Chờ đợi 6 năm để được ghép giác mạc..
Thông tin với phóng viên chiều 6/12, PGS.TS Cung Hồng Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt TW cho biết đây là ghép giác mạc thứ 7 trong năm 2023 thành công. Tuy nhiên đây là ca đầu tiên ghép từ nguồn giác mạc cộng đồng trong năm nay (người chết hiến giác mạc). Các trường hợp ghép giác mạc trước đó từ nguồn hiến người chết não.
Chia sẻ thông tin về ca ghép này, PGS.TS Lê Xuân Cung, Trưởng khoa Giác mạc (Bệnh viện Mắt TW) cho biết, bệnh nhân là một trong hàng trăm ca trong danh sách chờ ghép giác mạc từ 5-6 năm nay tại Bệnh viện Mắt TW.
Đây là một người đàn ông, 50 tuổi bị bệnh lý về giác mạc sau chấn thương đã chờ đợi khoảng 6 năm. Tổn thương giác mạc thường xuyên gây kích thích, khiến người bệnh đau đớn nhiều, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, công việc và cuộc sống.
Nguồn giác mạc để ghép được lấy của của một trung niên 40 tuổi ở Bắc Giang hiến; Ngân hàng Mắt TW (Bệnh viện Mắt TW) lấy đêm 2/12 với sự điều phối của Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.
"Nam bệnh nhân hiến tặng giác mạc bị tử vong do bệnh phổi. Trước đó, gia đình bệnh nhân đã từng có người hiến tặng giác mạc nên ngay sau khi bệnh nhân mất gia đình đã liên hệ với Ngân hàng mắt để hiến tặng giác mạc"- PGS.TS Lê Xuân Cung thông tin.
Là phẫu thuật viên chính của ca ghép giác mạc PGS.TS Cung cho biết: sau ghép, hiện tình trạng mắt của bệnh nhân ổn định, tiếp tục điều trị chống viêm, nhiễm trùng sau phẫu thuật và sử dụng thuốc chống thải ghép.
"Còn về thị lực, sau ghép một đến hai tháng các bác sĩ mới có thể đánh giá được khả năng phục hồi thị lực và các yếu tố liên quan. Tuy nhiên việc ghép giác mạc sẽ giải quyết được tình trạng đau nhức mắt và giúp mắt của người bệnh sẽ đẹp hơn. Hiệu quả sau ghép giác mạc của mỗi người bệnh là khác nhau, phụ thuộc vào bệnh lý gây sẹo giác mạc, khả năng thích nghi của giác mạc mới, quá trình sinh hoạt, giữ gìn của người được ghép…"- PGS.TS Lê Xuân Cung nói.
Bác sĩ kêu gọi cộng đồng đăng kí hiến giác mạc nếu không may qua đời
Chia sẻ thêm về việc lấy-ghép giác mạc tại Việt Nam thời gian qua, PGS.TS Cung Hồng Sơn cho biết ghép giác mạc tại Bệnh viện Mắt TW được thực hiện từ năm 2007 nhưng đến nay mới có khoảng 3.000 bệnh nhân được ghép.
Trong số này 50% ca ghép giác mạc từ người hiến tình nguyện ở các tỉnh, thành phố, trong đó nhiều nhất là Ninh Bình và Nam Định. Tuy nhiên trong hai năm 2021 và 2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 hoạt động hiến, lấy giác mạc bị gián đoạn nên Ngân hàng Mắt chỉ lấy được giác mạc của khoảng 100 người hiến.
'Giác mạc chỉ được thu nhận sau khi người hiến tặng qua đời. Thời gian tốt nhất để lấy giác mạc là trong khoảng 6 đến 8 giờ sau khi người hiến mất. Đến nay, cả nước có 961 người hiến giác mạc, người hiến nhỏ tuổi nhất là cháu bé 4 tuổi và lớn tuổi nhất là cụ già hơn 107 tuổi"- PGS.TS Cung Hồng Sơn thông tin.
Tại Ngân hàng Mắt TW, hiện có khoảng 1.000 người đăng ký chờ ghép giác mạc, tuy nhiên nguồn giác mạc từ người hiến tặng sau khi qua đời vẫn còn hạn chế. Hàng dài nhiều bệnh nhân phải chờ đợi 5 - 6 năm không có nguồn giác mạc để hiến.
Chỉ tính riêng bệnh lý nhiễm trùng giác mạc mỗi năm khoảng 300 ca có sẹo giác mạc, thị lực giảm hoặc bằng 0 chờ ghép, chưa kể các tổn thương giác mạc do chấn thương, di truyền nên rất cần nguồn hiến giác mạc từ cộng đồng. Trong số bệnh nhân chờ ghép giác mạc, nhiều nhất là ở độ tuổi 30 - 60, có cả trẻ em.
Các bác sĩ kêu gọi người dân trong cộng đồng đăng kí hiến giác mạc nếu không may qua đời. "Hiến giác mạc là một nghĩa cử cao đẹp. Đây cũng là món quà vô giá cho người không may bị mù loà. Hy vọng cộng đồng sẽ ngày càng có nhiều người đăng ký hiến giác mạc bởi khi qua đời, việc lấy giác mạc không ảnh hưởng đến đôi mắt, khuôn mặt của người hiến. Nếu có được nguồn hiến này việc ghép giác mạc cho nhiều người bệnh sẽ thuận lợi hơn"- ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt TW nói.