Huế thực hiện thành công: Kỳ tích của ngành y tế Việt Nam!

07-03-2011 07:24 | Y học 360

Ngày 2/3, cả Bệnh viện Trung ương Huế từ cán bộ, bác sĩ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đều nức lòng trước tin vui: Lần đầu tiên thầy thuốc Việt Nam đảm nhiệm thành công ca ghép tim từ người cho chết não.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi lẵng hoa chúc mừng các thầy thuốc BVTW Huế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã ký Quyết định số 629/QĐ-BYT về việc tặng Bằng khen cho tập thể thầy thuốc BVTW Huế vì đã có thành tích xuất sắc trong ca thép tim.

Ngày 2/3, cả Bệnh viện Trung ương Huế từ cán bộ, bác sĩ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đều nức lòng trước tin vui: Lần đầu tiên thầy thuốc Việt Nam đảm nhiệm thành công ca ghép tim từ người cho chết não.

Thầy thuốc BVTW Huế kiểm tra sức khỏe bệnh nhân sau ghép tim. (Ảnh chụp chiều 4/3/2011). Ảnh: X.H

Quá trình chuẩn bị

- 45 thầy thuốc của BVTW Huế tham gia ca ghép tim, nòng cốt là các bác sĩ tại Trung tâm Tim mạch.

- Người hiến tim xin không tiết lộ tên vì yêu cầu của gia đình, là một thanh niên 30 tuổi chết não và được các bác sĩ phẫu thuật lấy tim, bảo quản bằng hóa chất cùng các biện pháp kỹ thuật quan trọng để tiến hành ca ghép.

- Ngày 4/3/2011, bệnh nhân ghép tim đã ngồi dậy, nói chuyện và uống được nước.

- Từ tháng 8/2010, BVTW Huế là cơ sở y tế đầu tiên trong toàn quốc được Bộ Y tế cấp giấy phép là cơ sở có đủ tiêu chuẩn để tiến hành ghép tim từ người cho chết não.

Trên cơ sở thực hiện thành công trên 8.000 ca mổ tim hở và 30 ca ghép thận cùng nhiều kỹ thuật cao khác, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế lại dốc sức quyết tâm thực hiện thành công kỹ thuật ghép tim. Cùng với sự phát triển chuyên ngành phẫu thuật tim mũi nhọn, đề án “Nghiên cứu triển khai ghép tim trên người lấy từ người cho chết não” ra đời và được Hội đồng Ghép tạng BVTW Huế đứng đầu là GS. TS. Bùi Đức Phú điều hành chặt chẽ từ năm 2009. Tháng 8/2010, BVTW Huế là cơ sở y tế đầu tiên trong toàn quốc được Bộ Y tế cấp giấy phép là cơ sở có đủ tiêu chuẩn để tiến hành ghép tim từ người cho chết não dựa trên các tiêu chí: Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế, đội ngũ nhân lực và hệ thống tổ chức để triển khai công tác ghép tim lấy từ người cho chết não, các quy trình chuyên môn kỹ thuật trong ghép tim lấy từ người cho chết não đáp ứng yêu cầu và phù hợp với điều kiện ở Việt Nam, khả năng phối hợp với các trung tâm ghép tạng trong nước và quốc tế.

Để phục vụ cho công việc ghép tim diễn ra tốt đẹp, bệnh viện đã thành lập các êkíp bao gồm  kíp chẩn đoán từ người chết não để lấy tạng, kíp phẫu thuật lấy tim hiến, kíp phẫu thuật ghép tim,  kíp gây mê hồi sức,  kíp chăm sóc điều trị cho bệnh nhân chờ ghép tim cùng nhiều kíp khác như cận lâm sàng, xét nghiệm, huy động hơn 100 cán bộ… luôn trong tư thế sẵn sàng để phối hợp với Ban chỉ đạo của Hội đồng Ghép tạng BVTW Huế. Rất nhiều cuộc họp, báo cáo triển khai công tác, tập dượt được tổ chức. Một trong những yếu tố quan trọng đưa đến thành công của của ca ghép tim là việc âm thầm chăm sóc bệnh nhân ở một căn phòng đặc biệt tại Khoa Nội tim mạch trong hơn một năm để chờ ngày thực hiện ghép tim.

14h ngày 28/02/2011, nhận được thông tin có nguồn tạng hiến từ người cho chết não ở một địa phương khác, Hội đồng Ghép tạng BVTW Huế khẩn trương triển khai công việc ghép tim với tinh thần trách nhiệm cao. Quả tim có sứ mệnh cứu sống người bệnh được bệnh viện bảo vệ như một báu vật, bởi chỉ một cú rơi nhẹ, quả tim cũng có thể không còn nguyên dạng, đồng nghĩa với việc không thực hiện được kế hoạch ghép tim. Công tác văn bản pháp luật được triển khai song song cùng việc thực hiện hồi sức tích cực, với tinh thần khẩn trương nhằm bảo tồn và duy trì sự sống cho các tạng còn lại ở nạn nhân chết não để phục vụ cho công tác ghép tạng.

Lần hội chẩn cuối cùng của hội đồng chuyên môn tuyển chọn bệnh nhân được phẫu thuật ghép tim là Trần Mậu Đức, 26 tuổi, ở phường Phú Hội, TP. Huế, Thừa Thiên Huế với chẩn đoán bệnh cơ tim giãn; suy tim độ IV; phân suất tống máu thất trái tâm thu EF # 17%.  Bệnh nhân có những đặc điểm tương đồng miễn dịch cũng như đáp ứng những yêu cầu chuyên môn của tạng hiến. Để đi đến quyết định cuối cùng này, ngoài thăm khám lâm sàng cần phải thực hiện trên 30 xét nghiệm cận lâm sàng trung và cao cấp tiến hành cho cả người cho tim chết não và người sẽ nhận ghép tim tại hệ thống labo của bệnh viện. Các xét nghiệm cận lâm sàng này được phân ra 3 nhóm: đánh giá chức năng các cơ quan; đánh giá tương hợp miễn dịch nhằm phát hiện nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra trong và sau khi ghép tim để từ đó có phương thức điều trị thích hợp. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm đưa lại tỉ lệ thành công cao nhất, đặc biệt trong bối cảnh khan hiếm nguồn tạng và tính chất sống còn của cuộc phẫu thuật ghép tim. Tất cả xét nghiệm đều phù hợp và chấp nhận được, tuy vậy kíp mổ phải chờ kết quả xét nghiệm đọ chéo máu, phải mất 8 giờ mới có kết quả. Thời gian chờ đợi quá lâu, nếu bệnh nhân chết não tử vong thì không lấy được tạng và nếu kết quả đọ chéo dương tính thì chống chỉ định ghép. Như vậy cuộc ghép tim không thể tiến hành. Cả kíp mổ như ngồi trên đống lửa, chờ đợi từng giây, từng phút nặng nề trôi qua.

Bệnh nhân Đức tỉnh táo sau ghép tim.

Vào phòng mổ

Hiện nay mỗi năm có 3.500 ca ghép tim trên thế giới và có khoảng 800.000 người bị các bệnh về tim cần ghép một trái tim mới. Tại châu Á, các trung tâm đã tiến hành việc ghép tim là ở Hồng Kông, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Saudi Arabia, Singapore, Trung Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên chỉ Đài Loan và Hàn Quốc là các quốc gia có số ca ghép tim lớn nhất châu Á. Đến nay, Việt Nam tự hào ghi tên mình vào danh sách các quốc gia có khả năng ghép tim. Ca ghép tim lần này do các y bác sĩ của Bệnh viện TW Huế tiến hành mà không có sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài. Đây là thành công rất đáng tự hào của các y bác sĩ Việt Nam, họ đã mang tới niềm hy vọng mới cho những người mắc bệnh tim khi các biện pháp y học khác không còn hiệu quả.

Kết quả đọ chéo âm tính! 22h ngày 1/3/2011, 15 cán bộ, y bác sĩ  kíp mổ  của BVTW Huế phấn chấn bước vào phòng mổ. “GS tiên đoán bao nhiêu phần trăm thành công”? Tôi hỏi GS. Bùi Đức Phú trước khi ông bước vào phòng mổ. “Một trăm phần trăm”. Ông quả quyết với niềm tin đang hiện hữu trên khuôn mặt, trong ánh mắt. Tôi cầu mong cho điều đó trở thành hiện thực. Lần đầu tiên thực hiện ghép tim và không được thất bại! Đó là áp lực làm cả kíp mổ khá căng thẳng về tâm lý trong vài phút đầu. “ Cứ coi đây là một ca mổ tim  hở thường quy. Ca mổ tim hở đầu tiên chúng ta thực hiện trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn về phương tiện máy móc, cũng như nhân lực mà còn thành công tốt đẹp”. Giọng ai đó cất lên. Áp lực về tâm lý ngay tức khắc được giải toả. Mọi người “vào cuộc” một cách tự tin, thoải mái. Không khí phòng mổ yên lặng. Chỉ có tiếng máy vận hành, một vài tiếng trao đổi nhỏ của bác sĩ. Quả tim được lấy từ một nơi khác và chuyển đến phòng mổ ghép trong vòng 30 phút, thời gian thiếu máu lạnh ngắn dưới 1giờ. Bệnh nhân được phẫu thuật theo kỹ thuật ghép tim đồng vị trí với hai miệng nối tĩnh mạch chủ, đây là một kỹ thuật tuy hơi phức tạp so với kỹ thuật ghép tim cổ điển 2 tâm nhĩ, nhưng tận dụng mô tâm nhĩ lành của quả tim hiến giúp cải thiện tình trạng loạn nhịp tim cũng như hạn chế máu phụt ngược qua van 2 lá và van 3 lá, đặc biệt phù hợp với độ tuổi còn rất trẻ của bệnh nhân, phù hợp xu hướng phát triển kỹ thuật mổ ghép tim thế giới. Cả 5 tiếng đồng hồ, kíp phẫu thuật dồn sức vào ca mổ, không ai được phép rời bệnh nhân dù chỉ một phút.  Khi những thao tác cuối cùng của ca mổ kết thúc, quả tim của bệnh nhân đựơc ghép, đập những nhịp đầu tiên, cũng là lúc kim đồng hồ chỉ vào số 3. Lúc này mọi người mới thấm mệt. Ca mổ thành công hay không? Còn chờ vào sự hồi sức, vấn đề thở máy, phục hồi của tim, các thông số… GS.TS. Bùi Đức Phú, Giám đốc BVTW Huế, chỉ huy kíp mổ, đồng thời là phẫu thuật viên chính trong ca mổ này đã thức trọn cả đêm, theo dõi bệnh nhân và nóng lòng chờ đợi kết quả, cho đến lúc bệnh nhân tỉnh táo. Sau mổ 7 giờ, 5h sáng ngày 2/3, các thông số huyết động, hô hấp, tri giác của bệnh nhân  hoàn toàn bình thường, chức năng tim tốt với phân suất tống máu thất trái EF # 57% và đã được rút ống nội khí quản, tự thở. Cả êkíp ghép tim nhận được tin này ai cũng bồi hồi xúc động. Lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ đã làm nên một kỳ tích lớn lao. Ghép tim, kéo dài sự sống cho bệnh nhân. Sau thành công này, tôi đã gặp TS. Lê Quang Thứu, Phó khoa Ngoại - tim mạch - lồng ngực BVTW Huế, ông nói: “Tham gia mổ tim hở hàng nghìn ca, nhưng khi nghe bệnh nhân ghép tim được hồi phục, cảm giác của tôi lúc ấy lạ lắm, như là niềm hạnh phúc quá lớn lao...”. Còn GS. Phú,  đúng như dự đoán của mình là sẽ thực hiện ca ghép tim thành công, nhưng  ông vẫn vô cùng xúc động. Một tập thể đồng lòng đầy quyết tâm và giàu kinh nghiệm, giỏi về chuyên môn đã cùng ông làm nên một kỳ tích lớn, mở ra một triển vọng cho sự nghiệp ghép tạng tại Việt Nam.

“Để ghép tim trên người trở thành thường quy và phát triển kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam thì riêng ngành y tế là không đủ, mà cần phải sự đồng lòng và ủng hộ của nhiều ban ngành. Đặc biệt, thầy thuốc chúng tôi, chữa bệnh cứu người, rất mong nhận được sự ủng hộ và chia sẻ về nguồn tạng hiến từ những người chết não”. GS.TS. Bùi Đức Phú chia sẻ khi chia tay tôi, rồi bóng dáng cao lớn của ông khuất nhanh sau tấm cửa kính của phòng cách ly.

GS.TS. Đỗ Kim Sơn, Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam, thành viên Hội đồng thẩm định ghép gan,
tim từ người cho chết não của Bộ Y tế: Bước ngoặt của nền y tế Việt Nam

PV: Cảm xúc của ông như thế nào khi đón nhận tin các đồng nghiệp từ BVTW Huế thực hiện ca ghép tim thành công?

GS.TS. Đỗ Kim Sơn: Phải nói rất thật rằng, trong tôi có một niềm vui muốn vỡ òa. Nếu được có mặt tại BVTW Huế, tôi muốn ôm thật chặt tất cả các thành viên của kíp ghép tim, họ đã tạo ra bước ngoặt lớn cho nền y tế nước nhà. Tôi đã gửi điện chúc mừng và gọi điện cho GS.TS. Bùi Đức Phú, Giám đốc BVTW Huế, cảm ơn anh ấy và chúc mừng thành công của tập thể thầy thuốc bệnh viện.

PV: Thưa ông, tháng 6/2010, BVTW Quân đội 108 đã thực hiện ca ghép tim đầu tiên trên người với sự giúp đỡ từ chuyện gia nước ngoài và đến nay BVTW Huế tiếp tục thực hiện thành công nhưng với 100% kíp ghép tim là các thầy thuốc của bệnh viện, ý nghĩa của sự kiện này như thế nào?

GS.TS. Đỗ Kim Sơn: Điều đó nói lên rằng, thầy thuốc Việt Nam của chúng ta ngày càng trưởng thành và lớn mạnh hơn. Nhưng để có được thành quả như hôm nay, phải nói rằng chúng ta đã có bước chuẩn bị từ năm 1965, người đặt nền móng đầu tiên là cố GS. Tôn Thất Tùng. Chúng tôi, những học trò của giáo sư đã bắt đầu thực hiện ghép tim, ghép gan thực nghiệm tại BV Việt Đức trong thời gian đó. Đến năm 1972, ngành y tế nước ta đã có sự chuẩn bị đầu tiên về nguồn nhân lực khi đã cử những thầy thuốc đầu tiên đi học ở Pháp. Ngay sau khi thống nhất đất nước, chúng ta vẫn tiếp tục cử nhiều thầy thuốc giỏi sang các nước có nền y học tiên tiến để học hỏi. Trong kíp ghép tim tại BVTW Huế, có rất nhiều thầy thuốc là những người đã từng được cử đi học nước ngoài trong thời gian đầu còn khó khăn đó. Thêm nữa, ca ghép tim tại BVTW Huế với 100% thầy thuốc của chúng ta đảm nhận khẳng định nền tảng của y học nước nhà đã có sự phát triển bền vững. Bởi trong ghép tạng, vai trò của nội lực là rất lớn. Chúng ta phải có sự chuẩn bị thật chuyên nghiệp về nhân lực, trang thiết bị, thuốc men, các kỹ thuật xét nghiệm đi kèm và kỷ luật vô trùng...

PV: Như vậy là chúng ta đã làm chủ được các kỹ thuật ghép tạng khó. Nhưng thưa ông, để các ca ghép tạng được thực hiện thường quy cứu sống nhiều người bệnh hơn nữa, cần điều kiện gì?

GS.TS. Đỗ Kim Sơn: Tôi được biết để chuẩn bị cho ca ghép tim vừa qua, BVTW Huế đã phải chuẩn bị hơn 2 năm. Nhưng có điều vui là các đồng nghiệp trong đó, đã thực hiện rất tốt việc vận động nguồn tạng hiến. Họ đã nhận được sự đồng thuận từ lãnh đạo tỉnh, các nhà tu hành và nhân dân. Qua thành công của ca ghép tạng này, tôi tin chắc sẽ là cú hích để chúng ta có thêm nhiều nguồn tạng được hiến, qua đó cứu sống nhiều người bệnh.

PV: Xin cảm ơn GS!

Anh Tuệ (thực hiện)

Xuân Hồng


Ý kiến của bạn